Nghe kể lại

Bí ẩn bức tượng Phật trôi dạt từ biển tại chùa Thanh Lương

Theo các bô lão tại thôn Mỹ Quang Nam, sự hình thành của chùa Thanh Lương là do những thương nhân người Hoa gây dựng lên. Ngay cả cái tên gọi của làng xưa kia cũng đã khiến người ta phải khiếp sợ (đó là Ma Linh – Ma Liên vào thập niên 60 của thế kỷ 20 thì đổi lại thành Mỹ Quang. Năm 2003 được chia làm hai làng: Mỹ Quang Nam – Mỹ Quang Bắc).

Dân làng này chỉ làm một nghề duy nhất, đó là đánh bắt cá, cái nghề, quanh năm chung sống với sóng to gió dữ, vì vậy lời kinh tiếng kệ cầu an không thể thiếu vắng mỗi khi chồng ra khơi. Để cầu chồng bình an, người vợ thường gửi lời cầu nguyện lên Phật Bà Quan Âm. Cứ như thế, ngày qua ngày, năm qua năm hình ảnh Phật Bà đã in sâu vào tiềm thức của bà con nơi đây cùng những câu chuyện linh thiêng…

Bức tượng Phật Bà trôi trên biển

Trong chùa có một bức tượng rất đặc biệt, ông Lê Trung Tánh, Phó ban nghi lễ và cũng là một trong số những người đã ra đưa Phật Bà về chùa kể rằng, sáng sớm ngày 24/12/2004, khi đi thuyền ngoài biển, một nhóm ngư dân của làng chài Mỹ Quang Nam phát hiện một pho tượng Phật bằng gỗ đang trôi dập dềnh ngoài biển.

Mặc dù sóng lớn nhưng pho tượng Phật cứ lấp lửng trôi gần bờ chứ không bị sóng cuốn ra ngoài, cũng không dạt vào bờ như những cây gỗ khác. Thấy sự kỳ lạ như thế, mọi người liền chạy về chùa thông báo rằng họ phát hiện một bức tượng Phật, nhờ chùa đến xem xét. Phật tử đạo hữu và cả trụ trì chùa Thanh Lương là Đại đức Thích Quảng Ngộ cùng nhau chạy ra xem.

Lúc này nhiều người chèo thuyền ra để vớt tượng, hàng chục con thuyền không thể tiếp cận được với pho tượng.

“Ngay khi có người báo tin, tôi cùng với 4 người nữa đưa thuyền đi ra ngoài đảo. Lúc đó biển động nên rất ít người dám ra khơi. Khi đi, chúng tôi đâu có biết là tượng to nên không mang theo dây, cây kèo… Mặc dù thân tượng ngấm đầy nước, hà bám quanh nhưng từ bức tượng phảng phất ra một dáng trang nghiêm. Do biển động nên anh em phải để thuyền cách chỗ tượng đang được dựng đứng hơn 100m. Chúng tôi đi từ 6h sáng nhưng đến 15h chiều mới đưa được tượng về đến chùa. Mọi người trong làng đều rất vui!”, ông Tánh chia sẻ.

Sau đó, ngư dân làng đã đem chuyện nói với Đại đức Thích Quảng Ngộ (trụ trì chùa Thanh Lương), sư Quảng Ngộ vội chạy ra biển chứng kiến.

Theo Đại đức Thích Quảng Ngộ, tượng Phật Bà làm bằng gỗ quý, tạc dáng đứng trên một con rồng, cao 2,2m, nặng 74kg, bề ngang 0,6m. Vì chịu tác động của sóng gió nên tượng không còn nguyên vẹn, nhiều chỗ bị bào mòn, 2 cánh tay bị gãy giờ chỉ còn lại dấu vết, tuy nhiên nhìn thoáng qua cũng dễ dàng nhận ra nguyên bản dáng đứng của Phật Bà Quan Âm. Nhiều phật tử có tâm đã ngỏ ý được phục chế pho tượng nhưng Đại đức Thích Quảng Ngộ kiên định giữ nguyên hiện trạng.

“Phật tử nơi đây ít gọi bức tượng này là Quan Thế Âm mà hay gọi là tượng “Mẹ”, biểu trưng đầy ý nghĩa cho người Mẹ phương Đông. Khi thỉnh tượng về Tam bảo của chùa, trên tượng chi chít những vết hà biển đục như nói lên rằng “Mẹ” đã phải gánh chịu mọi nỗi khổ, hứng chịu nỗi đau trên thế gian này. Điều đó cũng chính là “hạnh” vị tha của Quan Thế Âm”, Đại đức Thích Quảng Ngộ cho biết.

Từ ngày chùa có tượng Phật, rất nhiều cá nhân và đoàn thể trong cũng như ngoài nước đã đến tham quan pho tượng này. Những bậc giáo phẩm trong Hội Đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những nhà nghiên cứu khảo cổ cũng đã từng về chiêm bái và khẳng định sự gặp gỡ nhân duyên có một không hai.

Được gắn thẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *