Cuộc sống vận động thay đổi từng ngày mang lại những tiện lợi nhưng cũng có những mặt trái. Một trong số đó là thực trạng vì quá bận rộn nên nhiều gia đình trẻ hiện nay khi chuyển dọn nhà thường chỉ làm lễ nhập trạch đơn giản với một mâm cúng nhỏ và tối giản các bước. Trong khi, khá nhiều quan điểm cho rằng nhập trạch chuyển nhà là một nghi thức rất quan trọng để được thần linh tổ tiên chấp thuận, phù hộ nên không thể sơ sài và cần làm đúng thủ tục.
Trong bài viết này, từ những gì tổng hợp được, chúng tôi xin được trình bày các bước tiến hành thủ tục làm lễ cúng chuyển nhà nhập trạch đầy đủ nhất theo chuẩn phong thủy. Dựa vào đây, tùy điều kiện gia đình và niềm tin tâm linh của bạn mà có thể thực hiện đầy đủ hay lược bỏ bớt cho phù hợp với nhu cầu thực tế của gia đình mình.
Lễ nhập trạch là gì?
Nhập trạch là từ Hán Việt, theo đó “nhập” có nghĩa vào, “trạch” là nhà. Như vậy, hiểu theo một cách hiểu đơn giản thì nhập trạch là dọn vào nhà mới. Lễ nhập trạch tương đương việc “đăng ký hộ khẩu” với thần linh, thổ địa đang cai quản ngôi nhà. Đây là một nghi lễ cổ truyền khá quan trọng của dân tộc ta được lưu truyền từ ngàn đời qua.
Ý nghĩa của lễ nhập trạch
Quan niệm từ ngàn xưa của ông bà ta cho rằng, mỗi một vùng đất, khu vực đều có thần linh trấn quản. Vậy nên việc chuyển đi hoặc đến đều phải làm lễ trình báo xin phép, có như vậy mới được chấp thuận, cuộc sống gia đình, công việc sau này theo đó mới thuận buồm xuôi gió.
Đồng thời, do tổ tiên, thần tài-thổ địa đang được thờ cúng tại nhà cũ nên khi chuyển dọn nhà, cúng nhập trạch xin phép được chuyển họ đến nhà mới là việc cần làm, để gia đạo tiếp tục được phù hộ.
MỘT SỐ LƯU Ý CƠ BẢN KHI NHẬP TRẠCH
- Chọn ngày giờ tốt để dọn đến nhà mới.
- Đồ đạc phải do tự tay người trong gia đình dọn chuyển mang đến nhà mới. Ngày nay, việc dọn đồ chúng ta thường thuê thêm bên thứ ba, nhưng tuy nhiên bạn và gia đình cũng cần phải tham gia vào việc chuyển đồ dù ít hay dù nhiều.
- Bài vị cúng Gia Thần, Tổ tiên, Thần tài phải do gia chủ tự tay mang đến. Còn những thành viên khác trong gia đình đi theo cầm tiền của mang đến nhà mới.
- Thời gian chuyển nhà tốt nhất là vào buổi sáng, giữa trưa hoặc lúc mặt trời bắt đầu lặn và tuyệt đối không chuyển nhà vào buổi tối.
- Khi vào nhà mới, vật đầu tiên mang vào là cái chiếu hoặc tấm đệm đang sử dụng, sau đó là bếp lửa (bếp ga/ bếp dầu); không nên mang bếp điện vì bếp điện có tinh mà không có tướng (tức là chỉ có nhiệt mà không có lửa), chổi quét nhà, gạo, nước,… lễ vật để cúng thần linh trước để xin nhập trạch và xin phép Thần linh rước vong linh Gia tiên về nơi ở mới để thờ phụng.
- Lễ vật được bày trên bàn/mâm, kê theo hướng đẹp với gia chủ. Tự tay gia chủ thắp nhang vào một bát nhang làm tạm thời. Thắp nhang và khấn lễ Thần linh xin nhập vào nhà mới; tiếp sau đó, gia chủ châm bếp và đun nước. Đun nước mục đích là khai bếp, pha trà nước dâng Thần linh và Gia tiên. Nếu có khách, có thể lấy nước đó để mời khách.
- Ngay sau khi khấn Thần linh xong, gia chủ làm lễ Cáo yết Gia tiên rồi mới dọn dẹp đồ đạc. Sau khi dọn xong, để cầu mong bình yên, toàn gia nên tổ chức lễ bái tạ Thần Phật, các vị Thánh thần và Tổ tiên.
Lưu ý:
- Nếu gia chủ chỉ nhập trạch lấy ngày tốt, mà chưa có nhu cầu ở ngay, thì cũng nên ngủ lại nhà mới 1 đêm.
- Phụ nữ đang mang thai thì tốt nhất không nên dọn nhà; một là ảnh hưởng tới sức khỏe; hai là kiêng kỵ theo quan niệm, tín ngưỡng từ xưa. Trong trường hợp cấp bách không thể không rời nhà, thì nên mua một cái chổi mới, để đích thân người mang thai quét qua đồ đạc một lượt rồi hãy chuyển vào.
SẮM LỄ NHẬP TRẠCH VÀO NHÀ MỚI
VÀNG MÃ
- Bộ mũ áo thần linh đỏ + ngựa cờ kiếm đỏ;
- 2000 vàng hoa đỏ đại;
- Bộ 5 mũ áo ngựa 5 màu (ngũ phương)
- 3 tập tiền Tào quan
- 7 đinh tiền vàng
- 1 Bộ quần áo ông bà tiền chủ.
- Khi xếp ngựa, xếp 6 cụ Ngựa từ trái qua phải theo thứ tự: Trắng, Tím, Đỏ, Đỏ to, Vàng, Xanh kèm mũ ngựa xếp dưới.
LỄ MẶN
- Mâm lễ dâng Thần linh + Gia tiên
- Hương, Hoa nhiều màu, nến 2 cây, trà, ngũ quả, trầu cau
- Rượu, Gà (có thể thay bằng chân giò hoặc giò),
- Đĩa gạo, muối
- 1 Đĩa bánh kẹo
- Một mâm cơm canh có 3 món mặn (cúng gia tiên)
CHUẨN BỊ
- Dọn dẹp sạch sẽ toàn bộ khu vực thờ cúng, ban thờ, đồ thờ cúng bao sái bằng rượu gừng hoặc rượu ngũ vị hương.
- Bày lễ lên ban, nếu chật quá có thể bày thêm 1 bàn nhỏ phía dưới, Bàn này sẽ đặt mâm cơm cùng vàng mã.
- Đặt các vật phẩm phong thủy lên ban thờ (nếu có) hoặc trên bàn để sau Lễ Nhập trạch sẽ đặt để.
- Chuẩn bị bát rượu ngũ vị hương cùng đĩa Gạo Thần Tài + 1 bông hoa để để chút nhúng vào bát nước ngũ vị bao sái.
THỰC HIỆN
- Bước 1: Chuẩn bị lễ (như trên)
- Bước 2: Sắp lễ (như trên)
- Bước 3: Khấn “VĂN LỄ THÂN LINH KHI NHẬP TRẠCH” Sau đó khấn tiếp “VĂN LỄ GIA TIÊN KHI NHẬP TRẠCH”
- Bước 4: Bật bếp đun ấm nước đầu tiên pha ấm trà mới mời Thần Linh Gia Tiên
- Bước 5: Lấy bát nước ngũ vị cùng Gạo Vàng Thần Tài lấy bông hoa nhúng vào bát vảy nước vào các góc nhà sau đó rắc gạo vàng thần Tài nơi đó.
- Bước 6: Treo đặt các vật phẩm phong thủy vào vị trí đã chuẩn bị trước.
- Bước 7: Lễ Tạ
- Bước 8: Hóa vàng
Lưu ý:
1. Bật bếp lần đầu tiên ở nhà mới phải cho cháy 2 tiếng (Đun nước hay gì đó) để ấm nhà, sau đó mới tắt lửa. Đun nước mục đích là để khai bếp, pha trà dâng Thần linh và Gia tiên. Nếu có khách có thể lấy nước đó để pha nước mời khách.
2. Nhập trạch là dọn về nhà để ở nên cần chuyển hết đồ đạc vào trước bao gồm bàn ghế, tủ, kệ, bếp núc….. Chuyển đủ đồ để có thể về ở và cả nhà ngủ và sinh hoạt tại đó.