Ngôi chùa này cũng là một trong những cái địa điểm đã xuất hiện băng tuyết, băng giá, nhiệt độ chạm mốc 0 độ C vào mùa đông năm nay.
Ngôi chùa bằng đồng lớn nhất châu Á
Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật) nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử, ở độ cao 1.068m so với mực nước biển. Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi được làm bằng đồng lớn nhất Châu Á.
Theo tài liệu ghi lại, vào thời điểm Phật Hoàng Trần Nhân Tông tới Yên Tử và sau khi Ngài viên tịch, chùa Đồng chưa tồn tại. Song đến thế kỷ 17, thời hậu Lê, chùa bắt đầu được khởi dựng, làm bằng khung sắt, mái đồng, quy mô nhỏ như một khán thờ. Bên cạnh tượng Phật, chùa còn có khánh và chuông lớn, tất cả đều làm bằng đồng.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sửa với nhiều “phiên bản” được xây dựng lại, đến năm 2006, chùa Đồng hiện nay chính thức được khởi công xây dựng lại theo thiết kế của Kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn – Viện Bảo Tồn Di Tích, đúc toàn bộ bằng đồng. Cuối tháng 1 năm 2007, chùa được khánh thành, tọa lạc trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử.
Theo đó, chùa đã được các nghệ nhân nổi tiếng đúc đồng ở Ý Yên, Nam Định thực hiện, đúc theo nguyên mẫu của chùa Dâu Keo (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Diện tích của chùa Đồng Yên Tử gần 20m2, nặng 70 tấn, dài 4,6m, rộng 3,6m và chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m. Trong đó, mỗi viên ngói nặng khoảng 4kg, 4 cột chùa mỗi cột nặng 1 tấn.
Chùa có kiến trúc hình khối vuông bốn mái, mái có hình ngói mũi hài, bờ nóc bờ dải không trang trí, hai đầu bờ nóc cùng bốn đầu đao là hình đầu rồng mang phong cách thời Trần.
Phần mái của chùa vươn ra bốn phía tạo thành hiên. Ba mặt của chùa là các ván đồng ghép khít lại với nhau tạo thành bức vách. Phần dưới của bức vách có trang trí dải hoa văn hình lá lật. Mặt trước hiên chùa có hành lang, lan can là các chấn song hình thân trúc.
Hệ thống tượng Phật trong chùa gồm 1 pho tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Tượng có kích thước cao trung bình từ 0,45 – 0,87m tọa trên đài sen.
Đến nay, chùa Đồng Yên Tử được coi là một biểu tượng của lịch sử và tín ngưỡng Phật giáo ở Việt Nam. Mỗi năm, khu danh thắng Yên Tử nói chung cũng như chùa Đồng nói riêng thu hút lượng lớn du khách, lên tới hàng triệu lượt. Đặc biệt vào dịp đầu xuân năm mới, từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, là dịp có lễ hội chùa Yên Tử, lượng khách đến hành hương tại khu danh thắng còn đông hơn nữa.
Băng tuyết xuất hiện sau gần 10 năm
Những ngày cuối tháng 12/2023, các tỉnh miền Bắc Bộ, Trung Bộ nước ta đã và đang chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh tăng cường mùa đông năm 2023. Nhiệt độ các địa phương giảm sâu, trung bình đều dưới 20 độ C. Trong đó, những điểm vùng núi phía Bắc nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, thậm chí chạm mốc gần 0 độ C, xuất hiện băng tuyết, băng giá.
Không chỉ ở “nóc nhà Đông Dương” Fansipan hay “nơi lạnh nhất Việt Nam” Mẫu Sơn, một điểm đến ngay gần thủ đô Hà Nội là chùa Đồng Yên Tử cũng là một trong những cái tên đã xuất hiện băng tuyết, băng giá, nhiệt độ chạm mốc 0 độ C vào mùa đông năm nay.
Ngày 23/12/2023, theo thông tin từ Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, do thời tiết lạnh sâu (có lúc xuống dưới 0 độ C), trong vòng khoảng 4 ngày, khu vực chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nơi có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, đã xuất hiện tình trạng băng giá.
Theo thông tin từ người dân địa phương, phần mái của chùa Đồng và cây cối xung quanh bị một lớp băng mỏng bao phủ. Do nền nhiệt độ thấp, dù buổi trưa có nắng nhẹ, nhưng lớp băng giá này vẫn không tan.
Sự việc băng giá xuất hiện tại chùa Đồng Yên Tử thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương cũng như du khách. Vì thế, mặc dù thời tiết khá lạnh, nhưng trong mấy ngày nay, khá đông người tìm đến để tận mắt chứng kiến quang cảnh hiếm gặp này.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, đã từ lâu, tình trạng băng giá không xuất hiện tại chùa Đồng Yên Tử. Lần gần đây nhất cách đây đã 8 năm. Nếu thời tiết tiếp tục lạnh sâu như hiện nay, tình trạng băng giá sẽ còn kéo dài.