GNO – Sáng nay, 8-4 ÂL (26-5-2023), nhân mùa Phật đản Phật lịch 2567, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến chùa Huê Nghiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) thăm, chúc mừng Đức Pháp chủ – Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Tháp tùng Chủ tịch nước có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQVN; bà Phan Thị Kim Oanh, Phó Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước; ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương và TP.HCM.
Tham dự đón tiếp phái đoàn với Đức Pháp chủ tại chùa Huê Nghiêm có Hòa thượng Thích Lệ Trang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phụ tá Đức Pháp chủ; Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trợ lý Đức Pháp chủ; Thượng toạ Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Thư ký đối ngoại Văn phòng Đức Pháp chủ; Thượng toạ Thích Giác Dũng, Thư ký Văn phòng II Hội đồng Chứng minh GHPGVN và các vị Thư ký Văn phòng Đức Pháp chủ.
Nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm hỏi sức khoẻ, bày tỏ lời chúc mừng trân trọng nhất đến Đức Pháp chủ GHPGVN, cũng như toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
Chủ tịch nước và Đức Pháp chủ GHPGVN chia sẻ nhiều thông tin tại buổi thăm chúc mừng nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 |
Ôn lại quá trình dựng nước và giữ nước trải qua hàng ngàn năm của dân tộc, Chủ tịch nước đồng thời nhận định, Phật giáo kể từ khi du nhập đã gắn kết, lan toả mạnh mẽ trong đời sống xã hội, văn hoá của người Việt Nam, được người Việt Nam tin tưởng đi theo, trở thành một tôn giáo yêu nước, tiến bộ, luôn đồng hành cùng sự nghiệp của dân tộc qua các thời kỳ.
“Lịch sử Việt Nam cho thấy rất rõ điều đó. Kể từ các thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần,… và cả những giai đoạn sau này trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, bao giờ bên cạnh các vị minh quân cũng là các vị cao Tăng phò trợ. Ngay cả trong công cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, rất nhiều Tăng Ni đã tham gia vào sự nghiệp vĩ đại đó của dân tộc, góp phần cùng với cả dân tộc giành được sự độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói.
Kể từ khi thống nhất đất nước, sau đó là công cuộc Đổi Mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, GHPGVN và Tăng Ni, Phật tử đã có những đóng góp rất tích cực vào đời sống xã hội với tinh thần đồng hành cùng dân tộc theo đúng phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao sự lãnh đạo, hướng dẫn của GHPGVN, luôn đồng hành với MTTQVN cùng các tổ chức, đoàn thể khác, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã tham gia rất hiệu quả vào các công tác chung của đất nước, xây dựng đời sống văn hoá ở các khu dân cư, xây dựng đời sống đạo đức lành mạnh trong xã hội, hỗ trợ những người yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh…
“Phật giáo đã thể hiện tinh thần chăm lo cho chúng sinh rất hiệu quả, thiết thực. Chính những việc làm đó càng làm sáng lên tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam đã được vun trồng, phát triển qua nhiều thế kỷ. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy người dân Việt Nam tin tưởng vào đạo Phật. Đạo Phật đã trở thành đạo của người Việt, của dân tộc; là một tôn giáo tiến bộ, yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, trăn trở cùng những lo toan của người dân.”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định.
Chính nhờ những việc làm thiết thực, hiệu quả, GHPGVN cùng với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã góp phần cùng đất nước đi tới những thành tựu to lớn, đời sống nhân dân ngày càng ấm no.
“Có thể nói từ miền ngược tới miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn, từ những nơi khó khăn nhất, hình ảnh của các Tăng Ni, Phật tử, các hoạt động chăm lo cho người yếu thế, trẻ em bất hạnh, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hay qua những đợt thiên tai bão lũ càng làm cho hình ảnh của Phật giáo càng làm cho hình ảnh của Phật giáo gắn kết với đời sống tinh thần, tình cảm của người Việt Nam. Chúng tôi, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất vui mừng, đánh giá cao việc đó.”, Chủ tịch nước bày tỏ.
Chủ tịch nước mong muốn trong thời gian tới, Phật giáo sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, thành tựu đã làm được để cùng với cả nước vươn tới những tầm nhìn, khát vọng về xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mục tiêu cao cả đó cũng là mục tiêu chung của mọi người Việt Nam, dù có đạo hay không có đạo. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc hoàn thiện cũng như thực hiện tốt hơn các chính sách pháp luật về tôn giáo đã có trong thời gian qua, tạo điều hiện để người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mình.
Đáp từ, Đức Pháp chủ GHPGVN dành lời cảm ơn đến Chủ tịch nước cũng như quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành thời gian đến thăm hỏi, chúc mừng nhân mùa Phật đản cũng như đã có những phát biểu đánh giá cao về Phật giáo. Nhân dịp này, Đức Pháp chủ cũng đã có những chia sẻ chân tình về ngày Phật đản. Ngài nhắc lại việc vào dịp Phật đản cách đây 73 năm về trước, ngài được thế phát xuất gia, trở thành một vị Sa-môn, đồng hành cùng với đạo pháp và dân tộc kể từ đó đến nay.
Vào năm 1999, Liên Hiệp Quốc cũng đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là ngày Đại lễ của thế giới. Tính đến nay, ngoài Thái Lan, Việt Nam là quốc gia duy nhất từng 3 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc vào các năm 2008, 2014 và 2019 tại Hà Nội, Ninh Bình và Hà Nam.
Qua các sự kiện đặc biệt này, bạn bè quốc tế đã có dịp được trực tiếp nhìn thấy thực trạng tôn giáo tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo tại Việt Nam cũng như sự đảm bảo của Đảng và Nhà nước đối với việc thực hiện tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.
“Qua các kỳ Vesak, Nhà nước đã tạo điều kiện rất tốt để Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công sự kiện trọng đại này. GHPGVN, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam cũng như cá nhân tôi luôn trân trọng việc làm đó. Chính từ đây, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã hết lòng cùng đi trên con đường xây dựng đất nước, tham gia tích cực vào các phong trào từ thiện xã hội, nâng cao uy thế của Phật giáo trên trường quốc tế.”, Đức Pháp chủ nói.
Đức Pháp chủ cũng thông tin thêm với Chủ tịch nước cũng như các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước về sự ra đời, hoạt động của một số tổ chức Phật giáo trên thế giới cũng như sự tham gia tích cực của Phật giáo Việt Nam trong các tổ chức này.
Thông qua Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Đức Pháp chủ cũng chuyển lời cảm ơn trân trọng đến ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bày tỏ sự trân trọng những tình cảm tốt đẹp của quý vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dành cho Phật giáo nói chung trong suốt thời gian qua.
Sau buổi tiếp đón thân mật, Đức Pháp chủ đã hướng dẫn Chủ tịch nước cùng quý vị lãnh đạo trong phái đoàn dâng hương lễ Phật và thực hiện nghi thức tắm Phật tại chánh điện chùa Huê Nghiêm.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phái đoàn cũng đã đến chùa Minh Đạo (quận 3) thăm hỏi và chúc mừng Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhân mùa Phật đản Phật lịch 2567.
Đức Pháp chủ và chư vị giáo phẩm trò chuyện hoan hỷ cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy TP.HCM và phái đoàn tại chùa Huê Nghiêm |
Chủ tịch nước và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự cùng thực hiện nghi thức Tắm Phật tại chùa Minh Đạo |
Nguyễn Cường – Ảnh: Bảo Toàn, Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ