Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 18,466 ngôi chùa, tự viện, tịnh thất, tịnh xá. Trong số đó, đặc biệt hơn cả là ngôi chùa Quán Sứ (số 73 phố Quán Sứ, Hà Nội), nơi đây đã gắn bó qua các Kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc.
Ngày 07/11/1981, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại chùa Quán Sứ, hội tụ 165 đại biểu của 9 tổ chức, hệ phái (Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp.Hồ Chí Minh, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam, Hội Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam Bộ, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Thiên Thai giáo Quán tông, Hội Phật học Nam Việt).
Sau ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trường Trung cấp Phật học Việt Nam đầu tiên được thành lập (nay được nâng lên thành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội) và đặt tại chùa Quán Sứ. Đây là nơi đào tạo các tăng, ni bậc Đại học với thời gian học là 4 năm 1 khóa.
Từ Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ II đến lần thứ VII được diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, nhưng chùa Quán Sứ luôn là nơi đón tiếp các phái đoàn, tiến hành các khóa lễ trước khi diễn ra phiên Khai mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc.
Theo sách “Chùa Quán Sứ” của tác giả Nguyễn Đại Đồng, chùa Quán Sứ khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI) chùa chỉ gồm ba gian nhà ngói, thờ Phật. Đến thời Lê Mạt do loạn kiêu binh năm 1781 chùa bị tàn phá, mất hết diện mạo chân thực ban đầu. Sau đó vài ba năm chùa được dựng lại, tiền đường thờ Phật, hậu đường thờ Lý Triều Quốc Sư.
Cổng Tam quan được xây bằng gạch kiểu chồng diêm ba tầng. Dưới tầng mái là gác chuông cửa tròn.
Bước qua cổng Tam quan là phần sân rộng gần 20 mét, sâu 6 mét, lát gạch, đây là nơi diễn ra các khóa lễ ngoài trời, nơi tín đồ phật tử hành lễ. Chùa chính được xây trên nền cao hơn mặt sân khoảng 1,9 mét, từ sân lên nền chùa với 11 bậc ốp bằng đá.
Tiền đường 7 gian cao, rộng rãi, thoáng mát, kiến trúc kiểu nhà có mái chồng diêm, hai tầng mái, lợp ngói ống.
Nhìn vào Chính điện, ngoài cùng là hương án, trên đặt tòa Cửu phẩm đèn mầu lấp lánh. Trong Thượng điện có 4 lớp thờ, tính từ trên xuống:
- Lớp trên cùng là 3 pho tượng Tam thế có kích thước và hình dáng giống nhau, đều ngồi trên tòa sen. Phía bên trái chếch trên hàng thứ 1 là tượng Bồ tát Văn Thù, phía bên phải là tượng Bồ tát Phổ Hiền.
- Lớp thứ 2: trước tượng Tam thế là tượng Tây phương tam Thánh gồm tượng Phật A Di Đà chính giữa, bên phải là tượng Đại Thế Chí Bồ tát, bên trái là tượng Quan Thế Âm Bồ tát.
- Lớp thứ 3: ở giữa là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tay cầm hoa sen hay còn được gọi là Thích Ca niêm hoa. Bên trái tượng Phật Thích Ca là tượng Ngài Ca Diếp, còn bên phải là tượng Ngài A Nan Đà.
- Lớp ngoài cùng là tượng Thích Ca Cửu long.
- Bên trái phía trong Tiền đường là cung thờ tượng Địa Tạng Vương Bồ tát, bên phải là cung thờ Quan Âm Chuẩn Đề 18 tay.
- Phía sau Chính điện là nhà Tổ ở tầng 2 được nối bằng 2 hành lang cầu thang ốp đá, phía dưới nhà Tổ tầng 1 là Giảng đường lớn, tầng 3 là nhà Triển lãm.
- Văn phòng Trung ương Giáo hội, phòng họp được đặt trên tầng 2 dãy nhà giải vũ (phía bên phải hướng đi từ cổng Tam quan vào chùa). Phía bên trái là nơi đặt trụ sở của 13 ban, viện Trung ương trên tầng 2, tầng 1 là phòng thư viện và nhà khách tiếp các đoàn khách đến làm việc và viếng thăm cảnh chùa.
Chùa Quán Sứ cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng như: lễ Phật đản, lễ Vu lan, cung rước Xá lợi Phật, đêm hội hoa đăng, các ngày Vía chư Phật, Bồ tát…; ngoài ra còn có các hoạt động của các đạo tràng, của câu lạc bộ thanh niên phật tử và các nghi thức hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như các hội nghị, hội thảo đều được tổ chức tại Hội trường chính.
Chùa Quán Sứ luôn được chọn là trụ sở của các tổ chức Phật giáo và lịch sử chùa luôn gắn liền với lịch sử phong trào Phật giáo miền Bắc trước đây và của cả nước sau ngày thống nhất đất nước.
Lịch sử
Chùa ở số nhà 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Xưa kia nơi đây thuộc thôn Yên Tập, huyện Thọ Xương, Thăng Long. Vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử người sang chiều cống nước ta, nhà vua cho xây dựng một số ngôi nhà gọi là Quán Sứ, dùng làm nơi nghỉ ngơi cho các sứ Thần Lào, Chiêm Thành. . . khi đến Thăng Long. Vì các sứ than các nước đều sùng đạo Phật, nên nhà vua xây đựng một ngôi chùa cho các sứ Thần theo Phật giáo làm lễ, vì vậy chùa có tên là Quán Sứ.
Chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 15, Theo bài văn của tiến sĩ Lê Duy Trung, khắc trên tấm bia dựng năm 1855, thì đầu đời Gia Long (1802 – 1819), chùa gần đồn Hậu Quân, năm 1822, chùa được sửa sang để làm chỗ lễ bái cho quân nhân ở đồn này. Khi quân ở đồn này rút đi, chùa được trả lại cho dân làng. Nhà sư Thanh Phương trụ trì ở đây lúc bấy giờ mới làm thêm các hành lang, tô tượng, đúc chuông. Tiền đường của chùa thờ Phật, còn Hậu đường thờ vị quốc sư Minh Không thời Lý.
Năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở Trưng ương. Năm 1942, chùa được xây dựng lại theo bản thiết kế của 2 kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng do chính Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt.
Kiến trúc
Tam quan chùa có 3 tầng mái, chính giữa là lầu chuông, qua tam quan là một sân rộng lát gạch, bước lên 11 bậc thềm là tới chánh điện. Điện Phật được trang trí trang nghiêm, các pho tượng khá lớn và được sơn son thấp vàng lộng lay, Trong cùng thờ ba vị Tam Thế Phật, kế tiếp thờ Phật A-di-đa, hai bên thờ Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, Bậc dưới, ở giữa thờ Phật Thích Ca, hai bên là A – Nam –Đà và Ca – diép, bậc dưới cùng thờ tượng Quan Âm và Địa Tạng. Gian bên Phải thờ Lý Quốc Sư ( tức Thiền sư Minh Không) với 2 thị giả. Gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình. Phía trong là Thư viện, giảng đường, nhà khách và tăng phòng
Hơn nửa thế kỷ nay, Chùa Quán Sứ là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Phật Giáo Việt Nam, trong đó có sự thống nhất tổ chức Phật giáo trong nước và sự hòa nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Thế giới. Chính nơi đaq6y ngày 13.5.1951( mồng 8 tháng 4 năm Tân Mão) lần đầu tiên lá cờ Phật giáo thế giới do Thượng tọa Tố Liên mang về từ Colombo đã xuất hiện trên bầu trời Hà Nội. Hiện nay chùa là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phân viện Nghiên cứu Phật học.
Chùa Quán Sứ trải qua nhiều đởi trụ trì song không thấy tài liệu ghi chép. Từ năm 1974 – > 2011 là Hòa Thượng Thích Thanh Tứ trụ trì. Hòa thượng viên tịch vào lúc 8 giờ 15 phút ngày 26 tháng 11 năm 2011( Nhằm ngày 2 tháng 11 năm Tân Mão 2011), trụ thế 85 tuổi, hạ lập 65 năm.
TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THANH TỨ
Hòa thượng Thích Thanh Tứ, thế danh Trần Văn Long (1927 – 2011), sư sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn Miêu Nha, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Sư là con thứ 3 của ông Trần Văn Đáo và bàNguyễn Thị Trỏ. Mẹ mất sớm khi sư lên 3 tuổi, từ nhỏ, sư thường theo sư phụ lên chùa làng làm công quảtích phước tạo duyên. Năm nên 6 tuổi, sư được Ni trưởng Thích Đàm Ân trụ trì chùa Nho Lâm, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên nhận về nuôi và cho đi học. Năm 12 tuổi sư xuất gia thụ giới Sa- di tại chùa Đống Long thuộc tổ đình Pháp Quang, thôn Thọ Ngãi, xã Tân Minh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông.
Vào những năm1944 – 1945, người Nhật xâm chiếm Đông Dương, cùng với sự đô hộ của thực dân Pháp đã gây ra nạn đói tàn khốc, giết chết hàng mấy triệu người. Trước viễn cảnh đó sư dần thiên về ảnh hưởng của Việt Minh. Tháng 3 năm 1945, sư tham gia phá kho thóc của Nhật đặt tại chùa Đống Long để cứu đói cho dân thường.
Trong Cách mạng tháng 8.1945, sư cũng tham gia vận động dân chúng trong vùng giành chính quyền dưới sự chỉ đạo của Việt Minh. Năm 1946, sư tham gia Ban chấp hành Phật giáo cứu quốc ờ Hưng Yên. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, sư bí mật hoạt động cho Việt Minh. Từ tháng 1.1950 đến tháng 9.1951, sư tham gia lực lượng vũ trang Hưng Yên. Tháng 10.1951, sư bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam, tra tấn và giải qua nhiều trại giam. Tháng 4.1953, chính quyền Pháp buộc phải trả tự do cho sư cùng 100 người khác.
Từ Năm 1955 – 1957, sư chăm lo Phật sự tại chùa Đống Long. Năm 1968, sư tham gia thành lập Tùng Lâm Phật giáo tỉnh Hưng Yên. Năm 1968, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất, sư được sư tôn làm Chánh thư ký tỉnh hội. Từ năm 1974 – 1980, sư được suy cử làm Ủy viên Ban trị sự kiêm Chánh văn phòng Trung ương Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam và làm việc tại chùa Quán Sứ tứ đó.
Từ 1979 – 2011, sư kiêm nhiện nhiều chức sắc quan trọng của Giáo hội Phật Giáo VN như; Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Giáo Hội Phật giáo VN. Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam- Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, viện chủ trụ trì Tùng Lâm chùa Quán Sứ, chùa Châu Long, chùa Thọ Cầu, Chùa Bái Đính, Chùa Nho Lâm, Chùa Bình Kiều và tham gia các tổ chức xã hội khác. . .
Sư được xem là có nhiều công lao đóng góp cho Cách mạng Việt Nam, Cho Giáo hội Phật giáo Việt Nan và các tổ chức xã hội. Chính vì vậy; Sư được nhà nước phong tặng Huân chương Hồ Chí Minh – Huân chương kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì – Huân chương Độc lập hang Nhì – Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc, và nhiều danh hiệu khác . . .
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2017