Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả bàn rằng: Trời ban đầu mở vào Giáp Tý. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực sinh Lưỡng Nghi, là Thiên Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng… Thiên Hoàng nối Bàn Cổ mà trị ở ngôi Thiên tử, nắm quyền chế độ, mới chế ra Can chi. Mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ Canh, Tân, Nhâm, Quý. Mười hai chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Lấy đó để định thời gian, giúp nhân dân biết phương hướng.
1. Các thánh nhân thời cổ đại đã chế ra Thiên can và Địa chi dùng để phân định thời gian và nhận biết phương hướng. 12 con giáp không chỉ dùng để chỉ ngày giờ tháng năm, mà còn là để gọi tên cho các khu vực trên mặt đất. Vì thế, các con giáp được gọi là các Địa chi. 12 địa chi được sắp xếp theo 4 phương đông – tây – nam – bắc, mỗi phương tương ứng với 3 vùng đất (3 địa chi). Như một chiếc gương đồng thời Đường (thế kỷ 7-9) tìm thấy ở Quảng Nam có khắc nổi trên mặt gương hình Tứ linh, Bát quái và Thập nhị địa chi, minh họa rõ cho những mối liên hệ này.
Xem đồ hình trên gương cổ, chi Sửu có hình tượng là con Trâu, nằm cùng hướng quẻ Khảm trong Bát quái và cùng với phương Huyền vũ (hình con Rùa) trong Tứ linh. Đây là phương bắc, trong Ngũ hành thuộc về hành Thủy (nước), ứng với màu tím (hoặc Đen).
Tên gọi chi Sửu có mối liên hệ với từ nước như sau: Sửu – Sủy – Thủy. Con trâu được người Việt Nam gọi đầy đủ là con trâu nước hay thủy ngưu. Trâu là con vật quen thuộc của nền văn minh lúa nước đã được người xưa dùng làm con vật tiêu biểu cho phương “nước” – hành Thủy, hay hướng bắc ngày nay. Tính chất căn bản của quẻ Khảm hay hướng nước đó là sự tòng thuận. Con trâu là con vật nuôi do người điều khiển mà làm các công việc hàng ngày như cày, kéo, nên người xưa đã dùng hình ảnh con trâu để tượng trưng cho tính chất thuận tòng của hành Thủy, bắc phương.
Tòng thuận cũng là tư tưởng then chốt trong học thuyết Đại Đạo do Lão Tử đề xướng từ cách đây trên 2.500 năm. Trong tác phẩm để đời Đạo Đức Kinh của mình, ở chương “Tượng nguyên”, Lão Tử đã viết: “Trong cõi có Tứ Đại, mà người là một. Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”.
Trong tư duy Dịch học cổ đại, đất tượng trưng cho những gì thuộc về vật chất, về tri thức khoa học kỹ thuật. Trời tượng trưng cho những gì thuộc về tinh thần, về minh triết nhân sinh. Đạo Đức kinh giảng rằng, con người phải biết tuân theo những hiểu biết của khoa học kỹ thuật. Khoa học đến lượt mình lại cần được sự định hướng của minh triết. Chân lý này tuy đơn giản nhưng ngày nay với khoa học công nghệ hiện đại chế ra hàng tấn bom nguyên tử treo lơ lửng thì ta mới hiểu, khoa học mà không có sự định hướng của minh triết sẽ có hậu quả khôn lường.
Minh triết có gốc ở đạo. Đạo là từ sự tự nhiên, không cưỡng ép. Con người ta có khôn (trí tuệ, khoa học) nhưng phải có ngoan (biết tuân thủ, biết hướng đạo) thì mới được bền lâu. Khi con người làm những điều trái với tự nhiên, mất “đạo đức”, như phá rừng, thiêu đốt nguyên liệu hóa thạch, đã dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng to lớn đến tương lai loài người ngày nay. Đây là những viễn cảnh đã được báo trước trong Đạo Đức kinh.
Tư tưởng tòng thuận, tự nhiên, vô vi là căn cơ trong Đạo Lão. Vì thế, Lão Tử thường được thể hiện dưới hình ảnh đang cưỡi một con trâu. Trâu là con vật chở đạo tòng thuận, sống và hành động thuận theo trời đất, không đi ngược với lẽ tự nhiên.
Ở nước ta, sự tích về hành trạng và công nghiệp của Lão Tử được gặp ở nhiều di tích cổ, là những nơi còn lưu dấu chân con trâu chở Đại Đạo trên vùng đất Bắc Việt. Như bên bờ sông Cầu, quê hương của những làn điệu quan họ, di sản văn hóa phi vật thể thế giới đã được công nhận, có một ngôi đình làng cổ nổi tiếng. Đình Thổ Hà ở xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) được vang danh từ lâu bởi nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc rất tinh xảo của xứ Kinh Bắc. Có điều khi xem đến vị thành hoàng được thờ ở đây thì mới thực sự là điều bất ngờ. Thành hoàng làng Thổ Hà tên là Lão Đam, Thái Thượng Lão Quân.
2. Thần tích về Lão Tử ở làng Thổ Hà được khắc trên tấm bia “Cung sao thánh tích” lưu tại đình. Sự tích thánh mở đầu như sau: “Thời Hùng Vương kết thúc, khi An Dương Vương nối ngự trị, có một người từ nước Bắc tới trang Thổ Hà, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc, sống ở tại chùa tên là chùa Đoan Minh. Ngài ngày đêm đọc giảng, tự như có sức lực của thần thánh vậy. Ở trong trang có nhiều đệ tử đến theo học. Một hôm, ngài nói với đệ tử rằng:
– Ta vốn xuất hiện từ chốn Hồng Mông, trời đất sinh ra nên ta có được bản tính thông minh. Xưa mẹ ta nói với ta rằng: Mẹ vốn sinh ra từ sự huyền diệu của lòng từ bi, tên là Mỹ Thổ Hoàng, nằm mộng nuốt một con trâu trắng là tinh khí của mặt trời mà cảm ứng mang thai. Sau 81 năm, vào mùa Xuân năm Canh Thìn, ngày 7 tháng Giêng, bên nách cánh tay chuyển động mà sinh ra ta. Khi sinh đầu đã bạc, chân có chữ. Ta không có cha. Theo lời mẹ mà lấy Lý làm họ, tên là Lão Đam, tự Lý Bá Dương, danh Thái Thượng”.
Sự tích làng Thổ Hà cho biết, vị Thái Thượng ở đây mang tên Lão Đam hay Lý Bá Dương, cầm tinh con trâu trắng mặt trời. Tinh con trâu trong sự tích này có ý nghĩa nói tới đạo tòng thuận của Lão Tử.
Ở làng Thổ Hà, Lão Tử không chỉ giảng đạo mà còn ra sức chữa bệnh cứu giúp nhân dân. “Lúc bấy giờ trong nước có giặc Quỷ mũi đỏ, một vị quan thị hầu vua bị bệnh ngã nhào xuống đất và sau đó bệnh tật lan khắp mọi nơi. Trong nước nhiều nơi mắc bệnh, người ốm người chết thiệt hại rất nhiều. Nhà vua vội truyền hịch đi các nơi: Nếu ai trừ được giặc Quỷ vua sẽ gia phong tước lộc. Lão Tử vâng mệnh, đến nơi có giặc Quỷ, người liền niệm chú. Xong, ngài lại thư phù vào gậy trúc và phóng đi bốn phương. Các nơi đều trở nên yên ổn. Quan địa phương tâu với triều đình, vua liền mời Lão Tử đến ban thưởng, mở tiệc khoản đãi và phong người là Đệ nhất nhân. Lại cho ngài được hưởng thực ấp ở vùng An Việt huyện. Người bái tạ đức vua và trở về Thổ Hà trang”.
Giặc Xích tỵ (Quỷ mũi đỏ) là loại dịch bệnh gây nổi các vết đỏ trên da, dẫn đến tử vong. Có thể đây là bệnh dịch hạch hoặc đậu mùa, rất phổ biến thời xưa. Nhờ có những tri thức về y học, về vệ sinh dịch tễ mà Lão Tử đã giúp nhân dân và triều đình ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát. Do đó, ông đã được tôn phong ở trang Thổ Hà. Nhưng công nghiệp của vị Thái Thượng này không chỉ dừng ở đó. Thần tích làng Thổ Hà kể tiếp:
“Sau đó, vua (An Dương Vương) xây thành (Cổ Loa) có những u hồn và tà ma quấy nhiễu, cứ xây xong lại đổ. Vua lo lắm, liền xa giá đến Thổ Hà trang cầu đảo. Chợt có thần nhân hiện lên bảo vua rằng: Xin vua cứ hồi kinh, không lo ngại gì. Rồi người sai Thanh giang sứ (tức thần Kim Quy) đến giúp, giết Bạch kê tinh trong núi Thất Diệu, lại đào được hài cốt Bạch kê đem đốt đi. Từ đó yêu ma tan hết, lại đào thấy nhạc khí thời cổ (như chiêng trống đồng). Thành xây nửa tháng vừa xong”.
Đây là một thông tin hết sức bất ngờ, khi biết được rằng, người đã giúp vua An Dương Vương trừ yêu quỷ xây thành Cổ Loa trong truyền thuyết lại là triết gia Lão Tử của Trung Hoa cổ đại. Thần Kim Quy đã theo sự sai khiến của Lão Tử hiện thành Thanh Giang sứ giả mà chém Bạch Kê tinh. Sự thật trong truyền thuyết Cổ Loa thành này là gì?
Về hàng trạng của Lão Tử, tấm bia cổ đời Hán Hoàn đế (146-167) có tên “Lão Tử minh” chép: “Lão Tử là quan coi thư viện nhà Chu. Thời U vương, vùng Tam Xuyên bị động đất. Lão Tử dựa vào những biến động của nhị khí âm dương về thời Hạ, Thương, để cảnh cáo nhà vua”.
So sánh thông tin của Lão Tử minh và sự tích thành Cổ Loa sẽ nhận thấy, nguyên nhân chính của việc thành xây bị đổ là những trận động đất của vùng Tam Xuyên. Tam Xuyên là 3 con sông, chỉ vùng đất hợp lưu sông Đà, sông Lô và sông Thao ở Việt Trì. Tam Xuyên hay Tam Giang là tên gọi cổ của vùng đất Bắc Việt, nơi có thành Cổ Loa.
Lão Tử là quan thủ thư dưới thời Chu U Vương, vị vua cuối cùng của nhà Tây Chu. U Vương tính tình tàn dị, để mua nụ cười của Bao Tự mà đã cho đốt lửa Ly Sơn ngàn dặm, gây kinh động tới các chư hầu. Lão Tử nhân việc động đất ở Tam Xuyên đã đăng đàn ở núi Thất Diệu, nhằm muốn khuyên răn vua Chu về đạo thuận theo mệnh trời và nhắc nhở bài học mất nước của Hạ Kiệt, Trụ Vương thời trước.
Đình Thổ Hà có câu đối nói về sự việc này:
Quy giải hiệu linh, Thất Diệu sơn trung truyền dịch quỷ
Long năng thừa hóa, ngũ vân trang hạ ký đăng tiên.
Dịch:
Rùa biết nghiệm linh thiêng, núi Thất Diệu truyền chuyện sai khiến quỷ
Rồng tài mau biến hóa, trang Ngũ Vân lưu tích bốc lên tiên.
3. Như trên đã biết, trong địa chi thì chi Sửu – con trâu nằm cùng hướng với Huyền vũ, là hình tượng “Quy Xà hợp hình”, gồm có rùa và rắn (rồng). Vì thế, thần Kim Quy từ dưới nước đi lên cũng là biểu tượng của hành Thủy, của tinh thần đạo tòng thuận, tuân theo lẽ trời đất. Đạo lý này chính là điều đã giúp được An Dương Vương yên định được oán khí trong nhân dân, xây dựng thành trì, củng cố đất nước vững mạnh, nối nghiệp tổ tiên và theo mệnh trời mà trị quốc.
Tại Ngọc điện ở làng An Xá (xã Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương), Lão Tử được thờ dưới hình một ông lão râu tóc bạc trắng, tay cầm gậy đầu rồng, chân dẫm lên một con rùa vàng. Hình tượng rùa vàng hay trâu trắng đều là thể hiện tinh thần tòng thuận của Đạo Lão.
Về Lão Tử còn lưu truyền câu chuyện “Tử khí Đông lai”, kể rằng, khi Lão Tử đi qua cửa Hàm Cốc, quan lệnh là Doãn Hỷ nhìn thấy có một luồng khí sắc tím bay tới từ phía đông, biết rằng sẽ có thánh nhân đi qua. Quả nhiên, lúc sau, Lão tử cưỡi trâu xanh từ hướng đông qua đây. Doãn Hỷ ăn mặc chỉnh tề, quỳ gối dập đầu, khẩn khoản giữ Lão Tử ở lại và viết lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Lão Tử vì ưu ái Doãn Hỷ nên đã lưu lại Hàm Cốc quan hơn 100 ngày, truyền thụ lại tư tưởng của mình trong cuốn Đạo Đức Kinh.
Thần Kim Quy cũng từ phía đông tới giúp An Dương Vương, rồi trao cho vua cái móng rùa để làm bí quyết an dân giữ nước. Móng rùa ở đây không gì khác chính là cuốn Đạo Đức kinh, hay là tư tưởng Đại Đạo mà Lão Tử đã theo đuổi. Sống có đạo, có đức, tuân theo trời đất, hợp với tự nhiên là chiếc móng rùa được Lão Tử gửi gắm lại cho nhân gian.
Ở Cổ Loa, người được tôn sùng vì giúp An Dương Vương trừ yêu xây thành là Huyền Thiên Chân Vũ. Đây là tên thờ của Lão Tử, xuất hiện dưới thời Đường. Do học thuyết của Lão Tử lấy sự tòng thuận trong tính chất của phương bắc (Huyền vũ) làm căn bản nên ông được tôn là Đại Thánh Bắc phương Thiên Tôn. Đặc biệt ở làng Thụy Lôi, là nơi thờ phụng Huyền Thiên Chân Vũ bên núi Võ Đương (núi Sái ở Đông Anh), có tục lệ hàng năm nuôi một con bò cho béo tốt, đến ngày dùng để tế lễ đức Huyền Thiên. Truyền ngôn rằng: “Khi xưa, ngài nằm ở đây trông thấy một con bò tinh. Ngài ước rằng được ăn thịt con bò ấy. Rồi sau khi ngài hóa, con bò ấy cũng chết. Cho nên dân làng đều tế bằng bò. Dân làng phải lập cuộc giả vương giả tướng để lễ tạ ngài, tức là thay mặt vua Thục để lễ tạ.” Việc nuôi bò để tế Huyền Thiên Chân Vũ là hình thức khuyến khích đạo tòng thuận trong biểu tượng của con “Hoàng ngưu” (chi Sửu còn có hình tượng là con bò vàng trong lịch pháp Trung Quốc).
Các nơi thờ Huyền Thiên Chân Vũ tại Hà Nội như ở Quán Thánh bên Hồ Tây, Huyền Thiên Cổ Quán ở phố Hàng Khoai, hay ở đền Trấn Vũ tại làng Ngọc Trì, Long Biên, đều thể hiện ngài trong hình dáng to lớn, đang chống một thanh gươm có rắn quấn quanh lên mình con rùa. Những hình tượng này đều thống nhất với cách thờ đối với Thái Thượng Lão Quân như ở làng An Xá ở trên. Quy xà hợp hình thành linh vật Huyền vũ, đại diện của bắc phương, sắc tím.
4. Huyền Thiên Lão Tử cầm tinh con trâu, giảng Đại Đạo ở Thổ Hà, tiêu trừ dịch bệnh, đăng đàn nêu cao đạo tòng thuận ở núi Võ Đương, để lại cuốn Đạo Đức kinh làm bí quyết nỏ thần giúp An Dương Vương an định thành đô, trị bình thiên hạ. Mùa Xuân năm Tân Sửu 2021 bắt đầu. Xem lại chuyện xưa mà ngẫm về thế giới ngày nay. Thế kỷ 21 này dịch bệnh lây lan, xã hội đầy những sự thái quá, phá bỏ quy luật tự nhiên, tất không khỏi phải gánh lấy hậu quả. Xin hãy cưỡi trâu mà đi giữa đường đời để có được sắc tím huyền diệu của đạo, giúp cho con người có cuộc sống yên bình dài lâu, hạnh phúc như các bậc thần tiên.
Để nhớ đến đức Huyền Thiên Lão Tử, người đã khai mở con đường Đạo Đức cho nhân gian, xin ghi nhớ đôi câu đối ở chính điện tiền tế đình Thổ Hà:
Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai Đạo Giáo
Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền ảo hóa tác Thần Tiên.
Dịch nghĩa:
Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng giữ thanh hư mở Đạo Giáo
Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một truyền màu nhiệm tạo Thần Tiên.MINH THI