Chùa Đất Sét tọa lạc tại số 163A Tôn Đức Thắng, thành phố Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng. Cách trung tâm thành phố khoảng 2km nằm trên quốc lộ 60 nối với Trà Vinh. Là một ngôi chùa nhỏ nằm bên tay phải có hàng chữ Hán với tên chữ ‘Bửu Sơn tự’ nhưng được người dân quanh vùng gọi là chùa Đất Sét được xem là ngôi chùa ‘độc nhất vô nhị’ của tỉnh Sóc Trăng.
Đây là ngôi chùa có các pho tượng được làm hoàn toàn bằng đất sét, đặc biệt trong chùa Đất Sét có 8 cây nến có thể cháy hàng trăm năm, và đây cũng là ngôi chùa duy nhất tại Sóc Trăng có lối kiến trúc của người Việt. Theo như lời kể của các vị cao niên, trước đây Bửu Sơn tự chỉ là một am nhỏ được xây dựng vào đầu thế kỷ XX cách đây hơn 100 năm của dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia. Mãi đến đời trụ trì thứ tư, ông Ngô Kim Tòng (1909 – 1970) am nhỏ được tôn tạo, mở rộng thêm để có ngôi Bửu Sơn tự như bây giờ. Bửu Sơn tự có diện tích khoảng 400m2 với kiến trúc chân phương cột gỗ mái tôn.
Năm 1909 ông Ngô Kim Đính có một người con trai tên là Ngô Kim Tòng (1909- 1970), tuy nhiên từ lúc mới sinh ra người con này đã có sức khỏe không tốt, thường xuyên đau ốm, khó nuôi. Năm 20 tuổi ông Ngô Kim Tòng đột nhiên lâm bệnh nặng, gia đình đành gửi ông vào chùa mong nương nhờ cửa Phật để thoát khỏi vòng vay bệnh tật. Kể từ khi vào chùa, ngày ngày ăn chay niệm Phật, ngồi thiền nên sức khỏe của ông ngày càng được cải thiện. Kể từ đó ông quyết định ở lại đây. Sau này khi ông Ngô Kim Tây qua đời, ông đã lên làm trụ trì đời thứ 4 của chùa.
Chánh điện của chùa thờ mười phương chư Phật cũng được tạo ra từ đất sét.
Năm 1928 ông Ngô Kim Tòng được Phật báo mộng, và kể từ ấy ông quyết định làm những pho tượng hoàn toàn bằng đất sét mà cho đến ngày hôm nay, những pho tượng Phật này đều mang một ý nghĩa lịch sử tôn giáo quý giá. Suốt 42 năm miệt mài nặn tượng, ông đã tạo nên những bức tượng thờ, linh vật bằng đất sét rất công phu và bền bỉ cho đến ngày nay. Ngày 10 tháng 12 năm 2010, ngôi chùa này đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Giá trị nổi bật nhất của chùa là hàng nghìn pho tượng đất sét được dày công tạo tác. Ông Năm Tòng mang đất sét về phơi khô, đập nhỏ, giã thành bột, sàn bỏ tạp chất, nhào với chất keo đặc biệt gồm bột nhang và ô dước tạo thành hỗn hợp dẻo, thơm, và có tác dụng giữ cho da tượng mịn màng, không nứt nẻ. Tiếp đến, ông dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng sườn, rồi dùng vải mùng bao lại và đắp nguyên liệu hỗn hợp lên làm tượng. Sau đó, các bức tượng được phủ bên ngoài bằng lớp sơn và dầu bóng, mà thoạt trông, người ta sẽ có cảm giác như những bức tượng này được làm bằng chất liệu gỗ.
Chùa còn nổi tiếng bởi 04 cặp nến (đèn cầy) khổng lồ khá đặc biệt. Trong đó, 03 cặp nến có kích thước mỗi cây cao 2.6m, ngang 1m, và được đúc bằng 200kg sáp. Cặp còn lại nhỏ hơn, và mỗi cây được đúc bằng 100kg sáp. Tổng cộng là 1,4 tấn sáp. Để đúc 8 cây nến to lớn này, ông Năm Tòng phải dùng sáp nguyên chất, chặt nhỏ, cho vào chảo to nấu lỏng, đổ vào khuôn là tôn lợp nhà cuộn lại. Sau một tháng, nến nguội rồi mới gỡ khuôn ra, rồi khảm thêm chữ và hình rồng vàng lúc ẩn, lúc hiện uốn lượn theo thân nến.
Hiện nay, 2 cây nến nhỏ vẫn cháy liên tục từ khi ông Năm Tòng qua đời (1970) mà vẫn chưa hết. Phỏng tính bình quân mỗi cây nến cháy suốt ngày đêm phải mất 70-80 năm. Hơn nữa, chùa còn có 3 cây nhang cỡ lớn, mỗi cây cao 1.5 m, nặng 50kg và vẫn còn nguyên.
Nét đặc trưng của chùa Đất Sét là không có sư vì đây là nơi thờ tự tại gia, và không nhận tiền công đức. Con cháu trong dòng họ Ngô giúp thầy Trụ trì bảo vệ chùa, chỉ bán bên ngoài những vật phẩm địa phương cho khách thập phương đến hành hương, viếng Phật.
Đồng Hoa (tổng hợp)