Khu vực miền Bắc

Hà Nam: Chùa Long Đọi với lễ hội Tịch điền

Sáng 18/2/2010 (tức mồng 5 tháng giêng âm lịch) tại xã Đọi Sơn (Duy Tiên – Hà Nam) đã diễn ra nghi thức rước nước khởi đầu cho Lễ hội Tịch Điền xuân Canh Dần. Để rồi 3 ngày sau, tại cánh đồng xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đích thân cầm cày để đi những xá cày đầu năm.

Linh thiêng chùa Long Đọi Sơn

Thật kỳ lạ, giữa một vùng đồng bằng chiêm trũng rộng lớn của huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) bổng nổi lên một dãy núi kỳ vĩ, đẹp như tranh thủy mặc-đã trở thành một danh thắng nổi tiếng của trấn Sơn Nam. Từ trên đỉnh núi cao hơn 80 m nhìn xuống, là cả một vùng đồng bằng bao la trù phú, với dòng sông Châu uốn khúc như một dải lụa xanh ôm lấy cánh đồng phì nhiêu. Sử sách ghi, mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, Lễ Tịch điền được nhiều đời vua sau duy trì. Đến triều Nguyễn, Lễ Tịch điền có nhiều “niêm luật” cụ thể, được tổ chức quy mô, do Bộ Lễ chủ trì. Vào năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, đoàn dời đô đi theo sông Châu sát chân núi Đọi, nhân dân làng trống Đọi Tam bèn tổ chức làm nhiều trống để rước triều đình dời đô. Khi thuyền nhà vua đi qua, bỗng xuất hiện một đoàn múa rồng và múa trống, với hàng trăm cờ quạt phấp phới cùng hàng trăm chiếc trống to trống nhỏ được đánh lên. Cảm kích trước hình ảnh này, vua Lý Thái Tổ bèn đổi tên Núi Đọi thành Long Đọi Sơn (rồng đội núi). Nhà vua còn cho người Đọi Tam mang nghề trống lên kinh đô sản xuất phục vụ triều đình và các lễ hội, để rồi phát triển thành phố Hàng Trống lừng danh ở Thăng Long. Đồng thời, Vua Lý Công Uẩn còn xuống chiếu sai Tể tướng Dương Đại Gia và thiền sư Đàm Cứu Chỉ đến dựng chùa trên đỉnh núi Long Đọi.

Đại việt sử ký toàn thư ghi: “Năm Nhâm Dần, đời vua Lý Nhân Tông, Tống Tuyên Hòa năm thứ 4 (1122), tháng 3 ngày Mậu Dần, mở hội khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Đọi”. Ngày nay, Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh đã không còn. Nhưng chùa Đọi Sơn vẫn còn bảo lưu được một hiện vật vô cùng quý giá, đó là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh có niên đại năm 1121 do Thương thư bộ hình Nguyễn Công Bật soạn. Bia cao 2,88m, rộng 1,4 m. Xung quanh chân bia chạm sóng nước, giữa những lớp sóng tượng trưng cho biển cả mênh mông ấy là một tấm bia đá to, do 4 con rồng nâng lên. Trán bia ở hai mặt khắc rồng chầu lá đề, diềm bia chạm rồng uốn khúc trong những ô tram. Chữ trên bia được khắc phủ kín 2 mặt, nội dung ghi lại sự nghiệp giữ nước và dựng nước của Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt. Theo văn bia Sùng Thiện Diên Linh, thì tháp chùa Đọi Sơn thời Lý là công trình kiến trúc to lớn, nguy nga, lộng lẫy. Tòa bảo tháp cao 13 tầng, mở 40 cửa hứng gió, vách chạm rồng ổ, xà treo chuông đồng, tầng trên đặt hộp vàng xá lợi, đỉnh nóc xây cảnh tiên khách bưng mâm. Tầng dưới có 8 ông tướng khôi ngô, đứng hộ vệ cho thần nhân cầm kiếm, chính giữa đặt pho tượng Đa Bảo Như Lai. Đầu thế kỷ XV, chùa Đọi Sơn bị giặc Minh tàn phá, ngôi tháp Sùng Thiện Diên Linh bị san phẳng.

Tại chùa Long Đọi vẫn còn bảo lưu được nhiều di vật cổ vật tìm thấy khi khai quật móng tháp Sùng Thiện Diên Linh. Trong số “tám vị thần nhân cầm kiếm” của Tháp Sùng Thiện Diên Linh, may mắn thay, ngày nay vẫn còn giữ được 6 pho, hiện bảo lưu tại chùa, đây là các tượng Kim Cương cao 1,6m, thể hiện các thần tướng nhà Trời đi hộ vệ Đức Phật. Trong số di vật thời Lý mà nhà Chùa còn bảo lưu được, có 2 pho tượng hình người cánh chim cao 40 cm, rộng 30 cm, cùng rất nhiều mảng đầu rồng, đầu thú bằng đất nung, gạch hoa văn thời Lý.

Trong kháng chiến chống Pháp hầu hết kiến trúc cổ cuả chùa đã bị tàn phá, đến khi hòa bình lập lại mới được nhân dân trùng tu tôn tạo và phục dựng lại. Ngày nay, chùa Long Đọi đã là một quần thể kiến trúc khang trang, với khuôn viên xây dựng rộng tới 10.000m2, giữa diện tích rừng rộng 1ha. Hệ thống đường lên từ cổng chùa dưới chân núi Đọi lên đến Tam Quan đuợc lát bằng đá cứng, với khoảng 300 bậc.

Long Đọi tự rước nước khai mở Lễ hội Tịch Điền

Chúng tôi về xã Đọi Sơn tinh mơ sáng 18/2/2010, con đường về núi Đọi đã ắp đầy không khí lễ hội, với những cờ, phướn phấp phới bay. Qua cổng chùa Long Đọi dưới chân núi, leo qua gần 300 bậc đá uốn lượn và đoạn đường dốc, ta bỗng gặp cái bảng lảng, hư thực của đồng chiêm trũng. Trong tiếng thì thầm của gió, nghe như hơi thở của đất, đâu đây âm vang tiếng trống của làng nghề Đọi Tam. Trong màn sương kỳ ảo, giữa tả môn, hữu môn là nhà bia xây theo kiểu chồng diêm tám mái, mang phong cách kiến trúc thế kỷ 19. Hai mươi bậc đá dựng đứng, như chiếc thang dẫn đến sân chùa thoáng tĩnh. Kề bên là 2 dãy nhà động tội, bày ra mười cửa ngục, như một thông điệp nhắc nhở con người vươn tới chân thiện mỹ.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn xuân 2010 diễn ra trong 3 ngày, từ 18-20/2, tức mồng 5-7 Tết Canh Dần. Bắt đầu từ 9 h sáng mùng 5 Tết, nghi Lễ rước nước đã được tổ chức trong không khi trang nghiêm, khai mở cho Lễ hội Tịch Điền. Đi đầu đoàn rước là rồng vàng, tiếp đến hàng chục người được tuyển chọn làm chân kiệu và dân binh mặc áo đỏ, quần đỏ viền vàng, chân đi hài cầm cờ, quạt, lọng. Đại Đức Thích Thanh Vũ- trụ trì chùa Long Đọi đi trước kiệu rước choé, phật tử và dân làng lập thành đoàn nối bước theo sau kéo dài tới nửa km. Đoàn rước nhộn nhịp trong tiếng trống trứ danh của làng Đọi Tam (thuộc xã Đọi Sơn), đi từ chùa Long Đọi xuống đến Đền Thánh thì dừng lại. Nơi đây là một am nhỏ được tạo thành từ một hõm đá dưới chân núi Long Đọi, giữa am ngay dưới bệ thờ Thánh có một giếng nước bốn mùa luôn trong vắt. Đại đức Thích Thanh Vũ tự tay lấy nước ở giếng đưa vào choé để đoàn rước nước trở lên chùa, nước này sẽ được dùng để “làm phép” tẩy rửa mọi bụi bặm trần thế, thanh tịnh tâm hồn trong lễ sái tịnh diễn ra vào tối mồng 5 Tết. Sau đó, sẽ có lễ cáo yết tại đình Đọi Tam. Đại Đức Thích Thanh Vũ cho chúng tôi biết, Lễ hội Tịch Điền đã thất truyền hơn 100 năm, mới chỉ bắt đầu phục dựng lại từ mùa xuân năm 2009, nên hầu như không ai còn biết được các nghi lễ cổ xưa ở đây. Bởi vậy, nhà chùa đã cố gắng khảo cứu thư tịch cũ, cùng những nghi lễ của Phật giáo để phục dựng lại các nghi thức để phục vụ và làm phong phú, tôn nghiêm hơn cho Lễ hội Tịch Điền. Trong số hơn 10 nghi thức trong Lễ hội Tịch Điền năm 2010 này, thì riêng chùa Long Đọi đã đảm nhiệm 4 nghi thức: Lễ rước nước, Lễ Sái Tịnh, Lễ cầu an, lễ rước kiệu về nơi diễn ra nghi thức cày ruộng.

Chủ tịch nước cày ruộng

Ngày 19/2/2010 (tức mồng 6 Tết Canh Dần), tại khu vực Lễ hội ở cánh đồng dưới chân Long Đọi Sơn đã diễn ra hội thi vẽ trâu, nhằm chọn ra những chú trâu đẹp nhất, thuần nhất tham gia nghi thức cày Tịch điền. Các họa sỹ đã phóng bút một cách mặc sức nhằm thể hiện tình cảm sự biết ơn giữa người nông dân đối với “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Đặc biệt năm nay khuyến khích vẽ trâu thành hổ, nên các họa tiết đầu hổ dũng mãnh, hoặc những bộ lông hổ vằn vện đã được các họa sĩ thể hiện tinh xảo. Lê Công là một phóng viên của tạp chí về ô tô xe máy, từng học vẽ và nghiên cứu trang phục tuồng cổ, nên anh đã thể hiện những hoa văn họa tiết về hổ trong trang phục tuồng cổ Việt Nam lên mình con trâu. Họa sĩ Malaysia Khairul Azuwan, người Malaysia đã khoác lên mình trâu những hình ảnh thật gần gũi thân thiện như một người bạn tốt với con người. Phạm Thị Thơm – sinh viên khoa Mỹ Thuật Trường Sân khấu Điện ảnh đã thể hiện các họa tiết dân tộc truyền thống trên mình trâu với tông màu đối lập, mang đặc tính của thuyết âm dương với ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa.

Chủ tịch nước vận bộ đồ nhà nông cầm cày theo sau trâu. (Ảnh: VnExpress)Sáng 20/2/2010 (tức mùng 7 Tết), đoàn rước hùng hậu đi đón tổ nghề trống Đọi Tam tại đình Đọi Tam, rước Thánh cả, và về thôn Đọi Nhì dừng lại đón kiệu Vua. Một trong những nghi lễ quan trọng trong lễ hội Tịch điền là rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên được tổ chức vào tinh mơ sáng 20/2 (tức mồng 7 Tết). Các nhà sư cầu kinh đưa linh vị vua lên kiệu Long Đình ra sân lễ tịch điền. Sáng 20/2/2010 (tức mùng 7 Tết Canh Dần), tại cánh đồng xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đích thân cầm cày để đi những xá cày đầu năm, cổ vũ khuyến khích nông dân tích cực sản xuất nông nghiệp. Cùng với Chủ tịch nước, nhiều vị Bộ trưởng và cán bộ văn phòng Chính phủ đã mặc quần aó nâu, đi chân đất để tham gia Lễ hội Tịch điền. Sau nghi thức dâng hương vào 9h sáng, các vị lãnh đạo đã ra đồng để thực hiện những đường cày đầu năm. Một vị bô lão trong làng mặc áo vàng, trong vai vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày đầu tiên, sau đó lần lượt là Chủ tịch nước, các bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh Hà Nam cày những luống tiếp theo. Những cô gái trẻ đi sau gieo hạt. Kế hoạch ban đầu để ra là con trâu của Chủ tịch nước dự kiến sẽ được phủ vải đỏ, nhưng khi Lễ hội diễn ra, Chủ tịch nước yêu cầu không phủ vải đỏ lên lưng trâu mà cứ để trần tự nhiên. Bởi vậy con trâu mà Chủ tịch nước cầm cày, không được trang trí hình vẽ lộng lẫy như các trâu khác trong Lễ hội, mà được chọn ngẫu nhiên từ những trâu bình thường, vốn không đoạt giải thưởng trong cuộc thi vẽ trâu và chọn trâu những ngày trước đó.

Bài, ảnh Chu Minh Khôi

Được gắn thẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *