Khu vực miền Bắc

Long Đọi Sơn – Di sản văn hóa tiêu biểu thời Lý

Hàng năm, cứ đến ngày 17/3 âm lịch, chùa Long Đọi Sơn, tọa lạc trên đỉnh Đọi Sơn nguy nga, hùng vĩ thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam lại mở hội, thu hút đông đảo người dân quanh vùng và du khách thập phương về chiêm bái.

Từ sáng sớm, đoàn rước kiệu hành lễ từ chân núi lên chùa làm lễ dâng hương tưởng niệm vua Lý Nhân Tông, sau đó các đội tế nam quan, nữ quan làm lễ tạ ơn trời phật và tiếp theo là các trò chơi dân gian được diễn ra ngay ở sân chùa như đánh cờ người, hát chèo, đấu vật… làm cho không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt.

Sử sách còn ghi rõ, chùa Long Đọi Sơn có tên chữ là Diên Linh Tự, nằm trên đỉnh núi Đọi Sơn vốn là đại danh lam kiêm hành cung thời Lý. Mùa Hạ tháng Năm niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (năm 1118) vua Lý Nhân Tông qua dòng Hà Lô (sông Hồng) thấy thế núi tuy chênh vênh nhưng đỉnh non bằng phẳng, vua liền truyền lệnh cho xây dựng chùa và tháp Sùng Thiện Diên Linh, hoàn thành vào năm Thiên Phù Duệ thứ 2 (năm 1121), nhân đó vua đặt tên cho núi là Long Đọi Sơn.

Tháp xây 13 tầng, mở 40 cửa hóng gió, vách chạp rồng, xà treo chuông đồng. Tầng dưới cùng, chính giữa đặt pho tượng Đa Bảo Như Lai, bốn cửa có tám vị kim cương đứng hộ vệ. Tầng trên đặt hộp vàng xá lỵ, trên nóc có tượng tiên nữ bưng mâm hứng móc ngọc (những hạt sương quý).

Đến đầu thế kỷ 15 ngôi chùa và tòa tháp bị giặc Minh phá hủy hoàn toàn. Trải qua nhiều thời đại, từ Mạc đến Nguyễn sau này, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Đặc biệt, đợt khai quật khảo cổ học, tu bổ tôn tạo gần đây đã phát hiện một phần chân móng tháp Sùng Thiện Diên Linh, tu bổ tòa tam bảo, nhà tổ, nhà khách, nhà tăng ni, khu tháp mộ, đường lên chùa… đã làm cho chùa Đọi khang trang, thu hút được du khách thập phương.

Hơn nữa, chùa Long Đọi Sơn hiện là một trong số ít những ngôi chùa ở Việt Nam còn lưu giữ được nhiều hiện vật mỹ thuật thời Lý có giá trị như bia Sùng Thiện Diên Linh cao 2,5m, rộng 1,65m, dày 0,3m, bệ bia là khối đá chạm bốn con rồng uốn khúc. Trên trán bia là hai con rồng đặc trưng thời Lý chầu vào giữa tên bia “Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi.” Các hình rồng này đã được trang trí lặp lại trên diềm bia với một kích thước nhỏ hơn tạo nên sự thay đổi linh hoạt cho cách trang trí bia.

Một quần thể gồm sáu pho tượng Kim Cương, được tạc bằng sa thạch nguyên khối, đầu đội mũ có chỏm tròn trên đỉnh, giữa trán và chóp mũ nổi lên những đường gờ tạo thành hình vòng nối xuống những bông cúc cách điệu hai bên mang tai. Thân tượng vận giáp trụ, bó sát người xuống tận dưới đầu gối, ngực áo có hai xoáy lớn, vai có hình mặt hổ phù, phía trước bụng có dải như hình chiếc khánh. Thân áo điểm những bông hoa cúc chạm nổi nhiều cánh, chân đi hài cao cổ có mũi cong. Với dáng võ quan khỏe mạnh các pho Kim Cương ở đây đã cho thấy một tinh thần Lý vô cùng rạng rỡ.

Ngoài ra, chùa Long Đọi Sơn vẫn còn lưu giữ khá nhiều tác phẩm mỹ thuật của các giai đoạn sau như tượng đầu người mình chim (Kinari); tượng Quan Âm Thị Kính thế kỷ 18; tượng phật Di Lặc bằng đồng được làm vào thời Tự Đức cùng nhiều pho tượng mới làm được sắp đặt có quy mô.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng chùa Long Đọi Sơn vẫn sừng sững giữa đất trời, làm rung động lòng người và thu hút nhiều khách tham quan. Đây cũng là ngôi chùa lưu giữ nhiều di vật quý của một giai đoạn hoàng kim trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, gắn liền với dấu mốc lịch sử của việc định đô Thăng Long từ 1.000 năm trước.

Đặc biệt vừa qua, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nam đã tổ chức hội thảo gồm các giáo sư sử học đầu ngành nhằm nghiên cứu để phỏng dựng lại Tháp Sùng Diện Thiên Linh.

Việc xây dựng lại tòa tháp không chỉ thể hiện sự tri ân với người xưa mà còn là hành động thiết thực hưởng ứng đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong vùng./.

Phương-Thuần (Vietnam+)

Được gắn thẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *