Khu vực miền Nam

Ngôi Sala trăm cột gỗ quý hiếm ở chùa cổ Bạc Liêu

Trên đất Bạc Liêu có một ngôi Sala (giảng đường) trăm cột nguyên thủy bằng gỗ quí, tuổi đời trăm năm, nằm trong khuôn viên ngôi chùa của người Khmer đã có niên đại gần 450 năm mà ít người biết đến.

Đến tỉnh Bạc Liêu, du khách đều muốn đến những điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách tham quan như: Chùa Mẹ Nam Hải ở Nhà Mát, Chùa Mẹ Đông Hải ở Vĩnh Lợi, Nhà thờ Cha Diệp ở Nhà thờ Tắc Sậy, khu di tích cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu, hay nhà Công tử Bạc Liêu. Nhưng không nhiều người biết rằng, cách TP Bạc Liêu không xa, có nhiều ngôi chùa Khmer niên đại 4 -500 năm như chùa Chót.

a1

Chùa Buppharam hay còn gọi chùa Cái Giá Chót – Chùa Chót hiện do Thượng tọa Tăng Sa Vong trụ trì, tọa lạc tại số 94 ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 6km về hướng Đông Bắc. Chùa Buppharam do Thượng tọa Kim Bupha sáng lập vào năm Quí Dậu (Dương lịch năm 1573, Phật lịch năm 2117).

Xưa, Chùa Chót là tên gọi đầu tiên là chùa Đầu, nằm trong cụm 3 chùa Khmer ở xã Hưng Hội giáp TP Bạc Liêu. Nhưng có lẽ do đường xá khó đi, bà con đến chùa hai chùa kia rồi mới đến chùa này. Do vậy lâu dần, họ đảo ngược từ “đầu”thành “chót” và quen gọi đến bây giờ.

Di sản độc đáo

Từ trung tâm TP Bạc Liêu, theo đường Cách mạng tháng 8, qua cầu Xáng đi vài cây số, rẽ trái thêm hơn 1 km, sẽ tới được chùa Chót. Nơi đây còn đang lưu giữ và sử dụng Sala được xây dựng bằng gỗ quý vào năm 1905. Giảng đường này nằm chính giữa khuôn viên chùa.

Giảng đường Sala có hai tầng, nằm chính giữa khuôn viên của chùa
Giảng đường Sala có hai tầng, nằm chính giữa khuôn viên của chùa

Được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn của người Khmer cổ, giảng đường Sala có kích thước dài 21m, rộng 10m, cao hơn 10m. Được nâng đỡ trên hàng trăm cột gỗ cây Căm xe to gần bằng thân người lớn. Những người thợ xưa đã khéo léo đục, gắn kết hàng trăm cây Cà chắc lớn, tạo nên sự vững chắc về kết cấu. Vách, sàn đều được lót bằng gỗ thao lao, bên.

Xung quanh, mỗi góc cột, mái được trang trí bằng gỗ điêu khắc họa tiết hình tượng chim thần Krut đang nâng mái ngói. Đây là loài vật hung dữ nhưng có tình cảm với Phật pháp, kiểu phổ biến cho kiến trúc của chùa Khmer cổ xưa đặc trưng. Tất cả đều được đặt mua tận Cao Miên (Campuchia ngày nay), chở về Bạc Liêu bằng đường biển, riêng mái ngói được đặt mua ở Đồng Nai.

Những viên ngói âm dương mang dấu ấn riêng biệt của kiến trúc Nam Bộ xưa. Đến nay, mái ngói vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, chưa phải thay viên ngói nào. Trên mặt, một lớp rêu xanh dày phủ kín vì thời gian.

Hình tượng chim thần Krut đang nâng mái ngói. Đây là loài vật hung dữ nhưng có tình cảm với Phật pháp, kiểu phổ biến cho kiến trúc của chùa Khmer cổ xưa đặc trưng.
Hình tượng chim thần Krut đang nâng mái ngói. Đây là loài vật hung dữ nhưng có tình cảm với Phật pháp, kiểu phổ biến cho kiến trúc của chùa Khmer cổ xưa đặc trưng.

Hơn trăm năm, ngôi Sala vẫn thực hiện chức năng vốn có của nó. Tầng dưới được dùng làm nơi để các vật dụng, nghỉ chân của người dân, Phật tử đến viếng chùa.

Tầng trên, hàng ngày vẫn là nơi dạy học cho các tăng sinh. Sức chứa của giảng đường lên đến hàng trăm người cùng lúc. Ở tầng này, có một dấu tích đặc biệt ít người được biết. Đó là vết xém to bằng hai bàn tay, dấu ấn của một lần suýt nữa giặc đã đốt giảng đường.

Được biết, năm 1945, giặc Pháp dẫn theo lính xông vào chùa đốt giảng đường vì nghi ngờ nơi đây chứa Việt Minh. Một cán bộ Việt Minh là người Khmer đã vận động bà con đấu lý với chúng, ngăn cản, dập tắt nhóm lửa. Giặc rút lui, ngôi Sala được giữ. Dấu lửa cháy xém đến nay vẫn còn như một minh chứng thời gian, lưu giữ những thời khắc bi hùng của lịch sử.

Thượng tọa Tăng Sa Vông đang chỉ cho phóng viên thấy vết cháy năm xưa do giặc Pháp đốt vì nghi ngờ chùa chứa chấp Việt Minh
Thượng tọa Tăng Sa Vông đang chỉ cho phóng viên thấy vết cháy năm xưa do giặc Pháp đốt vì nghi ngờ chùa chứa chấp Việt Minh

Thượng tọa Tăng Sa Vong – Trụ trì chùa Chót kể, ông đã đi rất nhiều chùa Khmer ở Nam bộ và Campuchia, nhưng ông chưa từng nghe có nơi nào còn lưu giữ ngôi Sala gỗ hoàn chỉnh độc đáo như chùa Chót. Ngành Văn hóa tỉnh Bạc Liêu có lần muốn mang đi trưng bày để người dân cả nước cùng chiêm ngưỡng, nhưng ông và bà con, người dân, Phật tử không đồng ý. Vì họ lo rằng khi tháo lắp, di chuyển, sẽ làm tổn hại một di sản văn hóa độc đáo, hoàn hảo của vùng đất này.

Ngôi Sala trăm cột trăm tuổi, nguyên vẹn, được xem như một di sản văn hóa Nam bộ đặc trưng cách đây hơn trăm năm .
Ngôi Sala trăm cột trăm tuổi, nguyên vẹn, được xem như một di sản văn hóa Nam bộ đặc trưng cách đây hơn trăm năm .

Cần được đầu tư bảo tồn để phát triển du lịch

Tháng 8 năm 2017, Chùa Chót đã được UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt và công bố đưa vào danh mục di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020.

Chùa Buppharam hay còn gọi chùa Cái Giá Chót là một trong số nhiều chùa hàng trăm năm tuổi ở vùng đất Bạc Liêu.
Chùa Buppharam hay còn gọi chùa Cái Giá Chót là một trong số nhiều chùa hàng trăm năm tuổi ở vùng đất Bạc Liêu.

Hơn 15 năm qua, để giảng đường được nguyên vẹn, Thượng tọa Tăng Sa Vong cùng các chư tăng trong chùa và người dân đã bỏ ra tiền của, công sức để sơn sửa, bảo dưỡng. Người góp công, kẻ góp sức. Cứ thế mỗi ngày, nhìn ngôi Sala, ông cảm thấy thanh thản vì đã không phụ lòng của tiền nhân.

“Do năm tháng và trào lưu bê tông hóa, nhiều giảng đường khác đã bị dỡ bỏ, thay thế bằng dãy Sala kiên cố hiện đại. Chỉ giữ được một ngôi Sala này, tôi tiếc lắm” – Thượng tọa Tăng Sa Vong kể trong tiếc nuối.

Sala gỗ là đặc trưng của các chùa Khmer, nhưng hiện chỉ còn chùa Chót bảo tồn nguyên vẹn giảng đường Sala bằng gỗ này.
Sala gỗ là đặc trưng của các chùa Khmer, nhưng hiện chỉ còn chùa Chót bảo tồn nguyên vẹn giảng đường Sala bằng gỗ này.

Các cụ cao niên sống gần chùa kể: “Chùa được xây dựng từ năm 1573, trải qua thời gian đã phải xây dựng lại vì thời gian và chiến tranh. Là ngôi chùa Khmer cổ thứ hai ở xứ Bạc Liêu xưa, sau có một chùa Khmer khác ở thị trấn Hòa Bình. Tương truyền, tượng Phật ở Chánh điện rất linh thiêng. Bức tượng Phật nơi chánh điện của chùa đã có từ lúc mới xây dựng chùa, tính ra niên đại đã gần 450 năm. Trong hai cuộc chiến tranh, giặc nhiều lần ném bom gần chùa, nhưng không rơi trúng chùa, có lần nặng nhất chỉ làm tróc sơn ở sau lưng tượng”.

Chùa vẫn còn lưu giữ được tượng Phật bằng đá cẩm thạch được thỉnh về từ Miến Điện và một tượng Phật bằng đồng được thỉnh về từ Malaysia vào những năm đầu thế kỷ 18. Ngành Văn hóa thông tin của tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần mượn để mang ra Hà Nội triển lãm vào các dịp lễ lớn.

Ông Thái Văn Lưu – Phó Giám đốc Sở VHTTTT và DL tỉnh Bạc Liêu cho biết, ngôi Sala đã được các ngành chức năng kiểm kê, đưa vào qui trình xét duyệt trở thành di tích. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của địa phương, ngôi Sala độc đáo cùng với chùa Chót sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch tham quan khi đến Bạc Liêu.

Có nhiều lợi thế về địa lý, thuận tiện về giao thông, nên nếu có sự quan đầu tư đúng đắn của các ngành Văn hóa – Du lịch, chắc chắn ngôi Sala trăm cột trăm tuổi và Chùa chót sẽ là nơi thu hút du khách tham quan du lịch được cả nước biết đến.

Khánh thành Thiền viện Trúc Lâm Bạc Liêu

HỖ TRỢ CHÚNG TÔI

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + Hỗ trợ Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam)

“Chúng tôi tin rằng sự tài trợ của các bạn không chỉ giúp chúng tôi làm tốt phận sự của mình mà còn gia tăng mãnh liệt năng lượng sự thiện tâm của chính bạn tới cộng đồng” (Cư sĩ Thiện Đức, Trưởng Ban Biên tập).

• Phương danh nhà tài trợ Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam tại đây.

Được gắn thẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *