Bài viết được viết bởi: ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Thùy, Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Hệ tiết niệu gồm 2 thận nằm phía sau 2 bên hông lưng và hệ thống dẫn nước tiểu gồm 2 niệu quản, 1 bàng quang và niệu đạo. Thận ngoài làm nhiệm vụ lọc các chất thải (độc tố ure) từ quá trình chuyển hóa của cơ thể, thận còn giúp thải muối và nước dư thừa, điều hòa huyết áp (suy thận làm huyết áp tăng), cân bằng tình trạng toan kiềm của cơ thể (suy thận sẽ gây toan máu), tiết yếu tố kích thích tạo máu (suy thận sẽ gây thiếu máu), duy trì sức khỏe hệ xương do tạo ra vitamin D… Do đó, nói không quá lời thận là 1 trong những cơ quan rất quan trọng của cơ thể.
Những đối tượng có nguy cơ bị bệnh thận mạn tính gồm bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, người trên 60 tuổi, trong gia đình có người bị bệnh thận. Khi thận bị suy, thường ảnh hưởng cả 2 thận. Do đó, những đối tượng này cần được tầm soát bệnh thận định kỳ bằng cách cả xét nghiệm máu và nước tiểu.
1. Những thói quen của người làm việc văn phòng nào không tốt cho thận?
Người làm việc văn phòng có thói quen ít uống nước và nhịn tiểu khi mắc tiểu, thường do công việc liên tục. Thói quen không tốt này dễ dẫn đến nguy cơ bị sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu. Uống ít nước, nước tiểu hình thành ít, dòng nước tiểu không đủ để đẩy các chất cặn và vi khuẩn ra khỏi hệ tiết niệu, dẫn đến sỏi thận và nhiễm trùng tiểu. Đặc biệt 1 số người cứ uống nước vào là đi tiểu nên họ lại càng không thích uống nước. Bên cạnh đó, họ cũng có những thói quen khác như ăn mặn, nhiều cholesterol, nhiều đạm, ít rau xanh cũng không tốt cho sức khỏe của thận. Hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều và lười tập thể dục cũng là 1 trong những yếu tố nguy cơ của bệnh thận.
2. Khi thận có vấn đề từ những thói quen này có thể có những biến chứng nào? Cách thức chữa trị cho các bệnh này ra sao, phòng bệnh như thế nào?
SỎI THẬN
Theo thống kê, cứ 10 người thì có 1 người bị sỏi thận trong quá trình sinh sống. Nam thường bị nhiều hơn nữ. Người bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì có nguy cơ bị sỏi thận hơn những đối tượng khác.
Sỏi thận là 1 vật thể cứng được hình thành từ những chất thải trong nước tiểu. Nước tiểu chứa những chất thải hòa tan, nếu trong môi trường quá ít nước nhưng nhiều chất thải, tinh thể sẽ hình thành. Tinh thể sẽ kết nối với những chất khác và hình thành sỏi, to dần lên. Có khi sỏi theo dòng nước tiểu đi ra ngoài, gây cơn đau quặn thận cấp. Thận lọc các chất thải trên, nếu không đủ lượng nước để thải chúng ra ngoài thì sẽ hình thành sỏi. Thành phần hóa học của sỏi thông thường là calcium, oxalate, urate, cystine, xanthine, và phosphate. Yếu tố nguy cơ dẫn đến sỏi thận là uống quá ít nước, hoạt động thể lực (quá nhiều), béo phì, ăn quá mặn hoặc quá ngọt. Nhiễm khuẩn tiết niệu và tiền sử gia đình có người bị sỏi thận cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng ở 1 số người. Ăn quá nhiều thực phẩm chứa fructose cũng tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Kích thước của sỏi thận rất thay đổi, có khi nhỏ như hạt cát, có khi to như hòn đá cuội, thậm chí to như quả banh golf. Nhìn chung, kích thước sỏi càng to, người bệnh càng có nhiều triệu chứng.
- Đau vùng hông lưng (1 hoặc 2 bên)
- Đau như quặn thắt hoặc đau dạ dày, mà không thuyên giảm sau dùng thuốc
- Tiểu ra máu
- Buồn nôn hoặc nôn
- Sốt, lạnh run
- Nước tiểu có mùi hôi và đục (nếu có nhiễm trùng tiểu)
Sỏi thận bắt đầu gây đau nếu nó di chuyển trong đường tiểu hoặc gây tắc nghẽn trên đường đi. Cường độ đau dữ dội. Trong 1 số ít trường hợp, sỏi thận đi qua mà không gây đau và tổn thương gì. Nếu bạn bị đau và tiểu ra viên sỏi, cần mang đến cho bác sỹ xem để phân tích thành phần sỏi và có phương pháp điều trị hợp lý, phòng ngừa tái phát.Sỏi thận làm tăng nguy cơ bị bệnh thận mạn. Nếu bạn có 1 viên sỏi, bạn có nguy cơ 50% hình thành những viên khác trong tương lai 5-7 năm. Biến chứng của sỏi thận liên quan đến việc sỏi gây tắc nghẽn: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, áp xe thận, trường hợp có thể dẫn đến shock nhiễm khuẩn, đe dọa tính mạng. Sỏi thận tắc nghẽn gây thận ứ nước tăng dần, nếu không can thiệp giải phóng tắc nghẽn sẽ dẫn đến suy thận và mất chức năng thận. Bên thận nào bị sỏi, bị tắc nghẽn sẽ bị ảnh hưởng. Trường hợp bị cả 2 bên thì 2 thận bị ảnh hưởng cùng lúc.Uống đủ nước sẽ giúp nước tiểu của bạn được pha loãng với các chất thải. Nước tiểu sậm màu thể hiện bị cô đặc, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt nếu cơ thể đủ nước. Uống nước sẽ tốt hơn soda, nước chứa đường, café/ trà. Phần lớn người bị sỏi thận cần uống hơn 12 ly nước lọc mỗi ngày (khoảng 3 lít). Nếu bạn hoạt động thể lực hoặc ở ngoài trời nóng, bạn cần uống nhiều hơn. Đường và các sản phẩm giàu fructose cần hạn chế sử dụng.Ăn trái cây và rau, làm nước tiểu ít có tính acid, sỏi khó hình thành. Đạm động vật làm nước tiểu acid hơn, tăng nguy cơ hình thành sỏi. Giảm lượng muối ăn vào cũng giúp giảm hình thành sỏi, muối có nhiều trong thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh hoặc khi bạn đi ăn bên ngoài.Nếu bạn dư cân hoặc béo phì, cần giảm cân về cân nặng lý tưởng. Chế độ giảm cân thường có tăng cường protein động vật, lại làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Do đó bạn cần sử dụng thực phẩm cân bằng, có tham vấn bác sĩ dinh dưỡng.
NHIỄM KHUẨN TIẾT NIỆU
Không như sỏi thận thường gặp ở nam, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, nhất là viêm bàng quang lại hay gặp ở nữ. Cứ 1 trong 5 phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng tiểu 1 lần trong cuộc đời. Gần 20% phụ nữ từng bị sẽ bị 1 lần nữa, và gần 30% phụ nữ bị lần 2 sẽ tiếp tục tái phát, cuối cùng 80% phụ nữ đối tượng này sẽ tiếp tục tái phát nhiễm khuẩn niệu. Lý do phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn so với phái nam do cấu tạo niệu đạo của nữ ngắn, vi khuẩn dễ tiếp cận vào bàng quang hơn so với phái nam. Ngoài ra, phụ nữ viêm nhiễm phụ khoa cũng có khả năng gây nhiễm khuẩn niệu do đường tiểu và âm đạo của phụ nữ gần nhau. Yếu tố nguy cơ cho nhiễm trùng tiểu gồm đái tháo đường, ở nam giới là phì đại tiền liệt tuyến.
Triệu chứng của nhiễm trùng tiểu là cảm giác mắc tiểu rất gấp, nóng rát khi đi tiểu, đau vùng trên xương mu, nước tiểu đục, có máu hoặc rất sậm màu. Nếu không điều trị, nhiễm trùng sẽ lan lên thận, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm thận bể thận, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.
Để ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu, bạn cần uống đủ nước trong ngày như khuyến cáo, không nhịn tiểu khi mắc tiểu, tiểu cho hết trước khi đi ngủ. Đối với phụ nữ, cần lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn từ hậu môn, vệ sinh vùng sinh dục mỗi ngày và trước, sau khi quan hệ tình dục. Những trường hợp bàng quang bị kích thích (chủ yếu do stress), bị mắc đi tiểu thường xuyên cần điều hòa lại công việc, giảm stress và tham vấn bác sĩ nếu không cải thiện. Tránh trường hợp ngại đi tiểu mà không uống đủ nước.
Khi có nhiễm trùng tiểu, bạn cần khám bác sĩ để làm xét nghiệm nước tiểu và các kiểm tra khác tùy chỉ định. Khi dùng kháng sinh sinh điều trị nhiễm trùng tiểu, bạn cũng cần uống nước nhiều hơn bình thường để bảo đảm nước tiểu sản sinh ra liên tục để loại thải vi khuẩn, tránh nhịn tiểu, tránh ngại đi tiểu mà uống ít nước.
Để tiện lợi cho việc chăm sóc sức khỏe hàng năm với chi phí chỉ từ 560,000 VNĐ/Năm, với quyền lợi được khám chữa bệnh miễn phí tại tất cả bệnh viện toàn quốc và quốc tế, xin vui lòng liên hệ: 0938.27.50.56 – Call/SMS/Zalo (Ms Phương).