Khu vực Tây Nguyên

Tịnh xá Ngọc Thiền

Đà Lạt là một thành phố du lịch nằm trên vùng cao nguyên hữu tình, khí hậu quanh năm thoáng mát. Bước đến Đà Lạt, dừng chân nơi thắng cảnh thác Prenn cửa ngõ thành phố Hoa khoảng 10km, du khách có thể vào tham quan Tịnh xá Ngọc Thiền, một ngôi già lam thắng cảnh được Hòa thượng Thích Giác Ngộ khai sơn năm 1967.

Tịnh xá tọa lạc tại khu phố 8, phường 3, thác Prenn, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. ĐT: 063.530671. Tịnh xá thuộc hệ phái Khất sĩ, Giáo đoàn IV.

Lịch sử

Nguyên năm 1964, Thượng tọa Thích Giác Thâu, vị du Tăng Khất sĩ đã dừng chân du hóa về đây khai hoang một khu đất với diện tích 5ha và lập nên một ngôi tịnh thất nằm đối diện với dòng thác.

Năm 1966, Hòa thượng Thích Giác Ngộ cùng với hai đệ tử được Giáo hội cho phép về Đà Lạt tịnh tu. Đây là nhân duyên để Thượng tọa Giác Thâu chuyển giao ngôi tịnh thất và khu đất lại cho Hòa thượng quản lý. Tuy nhiên, khu đất tiếp quản lại nằm trên đồi cao, nên phương tiện nước cũng như đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Một năm sau, Hòa thượng được một nhân duyên lành là vợ chồng ông Nguyễn An và bà Hồ Thị Định sẵn lòng nhường cho một khu đất hoang đối diện ngôi tịnh thất, rộng 21.500m2, bên cạnh thắng cảnh thác Prenn. Nằm trên Quốc lộ 20 nối liền giữa Sài Gòn và Đà Lạt, với sơn bao thủy bọc, gió vút thông reo, chim ca suối chảy, mảnh đất này chính là nơi giúp Hòa thượng thực hiện nguyện vọng thiết lập một ngôi thiền viện, tiếp độ Tăng chúng. Để biến nguyện vọng thành hiện thực, Hòa thượng đã cùng Tăng chúng nỗ lực kiên trì trong hơn bốn mươi năm để xây dựng và bảo trì ngôi Tịnh xá. Ngày nay du khách đến tham quan thành phố hoa Đà lạt, có thể dừng chân nơi thác Prenn ngắm nhìn vẻ đẹp trầm hùng của ngôi tịnh xá, hiện hữu uy nghiêm giữa những đồi thông chập chùng xanh ngát hòa cùng với dòng suối lượn mình uốn khúc bao quanh.

Năm 1989, Hòa thượng đã tổ chức trùng tu ngôi tịnh xá khang trang, hài hòa trong cảnh đẹp thiên nhiên, bên ngọn thác du lịch Prenn nổi tiếng ở cửa ngõ thành phố Hoa anh đào.
Ngôi chánh điện bát giác kiến trúc một trệt một lầu. Tầng dưới làm giảng đường, tầng trên là điện Phật Thích Ca được bài trí đơn giản, trang nghiêm.

Chung quanh ngôi chánh điện, các vườn cảnh được kiến tạo thật đẹp: vườn Lâm Tỳ Ni, Bồ Đề đạo tràng, vườn Lộc Uyển và rừng Sa La. Tịnh xá còn có một ao sen hình bán nguyệt dài 60m, rộng 30m, tạo cảnh Phổ Đà Sơn, Huyền Không Động, thờ Bồ tát Quan Thế Âm.

Kiến trúc

Bước vào cổng tam quan, du khách có thể dạo chơi quanh ao sen dài 60m, rộng 30m, hình bán nguyệt có Phổ Đà sơn và Huyền Không động, nơi Đức Quan Thế Âm Bồ-tát ngự để ban vui cứu khổ cho chúng sanh. Bên trong khuôn viên Tịnh xá, ngoài việc thưởng thức những cây cảnh, hoa kiểng, vườn lan và những cây ăn trái đặc sản Đà Lạt, du khách có thể viếng thăm các Thánh tích như Vườn Lâm-tỳ-ni, cảnh Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề, Đức Phật chuyển pháp luân tại Lộc Uyển để hóa độ năm anh em Kiều-Trần-Như. Trong tương lai, tượng Phật nhập Niết-bàn tại khu rừng Sa-la song thọ cũng sẽ được tôn tạo. Các thánh tích này được tôn trí nhằm giúp cho Phật tử hành hương có thể buông bỏ mọi trần duyên, để tâm trầm lắng quay về hồi tưởng những dấu chân xưa của Đức Từ Phụ.

Dạo quanh ngôi Tịnh xá, du khách có thể thấy Ngọc Thiền là một ngôi già-lam mang đậm nét văn hóa người Việt mình trong vẻ đẹp thiên nhiên, ngôi bảo điện được tôn tạo ngay giữa ngọn đồi xanh biếc, với lối kiến trúc hai tầng. Tầng dưới là giảng đường làm nơi sinh hoạt tu học và trau dồi kinh điển của chư Tăng Ni, Phật tử. Tầng trên là chánh điện hình bát giác có hai tầng mái cong tượng trưng cho chánh pháp gồm hai chi phần, đó là: pháp thế gian cho hàng Phật tử tại gia và pháp xuất thế gian cho hàng đệ tử xuất gia. Bốn mái trên tượng trưng cho pháp Tứ đế, tám mái dưới tiêu biểu cho Bát chánh đạo. Trên đỉnh ngôi chánh điện có tòa sen đỡ ngọn đèn Chơn lý tiêu biểu cho sự giải thoát và chánh pháp được chiếu sáng trong nhân gian.

Hoa văn của 12 mái cong cũng mang ý nghĩa chánh pháp. Bốn mái trên có hình chữ Vạn, được hoa sen bao che. Chữ Vạn là một trong 32 tướng tốt nổi lên giữa ngực Đức Phật nói lên triết lý vạn pháp duy tâm và biểu trưng cho sự tu tập trong giáo lý Phật giáo nhằm vào việc chuyển hóa nội tâm. Còn hoa sen là biểu tượng giải thoát, tức hoa sen vốn sinh trưởng từ bùn nhơ nhưng có khả năng vượt lên trên mặt nước để nở hoa thơm ngát. Đây chính là hình ảnh của người tu hành giải thoát, tâm không bị buộc ràng, sống thảnh thơi tự tại giữa cuộc đời uế trược. Tám mái dưới có hình bánh xe pháp tám căm được nâng đỡ với sóng chuyển động là biểu tượng giáo lý Bát chánh đạo được Đức Phật chuyển pháp luân ào ạt, hùng dũng như hải triều âm.

Bước vào bên trong ngôi chánh điện, chúng ta có thể chiêm ngưỡng và đảnh lễ trước hình tượng Đức Bổn sư Thích-Ca-Mâu-Ni được tạc bằng gỗ hương cao 2m, tôn trí giữa bảo tháp trong tư thế tọa thiền. Phía sau bảo tháp là tượng Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, người khai sáng Giáo hội Tăng-già Khất sĩ trong tư thế ngồi kiết già, tôn trí giữa bức phù điêu bằng gỗ hương cao 1,5m, rộng 1,2m, được chạm trổ điêu khắc rất công phu.

Nét độc đáo

Phía trên bốn mặt bảo tháp có 12 bức tranh điêu khắc về cuộc đời Đức Phật và phía dưới trang trí nhiều hoa văn khác quanh bốn cánh cửa. Bốn cánh cửa của bảo tháp để trống tượng trưng cho Tứ vô lượng tâm: từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, xả vô lượng. Hình chóp 13 tầng của bảo tháp tượng trưng cho sự tiến hóa của chúng hữu tình từ thấp lên cao, gồm 13 cảnh giới: từ lục phàm (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A-tu-la, Nhơn loại, Chư thiên); đến tứ Thánh (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán); và cuối cùng là tam Tôn (Duyên giác, Bồ-tát và Như lai). Chân bảo tháp đặt trên ba bậc cấp tượng trưng cho ngôi Tam bảo, cho đạo Phật thường trụ tại thế gian.

Quanh bảo tháp có bốn cột trụ vươn cao trên bốn hoa sen tượng trưng cho tứ chúng gồm, Tỳ-kheo (người nam xuất gia), Tỳ-kheo-ni (người nữ xuất gia), Ưu-bà-tắc (thiện nam tại gia), Ưu-bà-di (tín nữ tại gia) cùng nhau nâng đỡ bảo vệ ngôi nhà Chánh pháp.

Đặc biệt, trên tám bức tường của chánh điện được khắc ghi bảy bài kệ truyền pháp của bảy Đức Phật: Tỳ-bà-thi, Thích-khí, Tỳ-xá, Ca-la-tôn-đại, Câu-na-hàm-mâu-ni, Ca-diếp, Thích-Ca-Mâu-Ni; và tôn chỉ hoằng pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang, của Đạo Phật Khất sĩ: Nối truyền Thích Ca chánh pháp / Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam

Bên ngoài, dọc theo phía sau chánh điện là những am cốc bằng gỗ thông, tàng kinh các, khách đường, trai đường, nhà trù… nơi sinh hoạt của chư Tăng, Ni, Phật tử cũng như du khách hành hương đến chùa lễ Phật, nghe pháp hay tham quan viếng cảnh.

Được gắn thẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *