TP Thủ Đức (sáp nhập từ 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, TPHCM) có hệ thống di sản văn hóa đa dạng và phong phú. Ngoài các di tích khảo cổ học, còn có hàng chục ngôi chùa lớn nhỏ, hơn 50 ngôi đình và nhiều di tích kiến trúc cổ xưa. Một ngày cuối tuần, tôi quyết định khám phá miền di sản của thành phố mới, với một sự háo hức lẫn tò mò.
Chùa Phước Tường sau nhiều lần trùng tu vẫn giữ được nét cổ kính. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Bình yên
Phường Long Bình có rất nhiều ngôi chùa: Thanh Sơn, Phước Long, Châu Đốc 3, Bửu Long…, nhưng lâu năm nhất là chùa Hội Sơn, tọa lạc tại số 1A1 đường Nguyễn Xiển. Theo tài liệu, chùa Hội Sơn được một vị thiền sư có tên là Khánh Long xây dựng để tu tập vào cuối thế kỷ 18. Không chỉ là di tích khảo cổ học, chùa còn là một công trình có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Vào ngày 7-1-1993, chùa Hội Sơn được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 43-VH/QĐ.
Chùa Hội Sơn nằm trên một ngọn đồi nhỏ, phía sau chùa là đường Nguyễn Xiển, còn phía trước là sông Đồng Nai. Đây là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu ở Nam bộ, các dãy nhà được làm bằng gỗ quý, nằm trên một trục dọc, mái lợp ngói âm dương. Tại chùa có các bức hoành, liễn, đối long vị, tượng Phật, án thờ gỗ có giá trị nghệ thuật như “Hội Sơn tự”, “Đại hùng bửu điện”, “Tổ ấn trùng quan”, đặc biệt là “Vạn đức hồng danh” do vua Khải Định ban tặng. Tiếc rằng, vào ngày 17-7-2012, chùa xảy ra hỏa hoạn, đã thiêu cháy toàn bộ chánh điện.
Trụ trì hiện nay của chùa Hội Sơn là Đại đức Thích Thiện Hảo. Khi nhắc về trận hỏa hoạn năm xưa, giọng ông chùng xuống: “Khi phát hiện cháy lớn, mặc dù xe cứu hỏa có đến nhưng nước sông cạn, thành ra chỉ cứu được nhà sau. Toàn bộ phần chánh điện bị cháy, trong đó có chuông, trống, tượng Phật bằng gỗ, hoành phi… Sự việc đó ám ảnh tôi đến bây giờ, mỗi lần nghe có gì khang khác là lại hồi hộp, giật mình”.
Cùng đến thăm chùa với tôi hôm đó còn có đôi bạn Bích Hạnh (ngụ quận 8) và Thanh Hiếu (ngụ TP Dĩ An, Bình Dương). Trong khi Bích Hạnh lần đầu tới chùa thì với Thanh Hiếu, chùa Hội Sơn là chốn quen thuộc, lúc nhỏ Hiếu thường qua chùa chơi. Thanh Hiếu kể: “Trong khi những ngôi chùa ngay trong lòng thành phố, gần đường, gây cảm giác ngột ngạt, ồn ào thì chùa Hội Sơn có nhiều cây xanh, không gian thoáng đãng. Mỗi lần vào đây, em đều cảm thấy thoải mái và bình yên”.
Rời chùa Hội Sơn, tôi đến chùa Phước Tường, tọa lạc tại số 102 Lã Xuân Oai (phường Tăng Nhơn Phú A). Nơi đây hiện còn lưu giữ tấm hoành phi “Phước Tường tự” ghi năm Giáp Ngọ (1834), cũng là năm chùa được tu bổ, tôn tạo. Chùa Phước Tường được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật vào ngày 7-1-1993; đến ngày 27-7-1993, chùa được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Theo một số sử liệu, chùa Phước Tường được xây dựng theo chữ L ngược, có trục chính và trục phụ. Mặc dù trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được nét truyền thống, cổ kính. Đại đức Thích Nhật An, trụ trì thứ 11 của chùa Phước Tường, cho biết, hiện nay chùa có 53 pho tượng, 13 bức hoành phi, câu đối và nhiều bao lam, thần vọng, bài vị. Ngoài bức hoành phi “Phước Tường tự”, nơi đây còn có câu đối, pho tượng hàng trăm năm tuổi, đặc biệt là giếng đá ong có từ thời Tổ. Nằm trong một khu phố yên tĩnh, chùa không chỉ thu hút du khách thập phương mà cả người dân xung quanh vẫn thường ghé chùa thăm thú, hoặc tập thể dục mỗi khi chiều về.
Kể câu chuyện về di tích
Ngoài yếu tố thiên tai, hỏa hoạn, còn rất nhiều yếu tố tác động đến di sản văn hóa. Trong đó, phải kể đến sự xâm thực bởi hiện tượng di dân, đô thị hóa, dịch vụ hóa mà câu chuyện ở di tích Bến Đò (ấp Bến Đò, phường Long Bình) là một minh chứng. Theo một số tài liệu, di tích Bến Đò được phát hiện trong những năm 60 của thế kỷ 20 và được khai quật lớn vào năm 1977. Có điều, khi được “mục sở thị”, tôi không cảm nhận được không khí thiêng liêng của một di tích đã có hàng trăm năm tuổi. Cũng bởi Bến Đò đã bị thu hẹp bởi hoạt động cư trú, các quán nhậu… Đặc biệt, tại Bến Đò hoàn toàn không có thông tin cho thấy đây là một di tích khảo cổ học quan trọng mà chỉ có những dòng chữ chung chung, kèm số điện thoại của một người tên Xịt, được xem là thế hệ thứ ba hành nghề đưa đò tại đây. Bến Đò vẫn đó mà dường như dấu xưa đã phai mờ.Bến Đò từng là di tích khảo cổ học, nay đã phai dấu…
Trong cuộc trò chuyện cùng PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, anh cho rằng, TP Thủ Đức đang trong thời gian vàng để quy hoạch thành một thành phố phức hợp: thành phố sáng tạo dựa trên nền tảng nhân văn, bao gồm cả thiết chế văn hóa. Đây là dịp để sắp xếp, quy hoạch lại có tính hệ thống, xây dựng được một bức tranh tổng thể và đồng bộ diện mạo di sản của thành phố. PGS-TS Nguyễn Đức Lộc nói thêm: “Hiện nay, người ta đang cảnh báo về yếu tố kỹ thuật số trong đời sống, nó làm cho người ta bắt đầu mất đi cảm giác thuộc về; trở thành những con người cá nhân, tính cộng đồng bắt đầu suy giảm. Chính vì vậy, thành phố ấy phải được xây dựng song hành với thành phố nhân văn, để bù đắp cho sự thiếu hụt bị tạo ra bởi tính kỹ thuật số”.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, một khái niệm đang được áp dụng vào nhiều khía cạnh hiện nay là Story-telling (phương pháp kể chuyện dựa trên việc xây dựng, phát triển và lan tỏa những câu chuyện có tính đặc trưng và lý thú). Phải kể được câu chuyện về di tích thì người ta mới hiểu và cảm được nó có bề dày lịch sử như thế nào, có ý nghĩa với cộng đồng ra sao… Chính từ những câu chuyện ấy mới có sự kết nối giữa các thế hệ.
HỒ SƠN