Khu vực miền Bắc

Chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh có diện tích 10ha nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa quay mặt hướng Nam ra mạn sông Đáy. Phía ngoài cùng tiếp giáp với đường đi và gần bờ sông là cổng tam quan của chùa. Công trình này nền được tôn cao, xây vượt hẳn lên năm bậc và hai đầu xây bít đốc. Tam quan có ba gian và được làm thành hai tầng. Tầng trên có hai lớp mái lợp bằng ngói nam, xung quanh sàn gỗ hàng lan can là những trấn song con tiện. Tầng này sử dụng làm gác chuông, ba gian dưới có hệ thống cánh cửa bằng gỗ lim.

Lễ hội chùa Bà Đanh

Đã thành lệ bao đời, lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm nhằm tri ân đức thánh bà Pháp Vũ, một vị thần trong Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đây là vị thần phù trợ cho việc sản xuất nông nghiệp được tốt tươi, đời sống nhân dân được no đủ. Đồng thời lễ hội cũng nhằm tôn vinh, cảm tạ ân đức của các vị thần phật được thờ ở trong chùa đã phù trợ cho cuộc sống của nhân dân. Tùy từng năm và dựa vào tình hình thời tiết, thời vụ của nhân dân trong vùng mà nhà chùa chọn ngày đẹp rồi báo cáo với ủy ban nhân dân huyện Kim Bảng. Khi đã ấn định được ngày diễn ra lễ hội rồi mới thông báo rộng dãi cho toàn thể dân chúng. Lễ hội thường được diễn ra trong ba ngày, có năm lấy ngày mồng 9-10-11 tháng 2 âm lịch, có năm lấy ngày 20-21-22 tháng 2, có năm là ngày 15-16-17 tháng 2 âm lịch để tổ chức lễ hội.

Kiến trúc

Phía ngoài của hai tường bên là hai cột đồng trụ được xây nhô hẳn ra. Trên nóc tam quan đắp một đôi rồng chầu vào giữa. Đối diện với cổng, ở chính giữa về phải hai bên cách một đoạn tường ngắn là hai cổng nhỏ có tám mái, cửa phía trên lượn cong hình bán nguyệt. Hàng ngày, khách ra vào chủ yếu đi bằng hai cửa bên này, chỉ khi nào nhà chùa có đại lễ thì cổng chính giữa mới được mở.

Qua cổng tam quan là vào khu vườn hoa. Bóng mấy cây cau khẳng khiu vươn cao trên nền trời xanh và mấy gốc đại già thân mốc sằn sùi đứng ẩn trong một gốc vườn chỉ trồng những cây hao quen thuộc như mộc, nhài, mẫu đơn cành làm tăng tính chất cổ kính cho ngôi chùa.

Trước nhà bái đường là một sân lát gạch. Hai dãy hành lang nằm về hai bên, mỗi dãy có ba gian, khung gỗ lim lợp ngói lam, tường xây bao quanh đằng sau và hai đầu hồi. Nhà bái đường có năm gian, hai đầu bít đốc, lợp ngói nam, trên bờ nóc có đôi rồng chầu mặt nguyệt.

Trên tất cả các vì kèo đều chạm khắc ở hai mặt. Các đề tài chạm khắc trên các vì kèo tính từ đông sang tây như sau:

  • Vì kèo 1:
    (Một mặt áp vào tường đốc): mặt hổ phù, thông hóa long, trúc hóa long. Trên xà ngang có chạm: quả đào, mai, trúc, nho và lựu, đào và mai, quạt và quả.
  • Vì kèo 2:
    Mặt trước: Mặt hổ phù và nghê chầu hai bên, mai hóa. Trên xà ngang chạm quả đào, phật thủ, lựu, hoa hồng, cuốn thư, con dơi.
    Mặt sau: Chạm ngũ phúc, quả đào, hoa hồng, cuốn thư.
  • Vì kèo 3:
    Mặt trước: tứ linh (phía trên còn là đề tài lưỡng long chầu nguyệt), xà ngang chạm hoa hồng, cây thông, cuốn thư, kim tiền, đàn sáo.
    Mặt sau: phía trên chạm tứ linh, xà ngang chạm trúc, mai, hồng, cuốn thư.
  • Vì kèo 4:
    Mặt trước: phía trên chạm tứ linh, tùng, mã, mai, điểu. Xà ngang chạm đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, phách.
    Mặt đằng sau: chạm tứ linh, bầu rượu, cuốn thư.
  • Vì kèo 5:
    Mặt trước: chạm ngũ phúc, hoa mai, hoa hồng, đàn tranh, bút lông, quạt và bầu rượu.
    Mặt sau: chạm ngũ long tranh châu, hoa hồng, hoa lan, mai đá
  • Vì kèo 6:
    (một mặt áp vào tường đốc) Chạm các đề tài: mặt hổ phù, trúc hóa, hoa hồng, quả đào, quả lựu.

Tất cả các hình chạm ở đây không thấy hình bóng con người mà chủ yếu là động thực vật được kết hợp với nhau thành các đề tài, hình mẫu khá hoàn chỉnh. Ngoài con rồng được sáng tạo trên cơ sở từ một con vật tưởng tượng, còn các động thực vật thể hiện ở đây đều lấy từ cuộc sống thực tế để đưa vào trong nghệ thuật.

Với sự phối hợp tài tình, từ những vật như cây trúc, cây mai, các nghệ nhân đã tạo ra các con giống rất sinh động. Như vậy, trong một cái đơn thể đã hình thành những cái đa thể và trong cái chung lại có cái riêng. Đấy chính là sự hòa nhập của đất trời, của thiên nhiên và cuộc sống để tạo nên sự hòa hợp trong một sự thống nhất.

Bản thân mỗi khóm cây, mỗi cành hoa, mỗi con vật ít khi đứng riêng lẻ mà thường kết hợp với nhau để tạo nên một đề tài chung. Ở từng loài, nếu là động vật thì có các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), ngũ phúc (năm con dơi), lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trời), còn ở thực vật thì có các đề tài tứ quý (tùng, mai, trúc, cúc), bát quả (đào, lựu, nho, phật thủ, na…). Động thực vật được kết hợp với nhau thì có các đề tài mai điểu (chim và hoa mai), tùng mã (cây tùng và con ngựa). Ngoài ra trong các đề tài trang trí ở đây càn nhiều nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn nhụy, phách, sáo hay các đồ vật như quạt, quả vải, tháp bút, ống tiêu, cái khánh, quả bầu đựng rượu… để tạo nên tám vật quý được gọi là bát bảo.

Trên sáu hệ thống vì kèo nhà bái đường, ngoài hai vì kèo đầu hồi, mặt phía trong đặt sát vào bờ tường đốc nhà nên chỉ chạm có một bên, còn bốn vì kèo phía trong được chạm cả hai mặt. Các mảng chạm ở đây đã được các nghệ nhân dân gian kết hợp cả hai phương pháp là nhấn chìm và chạm nổi, các đường nét chạm thoáng, uyển chuyển, bố cục cân đối và hợp lý, kỹ thuật vững vàng của các nghệ nhân đã làm cho các mảng chạm trở nên linh hoạt, có hồn và rất sinh động. Tất cả các mảng chạm trên hệ thống vì kèo ở đây đã làm tăng giá trị cho khu nhà bái đường.

Nhà trung đường nối liền với nhà bái đường cũng gồm năm gian, hai đầu bít đốc, lợp ngói nam. Đằng trước là hệ thống cửa bức màn, chấn song con tiện được làm dày dặn, chắc chắn. Toàn bộ hệ thống vì kèo ở đây đều là dạng biến thể của dạng vì kèo giả chiên chồng rường con nhị. Tất cả các trụ, con rường đều được chế tác đơn giản, chủ yếu vuông thành sắc cạnh nhưng được bố trí, sắp xếp một cách hợp lý để tạo nên một bộ khung chắc khỏe.

Nhà thượng điện có ba gian, đằng sau và hai bên xây tường bao, còn phía đằng trước là hệ thống cửa gỗ lim. Lòng nhà ở đây so với các khu nhà bái đường và trung đường thì hẹp hơn nhưng được xây cao vượt hẳn lên.

Từ các dãy hành lang đằng trước chùa, qua nhà bái đường đến khu thượng điện, về phía hai bên là các dãy nhà cầu khung bằng gỗ lim, lợp ngói nam. Nhà cầu để nối các công trình lại với nhau và kéo dài cho đến nhà tổ tới các công trình phụ khác. Nhờ vậy, khi mưa gió khách hành hương cũng như người trong chùa đi lại rất thuận lợi, ít ảnh hưởng tới các sinh hoạt.

Nằm về phía Tây chùa là khu nhà ngang gồm năm gian: ba gian giữa là nơi thờ các vị tổ đã trụ trì ở đây, còn hai gian đầu hồi được xây ngăn thành hai gian buồng để làm nơi ở cho người tu hành. Nối tiếp dãy nhà này gồm các công trình phụ như: bếp, chỗ chăn nuôi. Đằng trước nhà tổ là một sân gạch và phía ngoài là khu vườn để trồng hoa với cây lưu niên. Phía Đông khu chùa là phủ thờ mẫu nằm giáp với dãy nhà trung đường, mặt quay về hướng Tây, toàn bộ khu vực chùa có tường bao quanh.

Trong nhà thượng đường của chùa Bà Đanh, có nhiều tượng thờ như tượng Tam thế, tượng Ngọc Hoàng và thái thượng Lão Quân, tượng Bà Chúa Đanh. Có thể coi pho tượng Bà Đanh là một trung tâm của chùa. Tượng được tạc theo tư thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng (chứ không phải là toà sen), với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết, chứ không có dáng vẻ siêu thoát, thần bí như các tượng Phật khác. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.

Chùa Bà Đanh là một tổng thể bao gồm nhiều công trình với gần bốn mươi gian (chưa kể hệ thống nhà cầu) đan xen, bổ trợ cho nhau. Theo nhân dân địa phương cho biết thì ngôi chùa này được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa nhiều lần. Các công trình hiện nay đều được xây dựng từ thế kỉ 19 trở lại đây.

Các kiến trúc từ tam quan, hành lang, nhà bái đường đến thượng điện đều được xây đăng đối theo một trục chính ở giữa và độ cao được nâng dần lên từ ngoài vào trong, điểm chốt cuối cùng là nhà thượng điện. Toàn bộ ngôi chùa từ bố cục đến kiến trúc, chạm khắc đều mang đậm phong cách xây dựng cổ truyền của dân tộc.

Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp

Chùa Bà Đanh cũng như nhiều chùa khác ở miền Bắc Việt Nam trên điện thờ rất phong phú gồm nhiều tượng Phật và tượng Bồ Tát. Đây là nét tiêu biểu chung cho các chùa thờ Phật theo phái Đại Thừa. Trong chùa không chỉ có tượng Phật mà còn có tượng của Đạo giáo như: Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu và các tượng Tam Phủ, Tứ Phủ của tín ngưỡng dân gian.

Chùa còn thờ Tứ Pháp là một sản phẩm tôn giáo hoàn toàn mang tính chất bản địa. Căn cứ vào ngọc phả và truyền thuyết còn truyền tụng trong nhân dân thì lịch sử nhân vật được thờ như sau:

Vào thế kỉ thứ II ở Mãn Xá, huyện Siêu Loại, Thuận Thành (Bắc Ninh) có gia đình ông Tu Định hay làm việc thiện nhưng khó về đường con cái, sau vì thành kính cúng lễ ở chùa nên sinh được một người con gái, đặt tên là Man Nương. Nàng là một phụ nữ tính rất ôn hòa, không thích lấy chồng chỉ thích tuần nhật niệm phật cầu kinh.

Đến năm 18 tuổi khi nghe tin có một vị cao tăng tên là Khâu Đà La tu hành tại chùa Linh Quang thuộc đất Tiên Du, nàng liền xin cha mẹ cho tới chùa để học đạo. Khâu Đà La vốn tâm từ bi liền nhận Man Nương vào học, gặp khi tiết hạ, sứ các nơi tập trung về ăn chay học pháp, nàng lo việc cơm nước sớm chiều.

Một hôm, đang đêm sư phụ khó ở, bèn gọi Man Nương đến thuốc thang. Nàng làm việc mệt quá ngủ quên ngay trước cửa phòng mà không biết. Dưới trăng sáng, Khâu Đà La vô tình bước qua người nàng. Từ đó Man Nương có thai:

Vô tình mà hóa hữu tình
Truyện xưa Vũ Mẫn giáng sinh dị kì.
Chỉ e chút phận là ni
Tránh sao cho khỏi thị phi miệng đời.

Nàng xấu hổ bỏ về nhà. Mười bốn tháng sau vào ngày mồng 8 tháng 4, Man Nương sinh ra một khối đá:

Hóa cơ cũng khéo xoay vần
Sinh ra khối đá sự trần thấy đâu
Hào quang rực rỡ muôn màu
Khí lành trùng khắp buồng sâu ngõ gần.

Man Nương đem khối đá đó đến chùa Linh Quang gửi nhà sư. Sư phụ không chút chối từ cầm lấy khối đá đó rồi cho nàng về chùa Phúc Nghiêm tu hành như cũ. Một ngày kia Khâu Đà La mang khối đá đó đến một gốc cây đa lớn khấn rằng: “kẻ tu hành này vốn vô tâm sao phải chịu nỗi oan này”. Khâu Đà La vừa nói dứt, cây đa nứt ra một chỗ, nhà sư bỏ khối đá vào đó thì vật nứt biến mất.

Hơn mười năm sau, tự nhiên có một trận gió lớn làm đổ cây đa rồi quẳng ra sông. Cây đa trôi về đất Cổ Châu thì dừng, thuyền bè qua lại vô ý chạm phải đều mang tai vạ, cao tăng, lực sĩ trong làng được phái đến để kéo cây nhưng không nổi. Man Nương đến tắm ở đoạn sông ấy, cây gỗ rập rình như con nhìn thấy mẹ, nàng ném dải yếm ra thì cây trôi vào ngay. Vì vậy Man Nương đã được phong làm hậu thần của chùa ấy:

Nàng vừa tới đó một khi
Giải lương kéo thử cây thì lên ngay
Trên ban ra chiếu vân mây
Ban cho tín nữ chùa đây hậu thần.

Một buổi trưa, nhà sư tụng kinh xong đi nghỉ. Còn đang mơ thì thấy có một vị thiên thần và bốn người đến trước mặt lạy tạ mà nói rằng: Chúng tôi là Tứ Pháp đã có tám chữ nét son ở trong cây gỗ, xin tạc thành tượng để thờ. Khâu Đà La từ khi thoát khỏi lụy trần, một hôm cho gọi Man Nương lại truyền cho câu thần chú để cầu mưa rất hiệu nghiệm:

Bảy mươi công đức mãn kì
Gặp khi sư phụ hạc qui gần ngày.
Sẵn xưa thần tích trong tay
Với thần chú ấy trao ngay cùng nàng.

Từ đó khi gặp trời khô hạn, Man Nương lễ phật niệm chú. Nhờ vậy, mưa thuận gió hòa, lúa má tươi tốt, mùa màng bội thu. Man Nương thọ 80 tuổi, mất tại chùa Phúc Nghiêm. Từ đó, cứ đến ngày mồng 8 tháng 4 nhân dân Cổ Châu cũng như các nơi lại tổ chức làm lễ bái tổ.

Việc thờ thần ở chùa Bà Đanh cũng gắn liền với một truyền thuyết ở địa phương như sau:
Trước đây ở vùng này luôn gặp mưa to gió lớn nên việc sản xuất rất khó khăn, mùa màng thất thu, thiếu đói kéo dài. Vào một ngày kia cả làng xôn xao việc thánh nhân báo mộng cho một cụ già trong làng rằng có một người con gái rất trẻ, xinh đẹp, đoan trang, khuôn mặt phúc hậu với vầng trán và đôi mắt thông minh truyền rằng: “Ta được thần cho về đây trông nom và chỉ bảo dân làng làm ăn”.

Vì vậy, dân làng họp bàn lập chùa thờ bà. Các cố lão chọn khu rừng đầu làng làm nơi dựng chùa. Nơi ấy bấy giờ là một vạt rừng rậm rạp có nhiều cây cổ thụ, sát bờ sông là một hòn núi nhỏ nhô mình ra mặt nước, trong rừng rộn rã tiếng chim, quang cảnh thật là thần tiên.

Ngôi chùa ban đầu được xây dựng tranh tre nứa lá đơn sơ, đến năm Vĩnh Trị, đời Lê Hy Tông (1676-1680), khu rừng mới được mở mang quang đãng để xây chùa lại cho khang trang. Khu vực này cấm người dân làm nhà ở nên cảnh chùa càng thêm trang nghiêm, vắng vẻ. Ngôi chùa được xây dựng ít lâu thì có một cây mít cổ thụ ở quanh chùa bỗng dưng bị gió to quật đổ. Dân làng đã đẵn lấy gỗ để tìm thợ giỏi về tạc tượng thờ trong chùa.

Bỗng nhiên có một khách thập phương tìm đến chùa nói rằng mình làm nghề tạc tượng và được báo mộng đến đây. Người khách tả hình dáng và dung nhan người con gái đã báo mộng thì thấy giống hệt vị thần đã báo mộng cho cụ già trong làng. Năm ấy gặp mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, tạc tượng gần xong thì dưới bến nước trước chùa có vật lạ, nửa nổi, nửa chìm, không trôi theo dòng nước, đẩy ra mấy lần lại thấy trôi trở lại. Thấy chuyện lạ, dân làng vớt lên xem thì hoá ra đó là một cái ngai bằng gỗ bèn rước ngay vào chùa.

Thật lạ lùng, pho tượng tạc xong thì đặt vừa khít vào ngai. Từ đó trong vùng mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, tiếng đồn Thánh Bà Bảo Sơn linh ứng lan truyền khắp nơi, khách thập phương về lễ rất đông. Những người làm nghề sông nước xuôi ngược qua đoạn sông này gặp mùa lũ đều lên chùa thắp hương cầu mong yên ổn.

Truyền thuyết này có đôi nét gần gũi với truyền thuyết Man Nương, ở những chi tiết như cây gỗ trôi sông (Truyện Man Nương) và ngai gỗ trôi sông (truyền thuyết về Bà Đanh). Ở bản chất của vị thần cả hai nơi thờ đều là nữ thần nông nghiệp. Ngoài ra, ở truyền thuyết về Bà Đanh ta còn thấy bóng dáng của tục thờ thần sông nước của nhân dân vùng ven sông Đáy. Câu chuyện truyền thuyết này chỉ là để gắn bó vị thần được thờ với địa phương. Thực chất đây cũng chỉ là một vị thần nông nghiệp, làm nhiệm vụ điều hành thiên nhiên, tạo ra thời tiết thuận lợi phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, vị thần này nằm trong hệ thống Tứ Pháp được thờ khá phổ biến ở các làng quê miền Bắc Việt Nam.

Hệ thống Tứ Pháp rất phù hợp với tư tưởng cổ đại Việt Nam nên từ quê hương Thuận Thành-Bắc Ninh đã lan ra nhiều nơi. Vì vậy danh tiếng Tứ Pháp truyền khắp nước. Truyền thuyết dân gian về Tứ Pháp đầy huyền thoại nhưng rõ ràng bên trong huyền thoại đó phản ánh ước mơ của cư dân nông nghiệp thờ các hiện tượng thiên nhiên, thần phật nhằm cầu mong sự phù trợ trong sản xuất và trong đời sống.

Lịch sử di tích chùa Bà Đanh – Núi Ngọc

Chùa Bà Đanh và Núi Ngọc nằm về phía Đông Nam xã Ngọc Sơn. Ba mặt khu di tích này có dòng sông Đáy bao quanh. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 khu vực chùa Bà Đanh nằm tách ra xa khu dân cư. Tại đây cây cối um tùm nên vắng người qua lại. Mỗi khi dân làng có việc phải lên chùa vào buổi tối lại phải đốt đuốc và gõ chiêng gõ trống để xua đuổi thú dữ. Chính vì vậy dân gian truyền tụng câu: “Vắng như chùa Bà Đanh”.

Xã Ngọc Sơn được thành lập tháng 3 năm 1976, gồm bốn thôn là Mã Não, Phương Khê, Đanh Xá và Thụy Xuyên. Trước cách mạng tháng 8/1945 mỗi thôn này là một đơn vị hành chính xã thuộc tổng Thụy Lôi huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam. Sau cải cách ruộng đất năm 1956 đã nhập thêm xóm Quế Lâm (thuộc thôn Văn Lâm xã Văn Xá) thành xóm 15.

Tháng 4 năm 1986 thị trấn Quế được thành lập. Một số xóm của xã Ngọc Sơn cắt về thị trấn. Hiện nay xã Ngọc Sơn nằm ở trung tâm của huyện lị. Xã nằm trên trục đường giao thông 22 nối đường 1A từ Ba Đa lên chợ Dầu ngược Hà Tây (cũ). Đây là đầu mối giao thông của huyện đi các nơi. Phía nam của xã nằm giáp sông Đáy. Từ đây ta có thể vào Ninh Bình, Thanh Hóa hay ngược lên Hòa Bình hết sức thuận lợi.

Có thể đi bằng các đường sau để đến với di tích:

  • Từ thành phố Nam Định lên thành phố Phủ Lý, qua cầu Hồng Phú đi theo đường 22 khoảng 10 km là đến với di tích.
  • Từ Thành phố Phủ Lý đi đò ngược sông Đáy khoảng 7 km là đến bến trước cửa chùa Bà Đanh.

Núi Ngọc

Núi Ngọc cách chùa Bà Đanh 100m về phía bắc. Từ thành phố Phủ Lý, ngược sông Đáy 7 km, tới bến Đanh, đi tiếp 100m là đến núi Ngọc.

Quả núi nằm sát mặt nước sông Đáy. Núi Ngọc là một ngọn núi đá vôi trong hệ thống núi đá kéo dài từ Hòa Bình xuống theo hướng Tây Bắc Đông Nam qua xã Tượng Lĩnh-Khả Phong-Liên Sơn của huyện Kim Bảng. Tuy nhiên núi Ngọc nằm tách riêng, ngăn cách vệt dãy núi kia bằng con sông Đáy. Núi Ngọc không cao lắm. Ở đây cây cối mọc nhiều, cây to cây nhỏ mọc chen nhau cành lá xum xuê do dân địa phương có ý thức giữ gìn. Trên núi có một cây si cổ thụ, tương truyền có tới hàng trăm tuổi. Đứng trên ngọn núi, du khách có cảm tưởng như được tách riêng biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống hiện đại để hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây cỏ. Ngay dưới chân núi có một ngôi đền cổ thờ một ông nghè có công với dân làng. Nối giữa chùa Bà Đanh và núi Ngọc là một bãi rộng trồng cây lưu niên, chủ yếu là vải thiều, nhãn, tùy thời vụ có xen cả ngô lúa. Nằm hoàn toàn biệt lập với khu dân cư, trên núi, dưới sông, gần đền, gần chùa, núi Ngọc quả là một thắng cảnh của đất Kim Bảng, một địa điểm du lịch đầy hấp dẫn.

Chùa Bà Đanh trong kháng chiến

Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt mới cho sự nghiệp các mạng ở nước ta. Sự kiện này đã tác động mạnh mẽ vào trong nhân dân, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của tổ chức Đảng ở địa phương.

Ngày 6/3/1930 chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Kim Bảng được thành lập ngay ở phố huyện. Chính vì vậy phong trào cách mạng ở xã Ngọc Sơn đã có một bước chuyển biến mới. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, quần chúng cách mạng ở nhiều nơi trong huyện tham gia dải truyền đơn giới thiệu sự ra đời của Đảng và kêu gọi quần chúng đấu tranh hưởng ứng ngày quốc tế lao động. Tại xã Ngọc Sơn ngày 7/11/1930 nhân dân đã treo cờ Đảng trên cây gạo chùa Bà Đanh để kỉ niệm ngày cách mạng tháng 10 Nga. Lá cờ do ông Bùi Văn Siêu người thôn Đanh Xá trực tiếp treo lên. Việc tổ chức treo cờ Đảng cách trung tâm huyện lị trên 1 km là một đòn giáng mạnh vào cơ quan đầu não của địch. Sự việc trên không chỉ động viên, khích lệ phong trào cách mạng mà nó còn thể hiện lòng tin của quần chúng đối với Đảng.

Tháng 6/1931 nhân dân Đanh Xá đã cùng nhân dân Phương Khê, Yên Lạc, phố Quế kéo lên huyện đòi tri huyện Vũ Duy Cẩn thuốc thang đòi bồi thường cho một nông dân bị chúng đánh đập tàn nhẫn. Năm 1935 tổ chức của Đảng dần được khôi phục, quần chúng cách mạng ở Đanh Xá, Phương Khê, Thụy Xuyên tổ chức các hội từ thiện để thu hút quần chúng, tuyên truyền sách báo cách mạng, chống áp bức bóc lột.

Đầu năm 1943 đồng chí Mai Văn Thái cán bộ huyện đã đến núi Ngọc ở Chùa Bà Đanh để đón đồng chí Lê Quang Tuấn ở TW cử về chỉ đạo phong trào cơ sở. Ngày 20/8/1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huyện Kim Bảng giành thắng lợi. Khắp các thôn xóm ở Ngọc Sơn vui mừng chào đón ủy ban nhân dân cách mạng ra đời. Bên cạnh diệt giặc dốt, giặc đói, các địa phương đã chuẩn bị mọi mặt để chống giặc ngoại xâm. Các thôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang và luyện tập quân sự. Thôn Đanh Xá đã quyên góp tiền mua súng trường để trang bị cho đội tự vệ. Ở Chùa Bà Đanh cũng như các sân rộng trong thôn, dân quân du kích luyện tập suốt ngày đêm.

Từ năm 1946 đến năm 1950 đóng trực tiếp tại chùa Bà Đanh là cơ quan sở bưu điện của liên khu III. Nhiều đồng chí lãnh đạo TW đã từng qua đây công tác và dừng chân nghỉ tại địa điểm này. Năm 1950 thực dân Pháp đánh chiếm và đóng sáu bốt trên đất Kim Bảng trong đó có bốt Quế. Cơ sở Bưu điện đặt tại chùa Bà Đanh đã phải di chuyển. Ở xã Ngọc Sơn, xóm 1 thôn Thụy Xuyên được coi là chiến khu 1, tại nơi này các cơ quan như ủy ban kháng chiến, văn phòng, ban chỉ huy xã đội đều đóng tại đây để chỉ đạo phong trào. Bên cạnh đó xã còn thành lập chiến khu 2 đặt ngay cạnh Chùa Bà Đanh để bám sát cơ sở, hơn nữa là chỉ đạo cuộc chiến đấu. Từ năm 1953 trở đi, nơi này thành trung tâm, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến của xã. Để phục vụ cho chiến trường, đêm đêm hàng đoàn dân công tập trung ở chùa Bà Đanh vận chuyển thóc công lương qua sông Đáy vào Chi Nê-Đầm Đa. Lực lượng du kích và bộ đội chủ lực ở trên về thường xuyên đóng tại chùa, phối hợp chiến đấu và giải phóng quê hương.

Suốt chín năm kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp, đặc biệt là bốn năm chúng chiếm đóng Ngọc Sơn (1950-1954) nhân dân thôn Đanh Xá đã huy động sức người, sức của cùng toàn dân tham gia đánh giặc giữ làng. Chùa Bà Đanh là một cơ sở tin cậy, một đầu mối giao thông quan trọng trong kháng chiến. Vì vậy, cụ Thích Tâm Ngọ trụ trì chùa này đã được vinh dự đón nhận tấm Huân chương kháng chiến hạng nhất vì những đóng góp tích cực của mình cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Được gắn thẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *