Hoạt động Phật Giáo, Khu vực miền Bắc

Chùa Vĩnh Nghiêm: Nét đẹp của chốn linh thiêng Phật giáo

(Thanh tra) – “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa thành”. Đó là tâm niệm của người xưa về con đường tâm linh của Thiền phái Trúc Lâm – dòng thiền thuần Việt đã tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ. Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) là một phần của con đường ấy, nơi chứa đựng những di sản văn hóa mang tầm quốc gia và nhân loại.

Chùa Vĩnh Nghiêm còn có tên gọi là chùa La, chùa Ông La, chùa Đức La, thuộc địa phận xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang.

Với người dân xứ Kinh Bắc xưa, đây là nơi linh thiêng nhất trong vùng: “Thứ nhất chùa La, thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng”.

Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ, là nơi lưu giữ lại bộ mộc bản gốc duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm, đã được UNESCO trao bằng công nhận 3.000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản Tư liệu ký ức thế giới. Chùa được công nhận là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.

Năm 2015, chùa được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc trên một gò đồi thấp, nơi có vị trí cảnh quan đẹp, lưng tựa vào núi Cô Tiên, trước mặt là ngã ba nơi giao hòa của hai con sông: Sông Thương và sông Lục Nam tại ngã ba Phượng Nhãn. Chùa đặt đúng thế đất phong thủy của người xưa “đầu gối sơn, chân đạp thủy”. Xung quanh hai bên chùa là những thôn làng bình yên, những cánh đồng xanh tốt, những bờ tre cây đa, bến nước.

Tương tuyền chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng vào thời Lý (thế kỷ XI). Cuối thế kỷ XIII, Phật hoàng Trần Nhân Tông cho mở mang, xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo lớn của thời Trần, đổi tên chùa là Vĩnh Nghiêm, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Với vai trò là một trong chốn tổ của Thiền phái, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế, nhiều hạng mục, mang tính quy chuẩn, mẫu mực của kiến trúc chùa tháp truyền thống. Đây là ngôi chùa cổ có kiến trúc giàu bản sắc Phật Việt nhất mà không ngôi chùa nào trong vùng có được, xứng danh là một “đại danh lam cổ tự”.

Trong suốt thời gian gần 10 thế kỷ hình thành và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đây cũng là một trung tâm đào tạo tăng đồ, được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa xem như “một bảo tàng văn hoá Phật giáo tiêu biểu ở Việt Nam”.

Diện tích chùa khoảng 1ha, bao quanh chùa là lũy tre dày đặc. Hiện nay, chùa được tu tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến du lịch và lễ bái. Du khách có thể đi theo lộ trình như: Cổng tam quan, đi sâu vào khoảng 100m nữa là bái đường hay còn gọi là chùa Hộ. Hai bên đường chùa được xây dựng những khóm thông khoảng tầm 1m để tạo thành tùng lâm.

Trên sân chùa có một bia đá to, gồm 6 mặt dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606). Ngay trước mặt tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 5 vị sư: Phù Lãng Trung Pháp (hiệu Sa Môn), Thông Duệ Ứng Duyên, Thanh Quý, Tịnh Phương Sa Môn, Thanh Hanh và một số tháp khác.

Sau khi đã qua cổng Tam quan, du khách có thể đi đến Toà tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Nhà tổ Đệ nhất, Gác chuông, Nhà tổ Đệ nhị, hai dãy hành lang Đông Tây. Mỗi một kiến trúc tại đây đều được tu sửa theo lối cổ xưa để không làm mất bản sắc văn hóa hàng ngàn năm.

Năm 1964, chùa được xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp quốc gia.

Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ hơn 3.000 mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là những di vật, cổ vật mang tính nguyên gốc, tính độc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực như tôn giáo, tư tưởng, văn hóa…

Với những giá trị của lịch sử, giá trị nhân văn quý giá, Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, bổ sung tư liệu cho Hồ sơ Khoa học trình UNESCO công nhận Di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là Di sản Thế giới.

Chùa Vĩnh Nghiêm gắn liền với con đường du lịch tâm linh Tây Yên Tử, gắn với những mắt xích quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm thuộc cánh cung phía Tây, với các điểm danh lam, chùa chiền tại các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng của Bắc Giang như chùa Am Vãi, khu di tích Hòn Tháp – đỉnh Yên Mã… Hệ thống di tích này gắn kết chặt chẽ với các điểm tâm linh tại Quảng Ninh và Hải Dương để hoàn thiện không gian tôn giáo – văn hóa độc đáo đã trải qua mấy trăm năm.

Cho đến ngày nay, Vĩnh Nghiêm vẫn có vị trí quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy vốn văn hóa cổ truyền thống. Đặc biệt tại chùa hiện lưu giữ 3.050 bản ván khắc chữ Hán và chữ Nôm gồm các bộ kinh sách nhà Phật, sự nghiệp, trước tác của các vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển của Phật giáo, của dân tộc Việt Nam cùng nhiều sách hướng dẫn cách chữa bệnh bằng những cây thuốc dân gian… Đây là bộ sách có giá trị vô cùng to lớn trong nghiên cứu về Phật học, khoa học, văn học và lịch sử, trong đó nhiều bộ sách độc bản chỉ còn lại duy nhất ở Vĩnh Nghiêm như bộ sách chữ Nôm “Thiền tông bản hạnh”. Đây là tác phẩm nổi tiếng có giá trị về sự lịch sử phát triển chữ Nôm, ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng Phật, bia đá, hoành phi, câu đối…

Đến với Vĩnh Nghiêm, du khách có thể tìm hiểu về đạo Phật, kỹ thuật khắc gỗ để từ đó hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam…

Thắp nén hương thơm, lòng thành hướng Phật, hướng về tổ tông và chầm chậm du khách sẽ thanh thản vãn cảnh chùa trong không gian thanh tịnh thoang thoảng mùi trầm, mùi hương của những cây lan, cây đại được trồng rất nhiều trong chùa, trong đó có những cây được trồng từ hơn 300 năm trước. Hay chiêm ngưỡng cây hoa có cái tên thật lạ “hoa nhập nhân” có niên đại khoảng 700 năm được trồng ngay sau Nhà tổ Đệ nhất…

Về với Vĩnh Nghiêm về với chốn tổ để đắm mình trong khung cảnh của làng quê thanh bình và nếu muốn du khách cũng có thể thưởng thức bữa cơm chay với nhà chùa…

Dưới đây là một số hình ảnh về lối kiến trúc của chùa và người dân đến chiêm bái, lễ Phật mỗi ngày rằm và mùng 1 hàng tháng.

 
 
 
 
 
 
 

Nguyễn Kế

Được gắn thẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *