Về Ưu Đàm

Hoa ưu đàm dưới gốc nhìn của Phật Giáo theo kinh điển ghi chép

Hoa ưu đàm (tiếng Phạn: uḍumbara), theo Phật giáo đây là hoa của cây sung (Ficus racemosa). Trong kinh điển Phật giáo và Vệ Đà, đây là một loài hoa hiếm hoi và mang lại điềm lành. Những người theo Phật học xem loài hoa này như là hoa Cát Tường – biểu trưng cho sự tốt lành và thay đổi của đất trời.

Có nhiều quan điểm khác nhau về sự tồn tại của Hoa Ưu Đàm, trong đó 2 quan niệm của Phật giáo và Pháp luân công được biết đến nhiều nhất.

Trong kinh văn Phật giáo

Cả cây, hoa và quả của sung đều được gọi là udumbara (tiếng Phạn, tiếng Pali; tiếng Devanagari: उडुम्बर tức hoa đàm hay ưu đàm hoa) trong Phật giáo. Udumbara cũng có thể dùng để chỉ hoa Ni la ưu đàm bát la (Nila udumbara). Hoa ưu đàm xuất hiện trong các chương 2 và 27 của Diệu pháp liên hoa kinh, một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất. Từ trong tiếng Nhật udonge (優曇華, ưu đàm hoa) được thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền (1200-1253) sử dụng để nói tới hoa của cây ưu đàm hoa trong chương 68 của Chính pháp nhãn tạng (正法眼藏, shōbōgenzō). Đạo Nguyên đặt khung cảnh của hoa ưu đàm trong hoa thuyết pháp được Thích-ca Mâu-ni đặt trên đỉnh Linh Thứu.

Kinh Phật có ghi chép Thế Tôn Konagamana (Phật Câu Na Hàm Mâu Ni) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây Sung (udumbara). Ví như cây bồ-đề, cây bàng, cây sanh (pilakka), cây sung (udumbara)…; những cây lớn này, này các Tỳ-kheo, sanh từ hạt giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác. Ví như, một người đem củi khô từ cây saka lại và nhen lửa, lửa sẽ xuất hiện. Và một người khác đem cây củi khô từ cây sala lại và nhen lửa, lửa sẽ xuất hiện. Rồi một người khác đem cây củi khô từ cây sung (umdumbara) lại và nhen lửa, lửa sẽ xuất hiện.

Sách Huệ Lâm Âm Nghĩa

Theo sách Huệ Lâm Âm Nghĩa ghi, “Ưu Đàm Bà La” trong tiếng Phạn, có nghĩa là “một loài hoa mang đến điềm lành từ Thiên đàng.” Quyển 8 Kinh “Huệ Lâm Nghĩa” của nhà Phật viết: “Hoa Ưu Đàm do điềm lành linh dị sinh ra; đây là một loài hoa của Trời, trên thế gian không có. Nếu một đấng Như Lai hoặc Chuyển Luân Thánh Vương hạ xuống thế gian con người, loài hoa này sẽ xuất hiện nhờ đại ân và đại đức của Ngài.”

Các bản dịch của Kinh tập sang tiếng Anh dịch udumbara (hay udumbaresu/udumbaro) trong tiếng Pali thành fig tree.

Kinh Vô Lượng Thọ

Kinh Phật “Vô Lượng Thọ”, đã ghi chép rằng loài hoa Ưu Đàm rất hiếm khi xuất hiện. Nguyên văn:

Này A Nan! Như Lai vì lòng đại bi vô tận thương xót ba cõi nên xuất hiện ở đời, tuyên dương giáo pháp là muốn cứu bạt quần manh, đem lợi ích chân thật, khó gặp khó thấy, như hoa ưu đàm hiếm khi xuất hiện, lời hỏi hôm nay của ông lợi ích rất lớn.

Kinh Pháp Hoa

Hoa Ưu Đàm cũng được nhắc đến trong kinh Pháp Hoa, còn gọi là Diệu Pháp Liên Hoa kinh (trong tiếng Phạn- Saddharma Puṇḍarīka Sūtra), là một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất, được lưu hành rộng rãi ở một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản,Trung Quốc, Tây Tạng… Kinh Pháp Hoa được biết đến như quyển kinh sách lưu giữ những lời giảng pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng vào lúc cuối đời. Trích đoạn trong Kinh Pháp Hoa nói về hoa Ưu Đàm:

Như hoa ưu đàm
ai cũng ưa thích,
đến như chư thiên
cũng thấy hiếm có,
vì lẽ thỉnh thoảng
mới trổ một lần.

Kinh Đại Bát Niết bàn

Ðại Bát Niết Bàn là tên bộ Kinh do Phật Thích Ca thuyết trước khi Ngài Niết Bàn. Có hai bản Kinh Niết Bàn của Phật giáo Nam Tông và Phật giáo Bắc Tông. Kinh Ðại Bát Niết bàn là những lời giảng Pháp sau cùng của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước khi Ngài Niết Bàn.

“Nầy đại chúng ! Phật ra đời rất khó gặp khó thấy như hoa Ưu Đàm”

Như vậy trong các kinh sách phật giáo ở trên (kinh Vô Lượng Thọ, kinh Pháp Hoa, kinh Đại Bát Niết Bàn) thì không có kinh nào mô tả chi tiết hoa Ưu Đàm có hình dáng, kích thước, màu sắc như thế nào. Thông tin duy nhất là một loài hoa rất ít khi nở.

Theo vi.wikipedia.org

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *