Hoạt động Phật Giáo

Kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng

GNO – Ngày 15-4-2023, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN tổ chức Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng”.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu Tôn giáo (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN), Viện Bảo tồn di tích, và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp tổ chức.

Cùng với đó, Triển lãm “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng” cũng diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia từ ngày 15-4 đến hết ngày 15-5-2023, với gần 300 tư liệu, hình ảnh chủ yếu là hình ảnh từ kết quả của 3 đợt khảo sát và tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Bảo tồn di tích.

Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN nhận định kiến trúc Phật giáo là một thành tố, một phương diện rất quan trọng của Phật giáo, phản ánh giáo lý, giáo luật Phật giáo, tư tưởng, tinh thần Phật giáo, triết lý và văn hóa Phật giáo. Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, hiện nay cả nước có khoảng 18.000 ngôi chùa của các hệ phái Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, Nam tông Kinh, Hoa tông. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, sự phong phú, đa dạng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam, cũng đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập cần có sự đánh giá một cách toàn diện, khách quan để đề xuất những giải pháp, định hướng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc Phật giáo trong giai đoạn tới.

Đa dạng kiến trúc chùa Việt

Từ kết quả khảo cổ học, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đã phác dựng vài nét về lịch sử và giá trị của kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, PGS.TS cho biết thư tịch cổ đã phản ánh các ngôi chùa Phật ở Việt Nam có từ khoảng 2.000 năm cách ngày nay trong đó có các ngôi chùa Tứ Pháp và am ở khu vực Luy Lâu (Bắc Ninh) đánh dấu thời kỳ Phật giáo truyền vào Việt Nam đầu tiên từ Ấn Độ qua đường biển. Theo ông Tín, các chùa Phật giáo Tứ Pháp đầu tiên của Việt Nam đều có số tượng Phật rất ít và hoàn toàn thờ các tượng thần Việt Nam được Phật hóa.

Chùa Việt Nam thời kỳ từ thế kỷ IV đến thế kỷ IX, số lượng ngày càng tăng lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng không có tư liệu khảo cổ cho chùa thời này. Thời đại Đinh – Tiền Lê là thời đại Phật giáo bắt đầu hưng thịnh, dấu tích Phật giáo phát hiện nhiều ở kinh đô Hoa Lư và vùng kinh phủ Đại La (Hà Nội), với hàng chục cột kinh tràng Phật đỉnh tôn thắng Đà-la-ni thời Đinh được phát hiện. Thời Lý là thời kỳ Phật giáo toàn thịnh, do vậy những ngôi chùa đã có mặt ở mọi nơi, mọi địa hình của đất nước.

Chùa thời Lý thường gồm một tòa điện chính kết hợp với nhiều kiến trúc khác quây quần xung quanh. Tổng thể các kiến trúc của chùa Lý thường được bố cục thành hai kiểu bình đồ: hướng tâm hoặc đăng đối trên một trục dài. Với kiến trúc chùa thời Trần, hiện nay, mỗi chùa tiêu biểu còn lại chỉ giữ được một số thành phần nhất định nào đó, nhưng tập hợp chắt lọc lại vẫn có thể hiểu được khá rõ kiến trúc cơ bản của chùa thời Trần.

Thời Lê sơ, vương triều lấy Nho giáo làm tư tưởng chính đã hạn chế sự phát triển của Phật giáo. Tuy nhiên theo thư tịch cổ và văn bia ở nhiều xã thôn tiếp tục có các chùa làng, nói lên sức sống của Phật giáo trong đời sống người dân Đại Việt. Đến thời Mạc, Phật giáo phục hồi với các kiến trúc phát triển nhiều ở khu vực nhà Mạc làm chủ. Kiến trúc chùa Mạc tuy chưa phát hiện được mặt bằng xác thực nhưng về hình thức có xu hướng theo chùa thời Trần.

Thời Lê trung hưng là thời kỳ Phật giáo Việt Nam phục hưng mạnh mẽ, nhiều ngôi chùa lớn nhất Việt Nam được xây dựng thời kỳ này, vẫn còn được bảo tồn đến ngày nay như chùa Bút Tháp, chùa Thầy, chùa Keo và các chùa Trúc Lâm (chùa Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn).

Di sản chùa Nguyễn có hàng nghìn và các chùa cổ trước đó còn lại được đều có dấu ấn chùa Nguyễn thế kỷ XIX – XX. Ở khu vực phía Bắc, các ngôi chùa Nguyễn lớn điển hình truyền thống còn lại rất đẹp như chùa Liên Phái, chùa Bà Đá, chùa Hòe Nhai, chùa Mía, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Côn Sơn, chùa Bổ Đà, chùa Cổ Lễ…

Theo Ban Văn hóa T.Ư, kết quả những chuyến khảo sát vừa qua cho thấy kiến trúc Phật giáo Việt Nam rất đa dạng, muôn hình vạn trạng, rất phong phú sinh động và rõ rệt mang đậm nét văn hóa bản địa. Ban Văn hóa đã đúc kết thành 7 mô hình đặc trưng cho các truyền thống hệ phái khác nhau.

Với Phật giáo Nam tông có hai mô hình, gồm Nam tông Kinh và Nam tông Khmer. Hai kiến trúc này thừa hưởng rõ rệt kiến trúc dân tộc Khmer, Campuchia và Ấn Độ. Kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer hiện có khoảng 462 cơ sở được hình thành khoảng trên 2.000 năm. Kiến trúc Phật giáo Nam tông Kinh, hiện có khoảng 106 cơ sở, được hình thành khoảng gần 90 năm (bắt đầu khoảng những năm 1938). Kiến trúc Phật giáo Nam tông Kinh tiếp thu từ kiến trúc Phật giáo Campuchia.

Phật giáo Bắc tông hiện nay có khoảng trên 17.000 tự viện trong 18.466 cơ sở tự viện của cả nước. Có 3 mô hình kiến trúc Phật giáo Bắc tông đặc trưng cho văn hóa 3 miền đất nước Bắc – Trung – Nam.

Hệ phái Khất sĩ do Tổ Minh Đăng Quang thành lập năm 1944, đến nay có 6 giáo đoàn, 3.500 vị Tăng Ni (khoảng hơn 1.000 Tăng, hơn 2.500 Ni) với hơn 500 ngôi tịnh xá. Kiến trúc Khất sĩ có hai hình thức kiến trúc cơ bản. Một là chính điện kiến trúc hình bát giác tượng trưng ý nghĩa Bát chánh đạo, trên có kiến trúc cổ lầu hình tứ giác biểu trưng cho Tứ thánh đế. Hai là tịnh thất chủ yếu là tứ trụ hình vuông, dạng nhà sàn cao hơn mặt đất khoảng 1m dành cho Tăng, Ni nhập thất tu tập.

Giải pháp nào cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam ngày nay?

Thượng tọa Thích Lệ Trí, Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư cho hay, chỉ trong khoảng 23 năm qua, từ năm 2000 đến nay, có rất nhiều ngôi chùa được trùng tu, xây dựng rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, rất nhiều ngôi chùa thiếu quy hoạch kiến trúc tổng thể dẫn đến không hài hòa trong không gian sinh hoạt, hệ sinh thái kiến trúc chung. Do thiếu sự đồng bộ trong xây dựng kiến trúc, dẫn đến sự pha tạp nhiều kiểu dáng, nhiều trường phái kiến trúc, nhiều mẫu hoa văn họa tiết không tương thích trong một công trình. Có nơi sao chép mẫu kiến trúc nước ngoài một phần, có nơi sao chép phân nửa và thậm chí toàn phần.

Đề xuất những giải pháp bảo tồn, phát triển kiến trúc Phật giáo Việt nam, Thượng tọa Thích Lệ Trí cho rằng cần tổ chức khảo sát đánh giá kịp thời và đưa ra giải pháp để hỗ trợ thực tiễn cho công việc bảo tồn và phục hồi kiến trúc cổ, di sản. Từ đó, lập đề án thiết kế bản vẽ, mô hình mẫu (quy chuẩn) để làm định hướng cụ thể cho công tác bảo tồn, phục hồi và xây mới hiệu quả.

Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư nêu quan điểm: Cần phải thống nhất về quy chuẩn kiến trúc cho các công trình Phật giáo. “Thống nhất ở đây, không phải tất cả các hệ phái, tông phái phải xây dựng chùa theo một mẫu kiến trúc như nhau, mà phải có mẫu riêng cho kiến trúc chùa của từng hệ phái, tông phái, đảm bảo sự đa dạng của kiến trúc Phật giáo tông phái và vùng miền. Nhưng phải tìm ra những thông số, quy chuẩn chung nhất ở tất cả các ngôi chùa để tạo quy chuẩn thống nhất. Đó chính là thể hiện của tinh thần: Thống nhất trong đa dạng”, Thượng tọa Thích Minh Hiền nói.

Chu Minh Khôi/Báo Giác Ngộ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *