Về Ưu Đàm

Ý nghĩa của từ Đàm Hoa hoặc Hoa Ưu Đàm Bạt La theo Tự điển Phật học

Đàm Hoa có nghĩa là: (曇花): từ gọi tắt của hoa Ưu Đàm Bạt La (s: udumbara, udumbara, p: udumbara, 優曇跋羅), hay Ô Đàm Bát La Hoa (烏曇盋羅花), Ô Đàm Bát La Hoa (鄔曇鉢羅花), Ưu Đàm Ba Hoa (優曇波花), Ưu Đàm Hoa (優曇花), Uất Đàm Hoa (鬱曇花); ý dịch là Linh Thoại Hoa (靈瑞花), Không Khởi Hoa (空起花), Khởi Không Hoa (起空花). Nó là loại thực vật có hoa ẩn tàng thuộc khoa Dâu, tên khoa học là Ficus glomerata, sanh sản ven chân núi Hỷ Mã Lạp Nhã Sơn (喜馬拉雅山, Himalaya), cao nguyên Đức Can (德干), Tư Lí Lan Tạp (斯里蘭卡), v.v.

Thân cây cao hơn 3 tấc, lá có hai loại: phẳng trơn và thô nhám, đầu nhọn, thon dài, đều có chiều dài từ 10-18 phân. Nó có 2 loại hoa đực và cái, hoa xòe to như đấm tay, hoa búp như ngón tay cái, nở ra từ cành cây hơn 10 bông; tuy có thể ăn được nhưng mùi vị không ngon.

Căn cứ vào Huệ Lâm Âm Nghĩa (慧琳音義) quyển 8 cho biết rằng: “Ưu Đàm Hoa, Phạn ngữ cổ dịch ngoa lược dã; Phạn ngữ chánh vân Ô Đàm Bạt La, thử vân Tường Thoại Linh Dị, thiên hoa dã; thế gian vô tỉ hoa; nhược Như Lai hạ sanh, Kim Luân Vương xuất hiện thế gian, dĩ đại phước đức lực cố, cảm đắc thử hoa xuất hiện (優曇花、梵語古譯訛略也、梵語正云烏曇跋羅、此云祥瑞靈異、天花也、世間無此花、若如來下生、金輪王出現世間、以大福德力故、感得此花出現, Hoa Ưu Đàm là từ dịch tắt sai lầm ngày xưa của tiếng Phạn, tiếng Phạn đúng là Ô Đàm Bạt La, Tàu gọi là Tường Thoại Linh Dị [loại hoa mang lại điềm lành linh dị], là hoa Trời, loại hoa trên đời không gì sánh bằng; nếu Như Lai hạ sanh, bậc Kim Luân Vương [Chuyển Luân Thánh Vương] sẽ xuất hiện trên thế gian; vì Ngài có oai lực phước đức to lớn, nên có thể cảm ứng loài hoa này xuất hiện).” Hơn nữa, do vì nó hiếm có và khó gặp, trong kinh điển Phật Giáo thường ví hoa Ưu Đàm với việc khó gặp được đức Phật xuất hiện giữa đời.

Như Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經, Taishō 12, 266) quyển thượng có giải thích rằng: “Vô lượng ức kiếp nan trị nan kiến, do linh thoại hoa thời thời nãi xuất (無量億劫難值難見、猶靈瑞華時時乃出, vô lượng ức kiếp khó gặp, khó thấy, giống như hoa Linh Thoại thỉnh thoảng mới xuất hiện)”. Hay như Pháp Hoa Văn Cú (法華文句, Taishō No. 1718) cũng cho rằng: “Ưu Đàm Hoa giả, thử ngôn Linh Thoại, tam thiên niên nhất hiện, hiện tắc Kim Luân Vương xuất (優曇花者、此言靈瑞、三千年一現、現則金輪王出, Hoa Ưu Đàm, Tàu gọi là Linh Thoại, ba ngàn năm mới xuất hiện một lần, hiện tất Kim Luân Vương ra đời).” Tại Ấn Độ, từ thời đại Phệ Đà (s: Veda, 吠陀) cho đến ngày nay, lá của nó được dùng làm cây bảo vệ trừ tà ma, hay làm củi đốt trong lúc tế tự.

Trong Phật Giáo, cây Bồ Đề thành đạo của 7 đức Phật thời quá khứ đều khác nhau, riêng cây Ưu Đàm Bạt La là cây Bồ Đề thành đạo của vị Phật thứ 5, Câu Na Hàm Mâu Ni (s: Kanakamuni, p: Konāgamana, 拘那含牟尼). Hoa Ưu Đàm là loại hoa ngàn năm mới nở một lần; cho nên nó có mùi thơm tuyệt diệu hơn tất cả loài hoa khác. Cũng vậy, giáo Pháp của Đức Phật luôn tỏa sáng và thơm ngát đến mọi người. Những ai lắng nghe và thực hành giáo pháp ấy thì sẽ có được an lạc, giải thoát nhờ hương thơm đó. Và từ đó vị ấy có thể đem hương thơm ấy ban phát, chia xẻ với mọi người chung quanh.

Như trong Phẩm Phương Tiện (方便品) của Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (s: Saddharma-puṇḍarīka,妙法蓮華經) có câu: “Phật cáo Xá Lợi Phất, như thị diệu pháp, chư Phật Như Lai, thời nãi thuyết chi, như Ưu Đàm Bát Hoa, thời nhất hiện nhĩ (佛告舍利佛、如是妙法、諸佛如來、時乃說之、如優曇缽花、時一現耳, Phật bảo Xá Lợi Phất rằng pháp mầu như vậy, chư Phật Như Lai, chỉ thuyết một lần; như Hoa Ưu Đàm, chỉ xuất hiện một lần thôi).” Hoặc như trong Đại Trí Độ Luận (大知度論) cũng khẳng định rõ rằng: “Phật thế nan trị, như Ưu Đàm Ba La thọ hoa, thời thời hữu nhất, kỳ nhân bất kiến (佛世難值、如優曇波羅樹華、時時一有、其人不見, trên đời khó gặp được Phật, như hoa cây Ưu Đàm Ba La, thỉnh thoảng mới có một lần, người thường không thấy được).” Vì vậy trong dân gian cũng như văn học xuất hiện thuật ngữ “Đàm Hoa Nhất Hiện (曇花一現, Hoa Ưu Đàm chỉ xuất hiện một lần).”

Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh (大般若波羅蜜多經, Taishō No. 220) cho chúng ta biết rõ thêm rằng: “Nhân thân vô thường, phú quý như mộng, chư căn bất khuyết, chánh tín thượng nan, huống trị Như Lai đắc văn diệu pháp, bất vi hy hữu như Ưu Đàm Hoa (人身無常、富貴如夢、諸根不缺、正信尚難、況值如來得聞妙法、不爲稀有如優曇花, thân người vô thường, giàu sang như mộng, các căn đầy đủ, chánh tín lại khó, huống chi gặp Như Lai được nghe pháp mầu, không phải hy hữu như Hoa Ưu Đàm sao ?).” Trong bài thơ Na Tra (那吒), Tô Triệt (蘇轍, 1039-1112) nhà Tống có nêu rõ giá trị tối thượng của loại hoa này: “Phật như Ưu Đàm nan trị ngộ, kiến giả văn đạo xuất sanh tử (佛如優曇難值遇、見者聞道出生死, Phật như Ưu Đàm khó gặp được, người thấy nghe đạo thoát sanh tử).” Hay như trong bài thơ Kỷ Hợi Tạp Thi (己亥雜詩) của Củng Tự Trân (龔自珍, 1792-1841) nhà Thanh cũng có câu rằng: “Nan bằng nhục nhãn thức thiên nhân, khủng thị Ưu Đàm thị hiện thân (難憑肉眼識天人、恐是優曇示現身, khó nương mắt thịt biết trời người, e chính Ưu Đàm thị hiện thân).”

Trong dân gian Trung Quốc, vẫn có những truyền thuyết về giấc mộng thấy Hoa Ưu Đàm, như trường hợp Tề Võ Đế Tiêu Trách (齊武帝蕭賾, tại vị 482-493) bị bệnh, nằm mộng thấy Hoa Ưu Đàm và được lành bệnh; cho nên, trong chiêm tinh bói toán, người ta thường xem giấc mộng Hoa Ưu Đàm là có điềm lành. Như trong Uyên Giám Loại Hàm (淵鑑類函) do nhóm Trương Thanh (張英, ?-1708) nhà Thanh biên soạn có đoạn: “Tề Cảnh Lăng Vương Tử Lương, đốc tín Thích thị, Võ Đế bất dự, Tử Lương khải tấn Sa Môn ư điện tiền tụng kinh, Võ Đế cảm mộng, kiến Ưu Đàm Bát Hoa ư Tử Lương án (齊竟陵王子良、篤信釋氏、武帝不豫、子良啟進沙門於殿前誦經、武帝感夢、見優曇缽花於子良案, vua Cảnh Lăng Vương nhà Tề tên Tử Lương, thâm tín Phật pháp, Võ Đế chẳng vui lòng; Tử Lương cung thỉnh Sa Môn tụng kinh trước điện; Võ Đế cảm ứng mộng thấy Hoa Ưu Đàm nơi án của Tử Lương).”

Trên đây là ý nghĩa của từ Đàm Hoa trong hệ thống Tự điển Phật học online do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam cung cấp. Các từ khóa khác về Phật học trên hệ thống sẽ được tiếp tục cập nhật.

Theo nguồn https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/dam-hoa-k3818.html/p1?keys=m

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *