Trên bước đường tu nhân học Phật, việc phát tâm Bồ đề là rất quan trọng. Trong bài giảng “Ý nghĩa phát Bồ đề tâm”, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng: “Tâm Bồ đề có thể nói là nhân chứng để thành Phật. Ai tu học Phật mà không phát tâm Bồ đề thì không thể thành Phật được”. Tuy nhiên, tâm chúng ta có nhiều sắc thái khác nhau. Không phải ai cũng hiểu được và phát khởi được những nguồn tâm quảng đại khi phát tâm Bồ đề. Với tâm từ bi mong đại chúng hiểu rõ ý nghĩa chân thật của việc phát tâm Bồ đề, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã giảng giải tám sắc thái của tâm gồm có: Chính – Tà, Chân – Ngụy, Đại – Tiểu, Thiên – Viên qua lời dạy của Ngài Thật Hiền Đại sư trong “Văn khuyến phát Bồ đề tâm”.
1. Chính tâm và tà tâm
Hai sắc thái đầu tiên của tâm mà Sư Phụ giảng là tâm chính và tâm tà. Trong “Văn khuyến phát Bồ đề tâm” ghi rõ: “Đời có kẻ tu hành mà chỉ tu hành một chiều không cứu xét tự tâm chỉ lo những việc ở ngoài hoặc vụ lợi hoặc háo danh hoặc tham cái thú hiện tại hoặc cầu cái vui mai sau phát tâm như vậy gọi là tà. Danh lợi không ham, vui thú không màng, chỉ vì thoát sinh tử, vì chứng Bồ đề. Phát tâm như vậy gọi là chánh”.
Từ lời dạy của Thật Hiền Đại sư, để giúp đại chúng hiểu rõ về tà tâm khi phát tâm Bồ đề, Sư Phụ giảng giải: “Nếu chúng ta tu hành mà tu một chiều, không cứu xét tự tâm. Nghĩa là chỉ biết lo ở bên ngoài, chạy ra bên ngoài, lăng xăng việc ở ngoài chưa từng quay lại, soi xét tâm mình, sám sửa tâm mình, kiểm lại tâm mình. Thấy ai bảo đi từ thiện thì đi, ai bảo làm cái này thì làm. Nhưng không xoay lại, xét nét tâm mình, kiểm tâm mình, sửa tâm mình đó gọi là tu hành một chiều. Có người tu hành để tham cái thú hiện tại, đi đến chùa cho vui, cho thanh thản. Hoặc tham cái vui mai sau, nghĩa là hôm nay đi tu để mong kiếp sau con được giàu. Hôm nay, con lên cúng dường chùa kiếp sau con phải thành tỷ phú, cầu như thế để con được giàu có, con sung sướng. Đó là tham cái vui mai sau. Phát tâm tu hành như thế, gọi là tà”.
Về chính tâm khi phát tâm Bồ đề, Sư Phụ giải thích: “Chúng ta trong đây những ai phát được tâm đi tu không vì danh, vì lợi; không vì cầu cho mình kiếp sau giàu có, gia đình mình đông con, nhiều cháu, con bồng bế mà thật sự thấy tai họa của sinh tử luân hồi thật đáng sợ, thật đáng lo. Chúng ta luân hồi quá nhiều kiếp không thể tính xuể. Xương chất đầy đại địa, nước mắt đầy bốn biển, máu đầy hết tất cả, luân hồi, đau đớn như thế mà mình chưa biết sợ. Người mà biết sợ sinh tử luân hồi dài đằng đẵng, phát tâm tu hành muốn thoát sinh tử, muốn thành Phật để độ chúng sinh hết khổ. Phát tâm như vậy gọi là chính”. Từ lời giảng giải trên Sư Phụ, chúng ta biết rằng, người phát tâm Bồ đề chính tâm là phải biết quán xét tâm mình, không vì thú vui hiện tại, không vì phước báo trong các kiếp vị lai mà phải nhắm tới mục tiêu tối thượng là cầu thoát luân hồi sinh tử, cứu độ chúng sinh.
2. Chân tâm và ngụy tâm
“Chân” tức là chân thật, “ngụy” tức là giả dối. Trong “Văn khuyến phát Bồ đề tâm”, Ngài Thật Hiền Đại sư dạy rằng: “Ý niệm này nối tiếp ý niệm khác, ngước lên mà mong cầu Phật đạo, tư tưởng trước liên tục tư tưởng sau, nhìn xuống mà hóa độ chúng sanh, nghe Phật đạo lâu xa cũng không thoái chí khiếp sợ, xét chúng sanh khó độ mà không chán nản mệt mỏi, như trèo núi cao cả vạn dặm cũng quyết tận đỉnh, như lên tháp lớn đến chín tầng cũng cố tột nóc: Phát tâm như vậy gọi là chân. Có tội không sám hối, có lỗi không trừ bỏ, trong bẩn ngoài sạch, trước siêng sau nhác, tâm tốt dẫu có cũng phần lớn bị danh lợi xen lấn, thiện pháp dẫu tu cũng phần nhiều bị vọng nghiệp nhuốm bẩn. Phát tâm như vậy gọi là ngụy”.
Ngài Thật Hiền Đại sư dạy, người phát tâm Bồ đề chân thật là người dù biết tu hành sẽ rất lâu xa nhưng người ấy không ngại, không sợ, thấy chúng sinh nhiều vô biên vô tận cũng không thối chí. Lời Ngài dạy khiến chúng ta nhớ đến lời nguyện của Ngài Địa Tạng Bồ Tát. Hạnh nguyện Bồ đề rộng lớn của Đức Bồ Tát là tấm gương sáng ngời để chúng ta noi theo. Sư Phụ giảng giải: “Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát nguyện rằng: “Bao giờ trong địa ngục không còn chúng sinh nữa Ngài mới chứng quả Bồ đề”… Ai phát được tâm tu hành không sợ khó, không sợ lâu xa, không sợ mệt mỏi thì người ấy gọi là chân thật tu hành. Ở đây không phải chỉ các Phật tử, mà tất cả chư Tăng, chư Ni cũng thế, nếu tu mà còn sợ khó, sợ lâu xa thì chưa phải chân tu”.
Tiếp nối phần giảng giải về cặp sắc thái chân – ngụy, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ về ngụy tâm: “Ngụy tức là giả tu, có lỗi, có tội không sám hối, có lỗi không chịu trừ bỏ… Tâm thì nhơ nhớt xấu xa, bên ngoài thì trau chuốt bóng bẩy cho sạch sẽ. Mới đi chùa, mới đến đạo tràng thì hăm hở ngày nào cũng đi sinh hoạt, chăm chỉ. Độ hai, ba tháng bắt đầu biếng dần, đến lúc trưởng đạo tràng gọi cũng không chịu đi. Đó là trước siêng sau lười. Ở chùa đi xuất gia cũng thế. Năm thứ nhất chăm chỉ tu hành, tụng kinh, tụng kệ, lễ khóa đầy đủ, sang năm thứ hai là bê chề, sang năm thứ ba là bê trễ bỏ luôn. Chúng ta nếu tâm như thế là ngụy tu, giả tu”.
Sư Phụ nhấn mạnh: “Hai chữ “chân tu” không phải dễ. Chân tu thì chắc chắn thành Phật, chân tu thì chắc chắn sẽ được Phật hộ trì. Còn ngụy, giả tu thì không Phật, Bồ Tát, Thiện Thần, Hộ Pháp nào hộ trì được cả”.
3. Đại tâm và tiểu tâm
Đại tâm là người phát tâm lớn, tiểu tâm là người phát tâm nhỏ. Vậy thế nào là phát tâm lớn và phát tâm nhỏ? Ngài Thật Hiền Đại sư dạy: “Chúng sanh giới hết nguyện ta mới hết, Bồ đề đạo thành nguyện ta mới thành. Phát tâm như vậy gọi là đại. Coi ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia, chỉ mong tự độ, không dám độ người. Phát tâm như vậy gọi là tiểu”.
Để đại chúng hiểu về đại tâm, Sư Phụ giảng giải: “Người nào phát cái tâm: Bao giờ độ hết chúng sinh thì nguyện tu của chúng ta mới hết, bao giờ đắc thành quả Phật thì nguyện của mình mới thành. Phát tâm như vậy gọi là tâm to lớn”.
Bên cạnh đó, để chúng ta hiểu về tiểu tâm, Sư Phụ cũng chia sẻ: “Trong đạo Phật có chia ra tiểu thừa và đại thừa. Tiểu thừa tức là người chỉ lo độ cho mình. Thấy đời này khổ, tu cho mình đắc Niết bàn cho an ổn cõi lạc. Còn mọi người cứ để đấy, mặc kệ, thì tâm như thế là tâm tiểu. Tuy rằng mình có đắc quả Thánh đi chăng nữa thì mình vẫn là Thánh tiểu thừa, Thanh Văn chứ không phải là đại thừa”. Như vậy, người phát Bồ đề tâm phải phát tâm rộng lớn, tâm quảng đại vì lợi ích chúng sinh.
4. Thiên tâm và viên tâm
Sư Phụ giảng tâm thiên tức là lệch một bên, tâm viên tức là tròn đầy. Để lời nguyện phát tâm Bồ đề được dũng mãnh thì chúng ta cần phải bỏ tâm thiên lệch mà chọn lấy tâm viên tròn.
Trong “Văn khuyến phát Bồ đề tâm”, Ngài Thật Hiền Đại sư nói rõ về tâm thiên và tâm viên như sau: “Nếu ngoài tâm thấy có chúng sanh, có Phật đạo, rồi nguyện độ, nguyện thành, công phu không xả, thấy biết không tan. Phát tâm như vậy gọi là thiên. Nếu biết tự tánh là chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo nên nguyện thành tựu, không thấy một pháp nào ngoài tâm mà có, đem cái tâm vô tướng phát cái nguyện vô tướng, làm cái hạnh vô tướng, chứng cái quả vô tướng, cái tướng vô tướng cũng không thấy có được. Phát tâm như vậy gọi là viên”.
Sư Phụ giảng giải: “Trong kinh Phật dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm chúng ta làm chủ tạo nên pháp giới này. Pháp giới là có tất cả, từ chư Phật, cho đến tất cả thập pháp giới, cho đến trời, mây, trăng, gió, đất liền, núi sông, chúng sinh, cây cỏ đều trong pháp giới này và đều từ tâm mà biến ra”.
Sư Phụ giảng giải thêm: “Thế cho nên chúng ta thấy, ngoài tâm mà có đạo Phật, ngoài tâm mà có chúng sinh. Chúng sinh này đều là chúng sinh trong tâm ta. Các Phật tử đừng nghĩ rằng những người này (Sư Phụ hướng tay về phía các Phật tử trong Chính điện) là ở ngoài tâm mình. Thực ra là ở trong tâm mình. Chúng ta mở mắt thấy mọi người, mình tưởng là thấy mọi người ở ngoài. Chính là mình đang thấy mọi người trong mắt mình. Con mắt mình bây giờ mà bị hỏng đi là chúng ta không thấy gì nữa. Cho nên thực ra chúng ta thấy chúng sinh ở ngay trên tâm mình đấy. Đó là nói ở nơi chúng ta, còn sự thực thì tất cả chúng sinh đều ở trong cái bản tâm thanh tịnh hết. Cho nên người tu phải thấy được điều này. Chúng sinh này ở trong bản tâm thanh tịnh ở trong Như Lai Tạng ra hết. Thấy như vậy cho nên người biết tu thì không chấp trước công phu, không có đắm vào công phu, tu hành vẫn tu hành mà không chấp trước, dám đến chỗ mà xả như cây lúa. Kinh Kim Cương, Phật dạy Pháp còn ưng xả huống chi nữa là y Pháp. Chúng ta phải thấy được chỗ này là chỗ cao, chỗ tột, chúng ta phải nghiền ngẫm cho kỹ. Người nào phát được tâm không vướng mắc thì đấy mới thật sự là không bị thiên lệch”.
Về tâm viên tròn, Sư Phụ chia sẻ: “Trong kinh 42 chương Phật dạy: Tu y vô tu mới thật là tu, chứng vô chứng chứng thật là chứng. Chỗ này chúng ta phải mở con mắt bát nhã, mở cái tuệ nhãn này ra mới thấy được thế nào là tu mà y vô tu, chứng mà như không chứng. Điều này các Phật tử phải học, không học không thể thấu được cái này, thì chúng ta sẽ vướng mắc. Cho nên, để tránh cái thiên mà được cái viên, phát cái tâm đầy đủ viên tròn thì nhất khoát chúng ta phải học Pháp, không thể bỏ Pháp được”.
Qua lời giảng của Sư Phụ, chúng ta đã hiểu thêm về tám sắc thái của tâm. Tuy rằng, ngày phát tâm Bồ đề của chùa Ba Vàng đã tạm hoãn, nhưng mong rằng quý Phật tử sẽ đọc, tư duy để hiểu về tám sắc thái của tâm từ đó chuẩn bị những nguồn tâm chân chính, gạn lọc những tâm tà để phát tâm Bồ đề được chân thật, dũng mãnh, rộng lớn và viên tròn trong những buổi lễ phát tâm Bồ đề về sau.
Minh Tâm