Tổng hợp

Làm cách nào để trưởng dưỡng Bồ đề tâm?

Các giai đoạn của Bồ đề tâm

Chứng ngộ thực sự về tính không dẫn đến chứng ngộ tinh túy của lòng bi mẫn và tình yêu thương. Trong Phật giáo Đại thừa, tình yêu thương là mong muốn khắp thảy chúng sinh đều an vui và giác ngộ, là một phần không thể tách rời của tâm Bồ đề. Có hai giai đoạn Bồ đề tâm: Bồ đề tâm tuyệt đối (không còn vọng tưởng) và Bồ đề tâm tương đối (vẫn còn vọng tưởng). Để chứng ngộ được Bồ đề tâm tuyệt đối, chúng ta cần thực hành Bồ đề tâm tương đối.

Ở cấp độ Bồ đề tâm tương đối, chúng ta cần thực hành Bồ đề tâm nguyện Bồ đề tâm hạnh. Bồ đề tâm nguyện là việc trưởng dưỡng tâm nguyện Bồ đề mong muốn tất cả chúng sinh được an vui, giác ngộ. Bồ đề tâm hạnh là việc áp dụng Bồ đề tâm nguyện vào thực tiễn bằng việc hỗ trợ chúng sinh trong đời sống, qua các hoạt động cụ thể của lời nói, suy nghĩ và hành động. Điều này có thể bao gồm bố thí, cúng dàng, chia sẻ giáo pháp giải thoát cũng như việc thực hành thiền định và cầu nguyện về tình yêu thương,… vì lợi ích chúng sinh.

Trong khi Bồ đề tâm nguyện tạo ra những quả vị vĩ đại thì Bồ đề tâm hạnh giúp tạo nên công đức vô tận. Thông thường, các thiện nghiệp giống như cây chuối sẽ tàn lụi sau khi trổ quả. Tuy nhiên, khi đã trưởng dưỡng Bồ đề tâm hạnh giải thoát vô lượng chúng sinh, cho dù chúng ta không tác ý, thì công đức đó vẫn tăng trưởng không ngừng cho đến khi giác ngộ. Nếu trưởng dưỡng được tâm Bồ đề thành tựu tâm Bồ đề tuyệt đối, chúng ta sẽ được thoát khỏi luân hồi và trở thành Như Lai Pháp tử.

Trưởng dưỡng Bồ đề tâm

Vậy làm sao có thể trưởng dưỡng Bồ đề tâm? Theo quan kiến Phật Pháp, chúng ta cần hiểu rằng, tất cả những người chúng ta gặp không thực sự là người lạ, việc gặp gỡ không phải là tình cờ ngẫu nhiên. Sự thật, tất cả những chúng sinh đó đều là những người thương yêu có mối liên hệ mật thiết với chúng ta trong quá khứ. Đạo Phật giảng rằng mỗi chúng sinh trong vũ trụ cho tới những côn trùng nhỏ nhiệm nhất cũng đã từng là từ mẫu của chúng ta trong quá khứ. Hết thảy chúng sinh đã từng là cha mẹ chúng ta trong nhiều đời trước. Số lượng chúng sinh mẹ này vô biên như pháp giới, vô lượng như chúng sinh.

Khi những người được gọi là xa lạ này là mẹ của chúng ta trong quá khứ, họ sinh ra ta, chăm sóc, yêu thương ta với tình yêu vô điều kiện, hy sinh to lớn cho chúng ta giống như chim mẹ từng làm với đàn con bé bỏng: Theo dõi, giám sát, cho ăn, bảo vệ, thậm chí ngay cả phải trả giá bằng mạng sống của mình. Tất cả chúng sinh đã yêu thương chúng ta theo cách này, vì thế chúng ta nợ họ lòng biết ơn vô cùng to lớn. Chúng ta cần thiền và quán chiếu để nhận ra rằng mọi chúng sinh đều là chúng sinh mẹ. Khắp thảy chúng sinh đều mong muốn được an vui giống như người muốn tìm thấy nước giữa cơn khát dày vò. Thế nhưng, vì vô minh và tham sân si chi phối, họ thường lầm đường lạc lối, bám chấp ám ảnh hay sân giận, theo đuổi những ảo ảnh, cuối cùng tự làm tổn hại bản thân giống như người cố gắng liếm mật ong từ lưỡi dao sắc nhọn. May mắn thay chúng ta đang thực hành chính đạo trong đời này và hiểu được các nguyên nhân thực sự của an vui. Thế nên chúng ta mang một món nợ với hết thảy chúng sinh mẹ thân yêu và ta có trách nhiệm dẫn dắt họ đạt đến hạnh phúc chân thật (hay giác ngộ tuyệt đối).

Vì vậy chúng ta cần thực hành bất cứ việc gì đem lại nhân hạnh phúc an vui cho chúng sinh, vì họ mà ta sẵn sàng chịu đựng bất cứ gian khó nào, ngay cả khi họ không biết ơn với những gì chúng ta đã giúp đỡ.

Đức Phật dạy cõi giới của chúng sinh là vô lượng và luân hồi không tận, vì thế việc thiền về tình yêu thương của chư Bồ tát là vô hạn. Vì chúng sinh nhiều như pháp giới nên tình yêu thương của các bậc Bồ tát là vô tận.

Tứ vô lượng tâm

Có sự khác biệt giữa tâm nguyện mang đến sự an vui cho chúng sinh mẹ và tâm nguyện mong muốn chúng sinh mẹ vừa được an vui vừa được giác ngộ. Tâm nguyện chúng sinh mẹ được an vui được gọi là một thái độ tích cực. Việc thực hành tâm nguyện này sẽ khiến chúng ta an vui và tái sinh vào các cõi Thiên. Tuy nhiên, tâm nguyện đó không dẫn đến việc đạt được giải thoát hay Phật quả. Vì chưa có tâm xả ly, chưa trưởng dưỡng được Bồ đề tâm, chưa chứng ngộ quan kiến tính không hay vô ngã.

Vô lượng tâm đầu tiên là Từ vô lượng tâm, tức tâm nguyện khắp thảy chúng sinh được an vui và đạt giác ngộ. Ba vô lượng tâm còn lại là Bi vô lượng tâm – tâm nguyện không muốn ai phải chịu khổ đau hay xa lìa sự an vui; Hỷ vô lượng tâm – hoan hỷ khi chúng sinh được an vui; và Xả vô lượng tâm – tâm nguyện hướng về chúng sinh bình đẳng như nhau.

Việc thực hành lòng từ là thực hành vô lượng tâm dẫn đến trưởng dưỡng Bồ đề tâm. Bồ đề tâm lại dẫn đến Phật quả. Tứ vô lượng tâm là các nhân thực sự để trưởng dưỡng Bồ đề tâm. Nếu chúng ta trưởng dưỡng Từ vô lượng tâm thì ba vô lượng tâm còn lại sẽ dễ dàng xuất hiện trong tâm chúng ta. Việc trưởng dưỡng Tứ vô lượng tâm chính là sự khác biệt giữa việc sống một cuộc sống thiện lành để hưởng phúc báo hữu hạn với việc trưởng dưỡng tâm linh hướng tới giác ngộ bằng tu tập Bồ đề tâm.

Trong thiền về vô lượng chúng sinh mẹ chưa được an vui và giác ngộ, chúng ta cần phát nguyện: “Nguyện khắp thảy chúng sinh mẹ đắc nhân an lạc. Nguyện khắp thảy chúng sinh mẹ cuối cùng đạt được toàn giác là hạnh phúc tuyệt đối. Nguyện con dành trọn đời dẫn dắt chúng sinh đến an vui giác ngộ. Nguyện con đạt giác ngộ để có thể đem lại an vui, giác ngộ cho khắp thảy chúng sinh mẹ nhờ năng lực giác ngộ của con”. Sau khi phát tâm nguyện như vậy chúng ta cần đưa tâm nguyện đó vào thực hành tâm linh và phụng sự chúng sinh đúng theo thệ nguyện.

Vì vậy việc thực hành tinh túy Quan Âm – Tâm từ bi – là thực hành trọn vẹn Bồ đề tâm tương đối và tuyệt đối. Tâm từ bi tương đối chính là thực hành Bồ đề tâm hạnh và Bồ đề tâm nguyện. Tâm từ bi tuyệt đối, hay gọi cách khác là sự giác ngộ hay trí tuệ toàn tri, chính là tự tính tâm Phật, là Bồ đề tâm tuyệt đối. Với việc thực hành tâm Đại bi chúng ta sẽ đi trọn vẹn con đường hạnh phúc giác ngộ cho bản thân và mọi chúng sinh hữu tình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *