Theo truyền thuyết nhà Phật: Ưu Đàm là loài hoa tiên giới 3.000 năm mới nở một lần. Khi hoa nở cũng là lúc Pháp Luân Thánh Vương (tức Kim Luân Vương, xưng là Di Lặc) xuất hiện ở nhân gian. Loài hoa mọc giữa chốn hư không, màu trắng thanh bạch, không nhiễm chút bụi trần, được tôn là Hoa của Phật, mang tới điềm lành may mắn.
Hoa thiêng xuất hiện trên đỉnh U Bò
Quần thể Đền Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) dịp rằm tháng Tư (âm lịch) vừa qua thu hút rất đông du khách bởi sự kiện đặc biệt: Hoa Ưu Đàm huyền thoại trong kinh Phật bỗng nở trên đại hồng chung (chuông) của chùa.
Chùa Minh Đức ngự chót vót trên đỉnh núi U Bò, tương truyền đây là nơi xưa kia Hưng Đạo Vương đã đứng chỉ huy trận thủy chiến chống quân Nguyên – Mông. Đứng trên núi U Bò có thể ngắm nhìn toàn cảnh sông Bạch Đằng mênh mang với nhiều huyền thoại.
Ông Lương Văn Thắng, thủ hộ chùa Minh Đức cho biết: Những người đầu tiên phát hiện hoa thiêng nở trên đỉnh U Bò là nhóm thanh niên 2 nam, 2 nữ tới vãn cảnh. Họ kinh ngạc phát hiện trên đại hồng chung có mấy cụm hoa nhỏ xíu, sắc trắng muốt óng ánh như tuyết.
Ông Lương Văn Thắng cực kỳ bất ngờ vì chưa thấy loại hoa này nở ở đây bao giờ! Loài hoa kỳ lạ nở trên đại hồng chung, với 3 cụm, bông hoa bé như hạt gạo, có tơ mảnh như mạng nhện.Ngay lập tức nhóm bạn trẻ này lôi máy tính xách tay ra, tìm thông tin trên mạng, họ mừng đến run người: Loài hoa thiêng đã nở ở chùa Minh Đức.
Ngay lập tức nhóm bạn trẻ này lôi máy tính xách tay ra, tìm thông tin trên mạng, họ mừng đến run người: Loài hoa thiêng đã nở ở chùa Minh Đức.
Một đồn mười, sự kiện hy hữu, kỳ diệu này đã hấp dẫn du khách đổ về chùa ngắm hoa Ưu Đàm nở. Có những đoàn vác máy quay phim, chụp ảnh lên nghiên cứu, quan sát cả buổi, chăm chú so sánh hoa thật trên chuông và hoa trên mạng, rồi bảo: Đúng hoa Ưu Đàm rồi.
Khoảng 2 tuần sau thì hoa tự biến mất, không thấy rụng. Trên đại hồng chung tới giờ vẫn còn dấu vết nơi 3 cụm hoa đã nở. Mọi người tin chắc nơi đây không khí trong sạch, linh khí tụ về nên hoa thiêng khai nở. Ông Lương Văn Thắng cho biết: Những đóa hoa xinh xắn trông giống đám mưa bụi màu trắng nên mới đầu ông không để ý, mãi tới khi đám thanh niên nói ông mới biết đó là hoa Ưu Đàm.
Ưu Đàm hoa xuất hiện nhiều nơi trên thế giới
Gần đây hoa Ưu Đàm đã khai nở ở nhiều nơi trên thế giới. Tháng 7/1997 lần đầu tiên 24 đóa hoa Ưu Đàm Bà La mọc trước ngực tượng đồng vàng Như Lai ở một ngôi chùa Hàn Quốc. Và từ 2005 trở đi rất nhiều ngôi chùa ở Hàn Quốc đã xuất hiện hoa Ưu Đàm.
Vào tháng 5/2005, tại chùa Chính Giác – (Khánh Châu- Hàn Quốc – một trong 10 cố đô cổ kính nhất trên thế giới), một tín đồ khi quét dọn đã phát hiện thấy bên trái tượng Phật Di Lặc bằng gỗ có cụm hoa trắng khá bất thường, dùng khăn lau cũng không mất đi. Quan sát kỹ thấy giống hoa, có cả lá, thân rễ nên mới báo với hòa thượng. Mọi người cho đó chính là “Ưu Đàm Bà La hoa” mà kinh Phật ghi lại. Tiếp đó nhiều pho tượng Phật ở một số chùa tại Hàn Quốc đã có hoa Ưu Đàm khai nở. Phật tử Hàn Quốc rất mừng rỡ, cho đây là điềm lành.
Năm 2006 hoa Ưu Đàm đã nở tại nhà một học viên ở TP Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Ngày 10/8/2007, Sơn Tây Nhật báo đưa tin về hoa Ưu Đàm Bà La nở ở chùa Ngũ Đài Viên Giác. Ngày 13/6/2011 mạng tin tức Hoài An (Giang Tô) đưa tin hoa Ưu Đàm nở ở ngôi nhà cổ Ngô Thừa Ân (trên kính thủy tinh, song cửa sổ gỗ và bức phù điêu bằng gỗ dưới mái nhà), mỗi điểm có 10-20 bông hoa, búp hoa nhỏ như đầu bút, cuống hoa mảnh hơn cây kim… Loài hoa kỳ diệu này còn xuất hiện ở Đài Loan, Hong Kong, Australia, Malaysia, Singapore, Úc, Pháp, Mỹ, Thái Lan…
Tại TP Hồ Chí Minh (Việt Nam), tháng 2/2011 một nam sinh viên ĐH Bách khoa phát hiện 4 đóa hoa nhỏ li ti, trắng muốt, thân như trong suốt, mỏng manh như sợi tơ cao khoảng 7-8mm. Vì cậu đã nghe truyền miệng và xem ảnh về hoa Ưu Đàm nên đã nhờ người ghi lại hình ảnh những bông hoa này, đó là những bông hoa có cánh, có cả nụ hoa. Và bây giờ hoa Ưu Đàm nở ở Đền Tràng Kênh (Hải Phòng).
Thông điệp huyền thoại
Kinh “Pháp Hoa Văn Cú”, quyển 4 có chép: “Ưu Đàm hoa, có nghĩa là may mắn linh thiêng. Ba nghìn năm mới nở một lần, khi nở là Kim Luân Vương xuất hiện”. Kinh “Huệ Lâm Âm Nghĩa” viết: “Ưu Đàm hoa – Phạn ngữ là Ô Đàm Bạt La – nghĩa là điềm lành linh dị. Đây là Thiên hoa, thế gian không có loại hoa này. Nếu Như Lai giáng sinh, Kim Luân Vương xuất hiện ở thế gian, thì nhờ đại phúc đức của ngài mà xuất hiện loài hoa này”. Trong bài viết “Tìm duyên Thánh hoa”, Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Đến khi có một loại hoa gọi là Ưu Đàm Bà La nở rộ khắp nơi, thì là báo hiệu (Pháp Luân) Thánh Vương đã tới”…
Theo kinh điển Phật giáo, Ưu Đàm là một loại cây thiêng (linh thọ), thường được làm ảnh dụ cho sự kiện xuất thế của Đức Thế tôn trong văn học Phật giáo.
Phật Thích Ca Mâu Ni xưa đã có dự ngôn nói với con người về thiên cơ rằng: Hoa phật Ưu Đàm nhất định sẽ khai nở khi đức Chuyển Luân Thánh Vương truyền Pháp độ nhân tại thế gian. Đức Chuyển Luân Thánh Vương là vị Phật có 32 đặc điểm tướng mạo (tam thập nhị tướng), 7 điều quý giá (thất bảo). Ngài trị vì thế giới bằng cách xoay chuyển Pháp Luân để chỉnh lại pháp dựa trên chính nghĩa thay vì vũ lực.
Ưu Đàm (Phạn ngữ là Udumbara, phiên âm là Ưu Đàm ba la, Ô đàm bát la, Uất đàm…), còn có tên là Ưu Đàm bát hoa, Đàm hoa (dịch nghĩa là Linh thụy hoa, Thụy ứng hoa…).
Hoa Ưu Đàm thường được làm ảnh dụ cho sự kiện xuất thế hy hữu của Đức Thế tôn trong văn học và kinh điển Phật giáo. Theo đó, khi loài hoa tiên cảnh này khai nở ở chốn nhân gian là mang điềm lành báo trước vị tôn Phật sẽ tới truyền pháp, giáo hóa chúng sinh. Hoa nở rất bé, trắng muốt ánh tuyết, thân nhỏ như mưa bụi, thanh mảnh nhưng không đâu là không thể khai nở và rất dẻo dai, dễ đàn hồi… Hoa Ưu Đàm thường mọc giữa không trung thành cụm, rễ liên thông và sàn sàn khoảng 8-9mm. Bông hoa hình chuông, có 2 cánh. Khi cánh hoa mở ra, nhụy hoa tỏa hương thoang thoảng. Có nghi ngờ hoa Ưu Đàm huyền thoại có kích thước, hình dáng hơi giống trứng một loại côn trùng. Nhưng nghi ngờ đã bị xóa bởi quan sát dưới kính hiển vi thấy rõ các cánh hoa, nhụy hoa. Sau một thời gian các bông hoa Ưu Đàm vẫn giữ được màu trắng tinh khiết tới khi biến mất.
Hà Dương