Tổng hợp

Ngàn năm vô lượng – một giai phẩm hướng về “Bồ đề tâm”

Tác phẩm âm nhạc phảng phất màu thiền định tuệ như “Ngàn năm vô lượng”, theo tôi, đó là nhờ đủ duyên, cả tinh thần Đạo Phật và cả ngoài đời. Đó là sự gặp gỡ giữa nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm và nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Đình Nghĩ trong tâm thức diễn tiến.

Không như những tác phẩm âm nhạc thường thấy khác, trước hết, có thể được ghi “nhịp vừa, trẻ trung, yêu đời”, hay “chậm, sâu lắng”…, “Ngàn năm vô lượng” được ghi “Ngọc ngà – kính dâng”. Đó là ý niệm ngưỡng vọng của một “tâm sạch”, nhất tâm đảnh lễ và trân quý nhất. Trước đây nhạc sĩ Đình Nghĩ thường viết theo Pop rock hay dân gian đương đại, nhưng ở tác phẩm “Ngàn năm vô lượng” anh nghiêng về tiết điệu Boston, âm hưởng nhẹ nhàng, chậm rãi, lắng, một chuyển động độc đáo riêng biệt…

Về ca từ, cũng như nhiều sáng tác trước đây, nhạc sĩ Đình Nghĩ rất công phu chọn lọc trong ngữ dụng. Với tác phẩm âm nhạc này, đầu đề “Ngàn năm vô lượng” phái sinh từ đầu đề bài thơ của Nguyễn Thanh Đạm: “Quay về vô lượng”. “Vô lượng tâm” là trạng thức của người tu theo Đức Phật, là “tứ vô lượng tâm”: từ, bi, hỷ, xả; bốn đức tính liên quan nhau và tiềm tàng trong mỗi người. Hiểu một cách gọn nhất, “tâm từ” (Metta) là lòng thành thật mong cho tất cả chúng sinh có cuộc sống an lành hạnh phúc; “tâm bi” (Karuta) là buồn thương cùng người khác để giúp đỡ; “tâm hỉ” (Mudita) là vui do cái vui của người khác và “tâm xả” (Upekkha) là hòa vào vạn vật, chúng sinh và không chao động vì riêng mình. Trong tác phẩm âm nhạc, “vô lượng tâm” được quán chiếu xuyên suốt, một thành tựu kết hợp giữa nhà thơ và nhạc sĩ, giữa ca từ và khí nhạc. Tôi cảm nhận, đó vừa là trân quý, vừa là gửi gắm, mong muốn của tác phẩm, từ một nhu cầu tự thân đến những ai cùng công phu đồng điệu. “Ngàn năm vô lượng” là Bồ đề tâm (Bodhicitta) – “tâm giác ngộ”, lấy tình thương và từ bi làm căn bản. Dĩ nhiên, không phải là “tâm bồ đề tuyệt đối” của các bậc Thánh đã giác ngộ, mà là “bồ đề tâm tương đối” – ước muốn đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Và cũng chưa phải là “bồ đề tâm hành động”, mà đang là “bồ đề tâm khát vọng” – mong muốn theo đuổi con đường Bồ tát, là cảm giác, động lực sâu sắc để thấm nhuần thực tiễn. Vậy cũng đã là trân quý lắm! 

Ta có thể thấy rất nhiều từ ngữ gần với Phật pháp trong “Ngàn năm vô lượng”. Trước hết, từ hai bài thơ của Nguyễn Thanh Đạm, tác phẩm “Quay về vô lượng” và “Áo nâu sồng ấm nghĩa tình”. Đó là những từ như: “chân tu”, “tham sân si”, “vô thường”, “tâm bồ đề”, “nam mô a di đà”, “cửa thiền”, “tâm thành chính quả”, “thiện tâm”, và nhiều ý tứ khác… Khi đã tri âm, nhạc sĩ Đình Nghĩ càng phát lộ tài năng sáng tác, vốn tiềm tàng về dòng trữ tình và uyên bác. Anh sử dụng những từ, ý của Thanh Đạm, và kiếm tìm nhiều từ, ý khác để cùng hướng đến những chân giá trị của Phật pháp theo đặc điểm của âm nhạc. Nào “tâm kinh”, “vô thường”, “vô lượng”, “biền biệt tham sân si”, “cửa thiền giác ngộ”, “sắc sắc không không”, “nương bờ thánh hiền”, “nhiệm mầu Như Lai”; nào “chánh quả”, “trí huệ”, “nương”, “rũ”, “buông”,… Tôi tâm đắc với chủ tâm dụng ý của tác giả Đình Nghĩ khi anh sử dụng điệp ngữ “Còn lại chiêm bao” ở đoạn cuối và kết tác phẩm bằng hai kiệm ngữ tối đa có thể: “Rêu phai hóa kiếp/ Kiếp con người”. Kết vừa đủ hay, đủ “tỉnh giác”. Gần gũi với bài thơ “Mộng” nổi tiếng của Thiền sư, lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vị giáo phẩm chủ trương khôi phục thiền Trúc Lâm Yên Tử, sáng tác vào tháng 7/1980: “Gá thân mộng/ Dạo cảnh mộng/ Mộng tan rồi/ Cười vỡ mộng/ Ghi lời mộng/ Nhắn khách mộng/ Biết được mộng/ Tỉnh cơn mộng”. Thiền sư sách tấn trước tăng ni Phật tử: “Cuộc đời là ảo mộng, đã là ảo mộng thì còn gì quan trọng nữa để lôi cuốn chúng ta chìm trong mê muội. Điều thiết yếu chúng ta phải khắc tỉnh, mạnh dạn vượt qua ảo mộng (…). Chúng ta chỉ cần thức tỉnh thân này tạm gá mượn, lấy đó làm bè qua sông, đừng nghĩ nó là thật, cứ lo bồi bổ tô điểm đủ thứ mà chìm đắm, không qua sông được”.

Tác phẩm “Ngàn năm vô lượng” dĩ nhiên và quan trọng đạt được viên mãn phải nhờ đến tính nhạc. Tác phẩm viết theo thể Ti (Si) thứ, mở đầu là nhịp đơn phách 3/4. Cao độ giáng nửa cung, tạo tiết điệu nhẹ xuống; trường độ không nhiều biến hóa, giọng nhạc chậm vừa phải, hướng đến chữ “thường” trong nhà Thiền (tâm bình thường là Đạo). Ở một vài chỗ, tác giả tăng thêm 1/2 giá trị của trường độ nốt, nương nhẹ từng nốt và đặc biệt là những dấu lặng, tạo âm giai của tĩnh giác chốn thiền định. Màu sắc âm thanh không hồ hởi nhưng an lạc, không tối mà cũng chẳng chói. Đó là công phu trong sáng tạo. Đó là giác ngộ-bồ đề tâm (Bodhicitta).

Vẫn là giọng nhạc tình ca của một Đình Nghĩ đậm màu ngũ cung, gần gũi và thân thiết của tình yêu thương rộng lớn; vẫn là hơi thở của đại ngàn Tây Nguyên, nhưng tác phẩm “Ngàn năm vô lượng” là sự chuyển hóa, dấn thân hơn để đến gần với thiền, định, tuệ. Ngay vào bài, phần phối khí rất chủ tâm: tiếng mõ, tiếng chuông và cả hình tướng của câu niệm, gieo duyên, người nghe nhẹ buông bỏ cõi ta bà. Không là Phật tử, “Ngàn năm vô lượng” neo, nương vào phật pháp. Là kết hợp nhuần nhị giữa tiết điệu rất phương Tây lồng vào âm nhạc dân gian, không cụ thể, mà là mênh mang, tỉnh thức con người được sự nhỏ bé và vô thường. Cũng là con người hướng đến “chân thiện mĩ” đấy thôi, cũng là con người chân chất, hồn hậu đấy thôi, nhưng khác ở chỗ tâm thức trải lòng. Miền an lạc được cộng hưởng giữa hai tác giả và công chúng, đó là thành công mới và đặc sắc của tác phẩm âm nhạc “Ngàn năm vô lượng”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *