Tổng hợp

Tại sao chúng ta phải phát bồ đề tâm? và cách phát Bồ Đề tâm

Hôm nay hội đủ duyên lành, lichvannien365 chúng tôi sẽ chia sẻ với quý vị về những điều mà Đức Phật đã chỉ dạy, nhằm giảm bớt những nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời và tiến đến con đường hạnh phúc, giác ngộ giải thoát

1. Dẫn nhập

Hôm nay hội đủ duyên lành, lichvannien365 chúng tôi sẽ chia sẻ với quý vị về những điều mà Đức Phật đã chỉ dạy, nhằm giảm bớt những nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời và tiến đến con đường hạnh phúc, giác ngộ giải thoát.

Trước khi đi vào đề tài chính, tôi xin hỏi quý vị một điều: Một số quý vị đi chùa, gặp người bạn cũng đi chùa rủ cùng phát bồ đề tâm làm việc bố thí, cúng dường. Vậy Phát Bồ đề tâm là gì? Có phải là bố thí, cúng dường hay làm các việc thiện pháp không? Cái đó chỉ đúng một phần thôi. Phát Bồ đề tâm ở đây là thấy những nỗi khổ của chúng sanh (khổ về tâm chứ không phải khổ về thân), chúng ta muốn cứu giúp cho họ hết khổ. Nhưng nếu chúng ta còn là phàm phu, là chúng sanh như họ thì không cứu được, mà muốn chữa được tâm bệnh của chúng sanh, chúng ta phải có năng lực lớn. Muốn có năng lực này, chúng ta phải phát bồ đề tâm tu thành Phật để độ cho họ.

2. Tại sao chúng ta phải phát Bồ đề tâm

Nếu quý Phật tử bố thí, cúng dường, tạo các thiện pháp, tu tập mà chưa phát Bồ đề tâm thì Phật nói người này tạo nghiệp của ma. Bởi vì quý vị bố thí, cúng dường thì có phước, mai này sanh vào gia đình giàu có, sung sướng, đầy đủ, mà không phát Bồ đề tâm thì mình hưởng thụ, hưởng thụ rồi đi xuống. Hoặc quý vị thấy có những người cuộc sống rất đầy đủ, tự nhiên bỏ hết tất cả, dấn thân vào con đường này, chính là nhờ hạt giống Bồ đề tâm thúc đẩy. Vậy, muốn phát Bồ đề tâm phải như thế nào?

Trong Thiền thoại có kể: Có ông cư sĩ xem Khuyến phát Bồ đề tâm, đến câu “Kim Cang chưa phải là cứng, chỉ có nguyện lực phát Bồ đề tâm mới là cứng, mới là chắc”.

Quý vị thấy kim cương rất cứng, nhưng cũng bị vô thường chi phối. Nhưng nguyện lực của Bồ đề tâm, dù cho bị sóng thần, lũ lụt hay những biến thiên của cuộc đời tác động thì cũng không mất.

Ông nghe như thế nên đến hỏi Thiền sư Vô Tướng: “Trên đường học Phật pháp giác ngộ, khó tránh khỏi những nghiệp ma, cơ duyên lười biếng của con người”. Nghiệp ma là nghiệp gì? Quý vị thấy một ly nước bẩn có uống được không. Cũng thế, từ nhiều đời quá khứ, chúng ta đã vay nợ rất là nhiều, bây giờ chúng ta tu mà không muốn có những nghịch duyên đến với mình là chúng ta muốn trốn nợ. Chúng ta muốn thành tựu con đường đến bậc hiền, bậc thánh thì trên bước đường công phu, chúng ta sẽ gặp. Chúng ta đi tu là đi con đường ngược dòng, chỉ cần khéo một chút thôi. Chẳng hạn như, có một người thứ nhất muốn đi ra biển, họ chỉ cần nổ máy là chiếc thuyền liền đi ra biển, còn mình cũng lên thuyền, cũng nổ máy mà chiếc thuyền không đi thẳng, cứ chạy vòng vòng quanh bờ. Nếu là người có thông minh, có trí tuệ thì biết là phía dưới bánh lái bị cỏ, rong rêu bám vào, phải gỡ cho hết thì chiếc thuyền mới chạy. Trên đường học Phật giác ngộ, chúng ta gặp rất nhiều nghiệp chướng. Ai phát tâm đi tu cũng đều mong muốn tu cho đến ngày thành Phật, nhưng tại sao có những người giữa đường ra, không muốn tu nữa, đó là bị nghiệp ma khảo. Chúng ta thấy mỗi người có một nghiệp riêng, có người không thèm ăn nhưng thèm ngủ, có người không thèm ngủ nhưng thèm coi phim, có người thích danh, thích lợi, có những người gặp sắc thì dính. Giống như khi chúng ta bơm một quả bong bóng, khi bong bóng căng thì có những lỗ mọt làm xì ra. Chúng ta lúc dồn sức công phu tu thì những tập khí mà chúng ta huân tập từ nhiều đời xì ra. Nếu chúng ta khéo mà chuyển thì thành tựu, còn không khéo, không chuyển được thì bị chạy theo nghiệp. Nghiệp ma chính là tâm mình. Đáng ra, vào ngày này, giờ này, mình phải trả một nghiệp rất xấu mà mình đã tạo trong quá khứ, nhưng vào lúc đó nếu đang ngồi thiền, nghe pháp thì có phải trả nghiệp không? Có, nhưng nhờ chúng ta tu nên chuyển được nghiệp. Chẳng hạn, anh này vào ngày này, tháng này, không có tạo những nghiệp đó nên nghe pháp tới đâu là thấm tới đó, nghe tới đâu là tuệ giác khai mở đến đó. Còn ngày này, tháng này chúng ta đến đây nghe pháp mà tâm bồn chồn, bứt rứt như ngồi trên đống lửa thì đó là trả nghiệp, nhưng chuyển từ nghiệp nặng thành nghiệp nhẹ. Khi nghiệp chướng đến, đáng ra chúng ta phải bị khảo, có khi khảo cho đến chết nhưng nhờ sám hối, ngồi thiền, thấy được từng tâm niệm của mình nên chúng ta chuyển. Như vậy là nhờ hạt giống Bồ đề đã gieo từ vô lượng kiếp mà giữ chúng ta sống còn trong con đường giác ngộ.

Trong mười hai nhân duyên, sợ nhất là ái, ái cha, ái mẹ, ái sắc, ái đủ thứ hết, khi nào ngồi yên lặng, nhất là nhập thất thấy rõ nghiệp trổ ra. Lúc đó, phải thành tâm sám hối, chuyên đi sâu vào con đường thiền định. Nếu như lúc đó ở ngoài, có cảnh thì quý vị sẽ dễ phạm. Sở dĩ chúng ta có duyên nhập thất, đó là phúc duyên mình tốt, thù thắng, được gần Thầy lành, bạn tốt. Cho nên chúng ta phải phát nguyện gặp được Thầy sáng, dạy đúng con đường Chánh pháp thì cái nợ này chúng ta mới gỡ ra được. Tu tức là chuyển nghiệp.

Ngài dạy tiếp: “Có khi thối thất tâm Bồ đề, phải nhờ nguyện lực chống đỡ, thúc giục. Cho nên các bậc cao tăng nhiều đời, đạo nghiệp của các Ngài thành tựu là nhờ thệ nguyện không thối chuyển”.
Có những lúc bị thối thất tâm Bồ đề, không muốn tu nữa. Lúc đó mà bỏ ra thất là thua liền. Chẳng hạn như mình đang ngồi đây mà tâm mình rạo rực, trạo cử, bất an, chỉ cần quý vị bỏ đi không nghe pháp, không ngồi thiền nữa thì ra ngoài có khi gặp chuyện. Cho nên phải phát nguyện dũng mãnh: Dầu cho bất cứ giá nào mình cũng phải đi hết con đường này, chứ không có niệm thứ hai.

Bồ Tát Sĩ Đạt Đa thành tựu cũng nhờ nguyện lực: Nếu không thành tựu đạo giác ngộ thì dù thịt nát xương tan cũng không rời khỏi cội bồ đề.

Ngay cả chúng tôi, giờ này vẫn còn mặc được áo cà sa này đều nhờ nguyện lực. Nếu trên bước đường công phu, nếu chúng ta không phát nguyện lực thì tu một thời gian gặp chuyện này chuyện nọ là mình bỏ. Còn nhờ phát nguyện, tâm Bồ đề giữ mình lại, giúp mình vượt qua cái khổ. Rồi nương đại nguyện đó để tu thì mới không bị rớt, vì bây giờ cảnh rất là nhiều, ra đường liền gặp cảnh.

Ngài dạy tiếp: “Như mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, mười hai đại nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, bốn mươi tám đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, bi nguyện địa ngục chưa trống thề không thành Phật của Bồ Tát Địa Tạng, không một vị nào không phải là tấm gương cho người học Phật”.
Như Ngài Ngưỡng Sơn khi bị cha mẹ bắt về hoàn tục liền chặt đứt hai ngón tay, Thánh Ghandi ở Ấn Độ bỏ hẳn viên than lửa vào lòng bàn tay thề không nói dối. Chúng ta thấy người đời còn làm được như vậy thì người tu còn phải hơn thế, kể cả Quý Phật tử. Chúng ta phải phát nguyện lớn: “Đời đời kiếp kiếp đi đúng theo con đường Chánh pháp của Phật, không có một niệm thứ hai”.

Cư sĩ nghe xong chưa hiểu nên hỏi: “Tại sao muốn thành Phật phải lập chí nguyện rộng phát Bồ đề tâm, kế là độ chúng sanh?”

Thiền sư Vô Tướng đáp: “Như một cội cây, chúng sanh giống như rễ của cây, Bồ Tát giống như hoa của cây, Phật là quả của cây. Nếu muốn cây nở hoa, kết quả thì phải siêng năng tưới nước gốc cây, chăm sóc chu đáo, nếu không gốc cây sẽ bị tổn hại. Cây khô héo thì làm sao nở hoa, trổ quả được”.
Cho nên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Muốn làm chư Phật, long tượng, trước phải làm trâu ngựa cho chúng sanh cưỡi”. Tức là phải nhẫn, phải chịu đựng, mà muốn làm được như thế phải có nguyện lực, phải có Bồ đề tâm.

Cư sĩ nghe xong, mới hiểu được nguyện lực là trọng yếu.

Ông hỏi tiếp: “Thưa Thầy, nguyện lực của Thầy là thế nào?”

Thiền sư Vô Tướng nói: “Nguyện lực của ta không thể nói cho ông, sao ông không phát nguyện lực của ông đi?”

Cư sĩ nghe xong, liền đại ngộ.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Muốn thấy tất cả chư Phật trong mười phương, muốn bố thí kho tàng công đức vô tận, trừ khổ não cho chúng sanh thì phải nhanh chóng phát Bồ đề tâm”. Trên bước đường tu, mình luôn luôn gặp những nghịch duyên, những hoàn cảnh trắc trở mà chỉ cần phát Bồ đề tâm, tự nhiên phiền não vơi bớt và hết. Bởi vì trong lúc phát Bồ đề tâm, cảnh giới này chỉ có Bồ Tát hàng Thập địa mới thấy được, mà trong mỗi con người chúng sanh đều có Phật tánh, trong lúc phát khởi đại nguyện Bồ đề tâm, hạt giống này rung động, đánh bạt bao nhiêu hạt giống phiền não. Bởi thệ nguyện quá sâu nên những khổ đau, phiền não đều có thể vượt qua hết. Nhờ Bồ đề tâm, chúng ta luôn thu thúc sáu căn, tỉnh giác trong mọi hành động.

Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ dạy: “Tâm Bồ Đề giống như hạt giống, có thể làm tăng trưởng pháp bạch tịnh cho chúng sanh. Tâm Bồ Đề giống như mặt đất vì có thể giữ gìn tất cả thế gian. Tâm Bồ Đề giống như nước trong vì có thể rửa sạch tất cả sự nhơ bẩn của phiền não. Tâm Bồ Đề giống như ngọn lửa lớn vì có thể tiêu đốt tất cả củi kiến chấp”.

Có người thấy người nào có chút thần thông liền tin tưởng, đi theo, nhưng đó là thần thông sanh diệt. Có những nhà ngoại cảm có khả năng tìm mộ rất giỏi, nhưng nếu trong cuộc đời chưa từng nhìn lại tâm mình mà chỉ đi tìm những tướng sanh diệt bên ngoài thì cũng uổng một kiếp người. Vậy thần thông của nhà Thiền là gì? Là vào sắc, thanh, hương, vị, … không dính mắc, vô nhiễm. Tu một thời gian, khi đã gạn lọc được những ô nhiễm, phiền não, tự khắc quý vị biết mình là ai.

3. Làm thế nào để phát bồ đề tâm

Chúng ta biết con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát là đi từ mê đến giác. Muốn phát khởi được Bồ đề tâm, quý vị phải luôn quán chiếu thứ nhất là mình có phúc duyên may mắn được làm thân người, sáu căn đầy đủ, duyên may thứ hai là chúng ta biết được chánh pháp mà Đức Phật chỉ dạy. Quán chiếu sâu sắc như thế thì tâm bồ đề của chúng ta phát khởi.

Vua Trần Thái Tông dạy: “Trong lục đạo, chỉ có người là quý, đến khi nhắm mắt đi rồi mờ mờ mịt mịt chẳng biết chỗ đến, hoặc vào đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, chẳng được làm người. Đây là cái khó thứ nhất”.

Cho nên chúng ta phải thấy rằng mình có phúc duyên may mắn được làm thân người để tu, còn nếu sanh vào ba đường ác, khổ quá cũng không tu được.

Trong Thiền môn cảnh tỉnh truyện có ghi: Có một vị thánh tăng ở núi Kế Tân, dù có thể tọa thiền nhập định rất lâu nhưng Ngài thường phát tâm xuống bếp nấu cơm cho đại chúng. Một hôm, có hai vị Tăng từ xa nghe tiếng tăm của Ngài nên muốn đến gặp, thấy một vị Tăng đang chụm lửa đốt lò ở hang dưới. Hai vị khách tăng hỏi thăm về vị thánh tăng, Ngài chỉ lên hang thứ ba ở phía trên. Họ liền đi lên tìm. Ngài dùng thần thông bay trở về chỗ phòng mình. Hai vị tăng vừa vào gặp thấy đúng là người vừa nãy ở dưới bếp chụm lò nấu cơm, ngạc nhiên liền hỏi tại sao Ngài đã nổi tiếng mà vẫn còn phải tự mình làm bếp nấu cơm như vậy? Ngài nói nếu chặt cả tay chân làm củi nấu cơm cho đại chúng ăn Ngài cũng làm, vì Ngài nhớ lại 500 kiếp về trước đều làm thân chó thường bị đói khát, khổ sở, chỉ có hai lần được no đủ nhưng đều bị mất thân mạng. Lần thứ nhất là có người uống rượu say, ói mửa ra, con chó ăn xong bị bệnh chết. Lần thứ hai làm chó trong một gia đình hai vợ chồng nghèo, một hôm hai vợ chồng nấu cháo để trong nồi rồi đi ra ngoài, con chó vì đói quá nên chui đầu vào trong nồi, ăn no nhưng sau đó không rút đầu ra được. Ông chồng về tức giận lấy dao chém đứt đầu. Cho nên Ngài quán chiếu lại các kiếp trước của mình đã từng phải làm súc sanh, chịu khổ vô cùng nên giờ được làm người, được tu tập chứng quả nên xả bỏ thân này ngàn vạn lần cho chúng sanh Ngài cũng không tiếc.

Bây giờ chúng ta chưa được như Ngài, nhưng chúng ta nương câu chuyện này để biết rằng biết đâu trong thời quá khứ, chúng ta đã từng làm bò, làm heo, làm chó. Do một túc duyên may mắn nào đó mà hiện nay được làm thân người, cho nên chúng ta phải tranh thủ phát khởi tâm bồ đề, làm các thiện pháp, tu tập chuyển hóa nội tâm để thành Phật độ chúng sanh.

Vua Trần Thái Tông dạy tiếp: “Đã được thân người lại sanh nơi mọi rợ, tắm thì đồng sông, ngủ thì chung giường, trật tự tôn ti không có, nam nữ lẫn lộn, chẳng được phong tục nhân thuần, chẳng nghe chư Thánh giáo hóa, đây là cái khó được thứ hai”.

“Đã được sanh nơi phồn thịnh mà sáu căn không đủ, thân thể tật nguyền, mù, điếc, câm ngọng, què, thọt, còng gù, miệng mũi hôi tanh, thân hình nhơ nhớp, Thầy chẳng được gần, chúng chẳng được thân, tuy ở nơi phồn thịnh, dường thể ở ngoài quê vắng. Đây là cái khó thứ ba”.

Quý vị thử kiểm lại nơi mình, có bị mù không, có bị điếc không, có bị câm ngọng, què, gù không… nếu không thì đó là duyên may của quý vị.

Trong Nghệ thuật sống có kể một người thanh niên làm ăn thua lỗ, tuyệt vọng muốn tự tử chết. Trên đường đi ngang một khúc sông, anh gặp một ông cụ già thấy anh bộ dạng thất thểu nên hỏi thăm. Ông cụ sau khi nghe xong câu chuyện của anh, nói: “Nếu anh có can đảm thì bán cho tôi cặp mắt của anh ra, tôi sẽ trả anh 1 triệu đô la”. Anh này suy nghĩ một triệu đô la thì rất nhiều, có thể giúp anh lúc đang khó khăn này nhưng nếu không có cặp mắt thì làm được gì, cho nên không bán. Ông già lại tiếp tục đề nghị anh bán hai cánh tay với giá 2 triệu đô la, anh này nghĩ có hai triệu đô la mà không có tay cũng chẳng làm được gì nên không bán. Ông già tiếp tục đề nghị mua hai chân của anh với giá 4 triệu đô la, anh nghĩ số tiền đó rất nhiều nhưng nếu không có chân để đi lại thì cũng khó khăn nên cũng không đồng ý bán. Lúc này, ông già hỏi anh thanh niên trong con người mình có bao nhiêu tiền và anh kêu nghèo là nghèo chỗ nào? Nghe xong, anh thanh niên sực tỉnh, không tìm tới cái chết nữa.

Chúng ta có cặp mắt thấy hết tất cả thiện, ác, thiện chúng ta làm, ác chúng ta tránh, rồi mình còn có may mắn được nhìn thấy hình ảnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, đã chỉ ra con đường hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh. Rồi chúng ta có hai bàn tay để làm các việc thiện pháp. Cho nên đôi khi chúng ta thấy những đau khổ dồn dập đến với mình, nhưng thực ra trên cuộc đời này còn có rất nhiều chúng sanh phải chịu đau khổ gấp trăm, gấp ngàn lần mình. Quán tưởng sâu sắc như vậy thì mình không còn khổ nữa, mà còn thấy mình may mắn vì đã được làm người, biết đến Chánh pháp và lợi ích của việc phát bồ đề tâm, để mình sống một ngày có giá trị của một ngày, sống một tháng có giá trị của một tháng.

Khi làm các thiện pháp như bố thí, cúng dường…, chúng ta không mong cầu phước báo trời, người mà phải phát nguyện lực lớn là nhờ việc bố thí, cúng dường… ngày hôm nay làm trợ duyên để thành tựu quả vị tối thượng, quả vị Phật. Đó là phát bồ đề tâm chân chính.

“Nay đã làm thân người, được sanh nơi phồn thịnh, lại đầy đủ sáu căn đâu chẳng là quý sao? Người đời luôn đuổi theo con đường danh lợi, luống nhọc xác tổn thần, đem thân mạng quý báu này làm tôi tớ cho tiền của đáng khinh”.

Có những người làm ăn bất chính, kiếm tiền một cách phi pháp rồi sau đó mang tiền đi bố thí, cúng dường, quý vị nghĩ họ có phước không, có chuộc lại tội họ đã làm không? Cũng có phước, nhưng mai này tái sanh vào loài thú, và vì có phước nên cũng được ăn sung mặc sướng, hưởng mọi thứ đầy đủ nhưng mang thân thú, không có cơ hội tu tập.

Chúng ta không có nhiều tiền cũng được, nhưng biết ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, sám hối rồi hồi hướng cho chúng sanh cũng đủ, đâu cần mình phải làm việc này, việc nọ làm nhọc xác tổn thần, rồi tạo bao nghiệp xấu để tự mình gánh chịu.

“Sánh với người ăn bánh quên vợ, ngậm cơm quên môi nào có khác gì. Tuy thân mạng thật là quí trọng, vẫn chưa quí trọng bằng đạo tối cao. Cho nên Khổng Tử nói: “Sớm nghe đạo chiều chết cũng vui. Lão Tử nói: “Tôi sở dĩ có hoạn lớn, vì tôi có thân.” Thế Tôn thuở xưa cầu đạo xả thân cứu cọp đói. Đâu chẳng phải ba bậc Thánh nhân đều khinh thân mà trọng Đạo đó sao? Than ôi! Thân mạng thật là quí trọng còn phải xả để cầu Vô thượng Bồ-đề, huống là vàng ngọc, tiền của đáng khinh mà lại tiếc sao?”

“Đã nghe lời này, cần phải gắng học, chớ nên nghi ngờ chậm trễ. Kinh nói: “một phen mất thân người, muôn kiếp chẳng được lại”, thật là thống thiết. Cho nên Khổng Tử nói: “Người không chịu làm, tôi chẳng làm gì, cam đành thôi vậy.”

Một khi mất thân người rất khó được trở lại, giống như rùa mù gặp bọng cây. Quán chiếu như vậy để chúng ta phát bồ đề tâm, làm các thiện pháp và cố gắng tu tập để chuyển hóa nội tâm.

Trong Thiền môn cảnh tỉnh truyện có ghi, có một vị thánh tăng ở Tây quốc tên là Xà dạ đa, một hôm Ngài dắt đồ chúng vào trong thành. Khi đến cửa thành, ngài bỗng buồn, không được vui. Giây lát đi tới trước, trên đường gặp một con quạ, bỗng dưng ngài mỉm cười. Đệ tử lấy làm lạ thưa hỏi, nhân đó Ngài thuật lại chuyện để nói nguyên do: Ban đầu ở dưới cửa thành ngài thấy một con ngạ quỷ con đói quá mệt lả, nó đợi mẹ vào thành kiếm thức ăn đến nay đã 500 năm rồi, bụng đói trống trơn rất khốn khổ, mạng chẳng còn bao lâu. Đến khi vào thành Ngài gặp quỷ mẹ. Quỷ mẹ nói: “Tôi từ biệt vào thành đã lâu để tìm thức ăn mà chẳng được, khi được chút ít đồ khạc nhổ thì bị các con quỷ mạnh cướp đi. Mới ngày hôm nay gặp một người ói mửa mà không có con quỷ nào khác, tôi định muốn đem về cho con, nhưng ở dưới cửa thành lại có nhiều quỷ thần, sợ bị giành đoạt mất nên chẳng dám mang ra. Nguyện Tôn giả từ bi ngầm đem tôi ra khỏi thành để mang những đồ người ói ra cho con cùng ăn”. Ngài lại hỏi rằng: “Từ khi sanh đến nay được bao lâu rồi?”. Quỷ mẹ đáp: “Tôi thấy thành này bảy lần thành rồi lại hoại”. Ngài nghe nó nói rất đau buồn cho việc sanh tử không có bờ mé do đó lộ vẻ buồn bã chẳng vui.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Làm tất cả các thiện pháp mà quên mất tâm bồ đề đều là hành động của ma”. Chẳng hạn như bố thí, cúng dường, làm các thiện pháp mà quên mất bồ đề tâm thì đó là ma sự chứ không phải Phật sự, vì trong các việc đó có ngã, có nhân, có chủ có khách, có hơn có thua, làm đến đâu chấp đến đó. Trên tinh thần nhân quả, làm các việc thiện đó cũng có phước, nhưng là phước hữu lậu, phước sanh diệt. Còn làm với tâm bồ đề là làm tất cả các thiện pháp mà tâm không có trụ, không chấp trước.

Mời các bạn xem thêm chuyên mục Lịch Âm Dương và Xem Ngày Tốt Xấu

Tác giả: Thanh Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *