Sách An Lạc viết: Nếu muốn phát tâm làm Phật thì tâm ấy rộng lớn trùm khắp pháp giới. Tâm ấy rốt ráo, ngang với hư không. Tâm ấy lâu xa đến cùng tận đời vị lai. Tâm ấy trọn khắp, lìa nhị thừa chướng. Nếu phát được tâm ấy thì khuynh đảo được sanh tử vô thỉ và trầm luân trong các cõi. Ðem tất cả công đức hồi hướng Bồ Ðề thì đều có thể đạt tới Phật quả, chẳng bị diệt mất”.
Ai ai cũng có thể phát tâm Bồ Đề, vì tính Bồ Đề vốn có sẵn trong tâm của tất cả chúng sanh. Không nên cho rằng căn cơ của mình cạn cợt, không có tư cách thành Phật, hay Phật đạo cao xa vời vợi chẳng thể thành tựu.
Mê thì Bồ Đề là vọng tưởng,
Ngộ thì vọng tưởng là Bồ Đề.
Hãy thâm tín pháp môn Tịnh Độ, chân thành nương tựa vào 48 đại nguyện của Phật A Di Đà, tin rằng bổn lai diện mục của mình vốn là Phật. Tin rằng dầu chúng ta là một chúng sanh hạ căn hạ liệt, đầy dẫy tội nghiệp, nhưng Phật A Di Đà đã có bi nguyện rộng sâu để tiếp độ ta. Với niềm tin chân thành sâu sắc này gọi là “Chí thành tâm và Thâm tâm”. Dùng thâm tâm này để làm điều gì? Mong cầu thành Phật. Vì mục đích muốn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới của chúng ta là để làm Phật cứu độ chúng sanh, đó là ý nghĩa của “hồi hướng phát nguyện tâm”.
Ngẫu Ích Đại Sư nói: “Tin sâu – Nguyện thiết – Cầu sanh tịnh độ” là nói đến ba thứ tâm này trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, và nó cũng đích thật là Bồ-đề tâm. Do đó phát Bồ-đề tâm cũng là phát 3 tâm này, từ nơi tâm địa của chính mình. Khi đã phát thệ rồi thì phải kiên cố duy trì. Tâm ví như gốc rễ, hành vi ví như cành lá – nếu muốn chặt bỏ một cây độc thì phải chặt tận gốc rễ, chứ tu trên hình thức chẳng khác chi tỉa lá, chặt cành, tu cho đến bao giờ mới thành tựu?
Vì vậy nếu chỉ tu nơi hành vi không cũng chẳng thể được rốt ráo; vì chưa buông xả được tiền tài, danh lợi, tình chấp gia đình, tham sân si mạn nghi và ngay cả thân mạng của mình; những thứ này đích thực là gốc rễ của phiền não, cần được chặt đứt bằng Bồ Đề tâm.
Khi tâm Bồ-đề vừa phát khởi, thì phiền não liền ngừng dứt. Đây là uy lực trọng yếu của Bồ-đề tâm, nó là chánh nhân để vãng sanh Cực lạc, và cũng là chánh nhân để thành Phật.
Tóm lại người phát được Bồ-đề tâm là người có khả năng buông bỏ hết tất cả thân tâm thế giới, một lòng “Tin sâu – Nguyện thiết – Cầu sanh tịnh độ”, không có xen tạp, kiên cố không thoái chuyển. Nếu cần phải bỏ cái thân mạng này, họ cũng sẵn sàng không chút hối tiếc. Vì sao? Vì họ có trí tuệ chân thật, biết rõ tất cả pháp tánh trong vũ trụ đều là “thành trụ hoại diệt”, họ đã tiếp nhận được “Bồ-tát giải thoát pháp môn ”, gọi là huyễn trụ.
Vì được Bồ-tát giải thoát pháp môn này nên thấy:
- Tất cả thế giới đều là huyễn trụ, do nhơn duyên mà sanh khởi.
- Tất cả chúng sanh đều là huyễn trụ do nghiệp phiền não mà sanh khởi.
- Tất cả thế gian đều là huyễn trụ, do vô minh, hữu, ái xoay vần làm duyên sanh khởi.
- Tất cả pháp đều là huyễn trụ, do những huyễn duyên ngã kiến, vân vân, sanh khởi.
- Tất cả tam thế (tam thiên đại thiên thế giới, quá hiện vị lai) đều là huyễn trụ, do những điên đảo trí ngã kiến vân vân sanh khởi.
- Tất cả chúng sanh sanh diệt, sanh lão bịnh tử ưu bi khổ não đều là huyễn trụ, do hư vọng phân biệt sanh khởi.
- Tất cả quốc độ đều huyễn trụ, do tưởng đảo, tâm đảo, kiến đảo và vô minh hiện khởi.
- Tất cả Thanh văn và Bích Chi Phật đều là huyễn trụ, do trí đoạn phân biệt mà thành.
- Tất cả Bồ-tát đều là huyễn trụ, do những hạnh nguyện hay tự điều phục và giáo hóa chúng sanh mà thành.
- Tất cả Phật Bồ-tát chúng hội biến hóa điều phục, những công hạnh đều là huyễn trụ, do nguyện trí huyễn mà thành.
Nhận biết rõ về chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh mà Kinh Kim Cang đã nói, “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng,” thì tâm không còn dính mắc, sẽ buông xuống được vạn duyên, và thành tựu chánh định “Quán pháp như hóa, tam muội thường tịch”.
Buông xả được một phần, thì nhìn thấu được một phần, cứ dần thế mà tăng trưởng Bồ-đề tâm của mình. Khi buông xả được rốt ráo rồi, thì sẽ có được mọi sự tự tại trong mọi hoàn cảnh của không gian và thời gian, sẽ là một Quán Tự Tại thực hành thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật trong tất cả các thời.
Trên lý là vậy, nhưng trên sự muốn phát được Bồ-đề tâm chẳng phải là chuyện dễ làm. Đòi hỏi cần có nhân duyên, mà nhân duyên của chúng ta thì không đồng như nhau, do đó mỗi người đều nên tùy thuận vào nhân duyên của riêng mình mà phát Bồ-đề tâm. Mặc dù duyên có khác nhau, nhưng Bồ-đề tâm đã phát thì kết quả đều giống như nhau.
Mười nhân duyên để phát Bồ-đề tâm
Thập nhất Tổ Thật Hiền, tức Tỉnh Am Đại Sư, người đời nhà Thanh, khai thị 10 nhân duyên có thể giúp cho chúng ta phát được Bồ-đề tâm:
- Niệm (nghĩ nhớ) ân đức Phật,
- Niệm ân đức cha mẹ,
- Niệm ân đức sư trưởng,
- Niệm ân đức thí chủ,
- Niệm ân đức chúng sanh,
- Niệm sanh tử khổ đau,
- Tôn trọng tánh linh của mình,
- Sám hối nghiệp chướng,
- Cầu sanh tịnh độ,
- Khiến cho chánh pháp của Phật cửu trụ thế gian.
Mười nhân duyên trên đích thực là Tịnh Nghiệp Tam Phước, mà Thế Tôn nói trong kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh Vô Lượng Thọ. Vậy tu Tịnh Nghiệp Tam Phước (hay 10 điều trên) là cách kết tạo nhân duyên để phát khởi và duy trì Bồ-đề tâm, là chánh nhân của việc vãng sanh Cực Lạc, và cũng là chánh nhân để thành Phật.
1- Niệm ân đức Phật:
Phật là bậc đáng được tôn kính, Ngài đã tự mình tu tập để giác ngộ viên mãn và có thể hướng dẫn người khác tu tập để cũng được giác ngộ như mình. Từ vô thỉ kiếp cho đến nay, nhẫn khó trong từng mỗi sát na mà không hề nhàm chán, hay ngừng nghỉ phát lòng bi mẫn bao la đối với tất cả chúng sanh. Phật luôn dùng tâm từ-bi-hỷ-xả, tâm đại bi-thanh tịnh-bình đẳng mà khuyên bảo chúng sanh lánh xa những điều tội lỗi, khuyến khích làm những điều lành. Phật là bậc thông suốt tất cả các pháp của thế gian chúng sanh, thế gian các cõi, và thế gian pháp hành, vì Trí Tuệ của đức Phật đã viên mãn cùng tột. Phật đem giáo lý cao thượng đã chứng ngộ được mong tế độ chúng sanh, đem lại sự lợi ích và sự giải thoát đến cho chư thiên, phạm thiên và loài người vượt qua sanh, lão, bịnh, tử, sầu não, thương tiếc, đau đớn, tham ái, sân hận, ngã mạn, tri kiến, tà kiến, hay các nghiệp bất thiện khác… để được giải thoát, dứt nẻo Tam giới gian nan, không còn luân hồi trong sáu nẻo.
Nên ân đức của Phật rất sâu nặng, nếu đem so sánh với ân đức của cha mẹ trong một đời thì vượt xa rất nhiều.
Vậy làm sao để có thể báo ân Phật? Chúng ta phải phát tâm Bồ-đề hộ trì hoằng truyền chánh pháp, làm cho Phật pháp tồn tại dài lâu ở thế gian, khiến cho hết thảy chúng sanh gặp được Phật pháp, thọ trì đọc tụng, y giáo phụng hành, vì người diễn nói kinh Phật. Phát lòng Tín-Nguyện-Hạnh, niệm Phật cầu sanh Cực Lạc để thành Phật mà tiếp nối sự nghiệp của Như Lai.
2- Niệm ân đức cha mẹ:
Công ơn của cha mẹ đối với chúng ta cao vời vợi như núi Thái Sơn, lòng bi mẫn lại dạt dào như nước chảy nơi đầu nguồn. Kinh Vu Lan nói, dầu cho có người vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, đi vòng núi Tu Di trăm ngàn lần cũng không đủ để trả hiếu cho cha mẹ. Nên mới thấy ân trọng này không dễ dàng báo đáp.
Vậy làm sao để có thể đền ơn báo hiếu cho cha mẹ? Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện và kinh Vu Lan Báo Hiếu dạy, phụng dưỡng cha mẹ chỉ là tiểu hiếu, khuyên lơn và giúp đỡ cha mẹ mình đoạn ác, tu thiện để không bị đọa lạc vào ba đường ác đạo mới là đại hiếu. Nếu giúp cho cha mẹ niệm Phật vãng sanh Cực Lạc, một đời này thành Phật là vô thượng đại hiếu, chẳng có hiếu nào có thể sánh bằng.
Hòa Thượng Tịnh Không nói, vừa khi chúng ta phát Bồ-đề tâm nhất hướng chuyên niệm A Di Đà, đem công đức này hồi hướng để cầu siêu cho ông bà cha mẹ và quyến thuộc, thì họ liền sẽ được độ thoát.
Như Ngài Quang Mục, tiền thân của Bồ-tát Địa Tạng Vương, khi vừa phát Bồ-đề tâm niệm Phật, thì mẹ của Ngài cùng vô số chúng hữu tình nơi địa ngục ấy liền đồng được siêu thoát. Vì sao? Vì tâm của Ngài chẳng phải là vọng tâm giống như chúng ta, tâm của Ngài là chân tâm thanh tịnh, nên khi vừa phát khởi Bồ Đề tâm niệm Phật, thì sức mạnh từ bi ấy lập tức lan tỏa chiếu soi mà không hề bị ngăn ngại, và chính nhờ sức mạnh từ bi này đã cảm hóa được tâm chúng hữu tình nơi địa ngục, giúp họ hốt nhiên tỉnh ngộ mà tự siêu thoát.
3- Niệm ân đức sư trưởng:
Cha mẹ sinh dưỡng sắc thân ta, sư trưởng trưởng dưỡng trí huệ ta. Nên nếu không có sư trưởng thế gian thì ta không hiểu biết về lễ nghĩa, vậy khác chi loài cầm thú? Nếu không có sư trưởng xuất thế gian thì ta không hiểu biết về Phật pháp, trí huệ không thể khai mở vì giáo pháp rộng rãi mênh mông, vậy khác chi phàm tục?
Cho nên công ơn của sư trưởng (thầy) không thua gì ân đức của cha mẹ. Chỗ khác biệt nơi ân đức của Phật là phi thời xứ, còn ân đức của sư trưởng hoặc của cha mẹ chỉ trong có một đời này. Nên với những lời khuyên bảo dạy dỗ của sư trưởng (thế gian hay xuất thế gian) đều giúp ta trưởng dưỡng trí huệ, nên những ân nghĩa này cần phải báo đáp.
4- Niệm ân đức thí chủ:
Người Phật tử thường muốn nương tựa vào phước điền của người xuất gia, họ đã không quản ngại nhọc nhằn dùng công sức mình làm việc, dành dụm một số tiền để cúng dường thực phẩm, cung cấp thuốc men, áo vải v.v… hòng hộ trì người xuất gia có thể sống an ổn về mặt vật chất mà lo tu hành.
Nên nếu người xuất gia không siêng năng tu hành, không phát lòng từ bi hoằng pháp lợi sanh; tức không chịu rốt ráo thực hành 2 việc: trang nghiêm Bồ Đề tự thân (Trang Nghiêm, Thanh Tịnh, Bình Đẳng), và trang nghiêm Phúc Trí tự thân, để làm lợi ích cho hết thảy hữu tình thì tất sẽ có lỗi với tứ chúng. Vì người Phật tử cúng dường vào nơi không có chánh pháp này, phước đức của họ cũng không thể hiển lộ sớm được.
Và người Phật tử nhận pháp cúng dường từ người xuất gia hay cư sĩ tại gia, cũng phải nhớ nghĩ ân đức của những thí chủ này.
5- Niệm ân đức chúng sanh:
Nếu tính kể luân hồi thay đổi từ vô lượng kiếp đến nay, thì ta và chúng sanh (kể cả những loài bò bay máy cựa…) đây kia – tuy nay đã thay hình đổi dạng, nhưng trong quá khứ có thể họ đã từng là cha mẹ, là thân bằng quyến thuộc với ta; tức đây kia từng có ân nghĩa với ta. Nay trong vô số lượng quyến thuộc này có thể đang bị thống khổ quằn quại trong tam ác đạo, ngày đêm đang giơ tay mong đợi và kỳ vọng cầu ta cứu độ giúp cho. Vậy ta có thể làm ngơ, chẳng tận lòng phát Bồ Đề tâm, chẳng cầu thành Phật đạo để tận sức mà đáp đền lại những ân nghĩa xưa được chăng?
Và tất cả những việc lớn nhẫn đến vật nhỏ như: hạt gạo, tấm áo… mà chúng ta đang thọ dụng ở đời này, không có gì mà không nương nhờ nơi sự làm việc khổ nhọc của tâm trí cho đến sức lực của biết bao chúng sanh, do đó chúng ta cũng cần phải biết đền báo những ân này.
6- Niệm sanh tử khổ đau:
Người xưa dạy rằng: “Chỉ sắc thân này, ai tin thân là gốc khổ? Tham đắm dục lạc ở đời, không biết niềm vui ấy là nhân của khổ!” Cổ đức xưa lại nói: “Lúc sanh đau, lúc già đau, lúc bịnh đau, lúc chết đau, hoạn nạn cùng khổ đau đớn, lửa dâm dục đốt, lửa sân giận đốt, lửa tham trộm cắp đốt, lửa tà ngụy đốt, lửa ngu si đốt, đấy là ngũ thống, ngũ thiêu.” Ðược thân người ít như chút đất nơi móng tay, mất thân người nhiều như đất nơi đại địa.
Cho dầu có được thân người, vẫn nên thường quán sát suy tư về Bát Khổ của kiếp người, cho đến nỗi khổ vô tận vô biên trong sáu cõi.
Riêng về nỗi thống khổ trong tam đồ, Phật nói: “sanh tử không ngơi, ác đạo không dứt tuyệt… vào ba đường ác, chịu vô lượng khổ, xoay vần lũy kiếp, không có hạn kỳ ra khỏi, khó được giải thoát, đau đớn không thể nói hết. Nên có ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu, như lò lửa lớn thiêu đốt thân người…” Thật đáng kinh sợ!
Vậy hãy luôn nhớ cái khổ nạn sanh tử này mà cần phải phát tâm Bồ Đề, và luôn quán “xét xem ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia,” thì tâm cầu giải thoát và ý nguyện về Tây Phương mới tha thiết, bền chặt.
7- Tôn trọng tánh linh:
Phật nói: Tâm, Chúng sanh và Phật là một. Có nghĩa tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều tương đồng như tam thế chư Phật, khi Trí Huệ khai mở thì đều có thể thành Phật. Cho nên giác tánh linh vốn sẵn có của chúng ta rất là quý báu, cần phải được tôn trọng. Chúng ta chỉ vì bất giác mà lầm mê nên nhận huyễn làm chân, nay để khôi phục tánh linh vốn có sẵn của mình bằng cách phát tâm Bồ Đề, dùng vô lượng thiện pháp để đối trị vô biên phiền não, “nhất tâm giữ ý, đoan thân chánh niệm, ngôn hành tương xứng, chí tâm làm lành, không làm điều ác, thân tự độ thoát, đặng được phước đức, đạt sự trường thọ đắc đạo Bồ Đề,” cho mau chóng viên mãn thành tựu Phật tánh của mình.
8- Sám hối nghiệp chướng:
Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: “Từ trong vô thủy kiếp từ quá khứ đến nay, ta vì do tham sân si, phát khởi ở thân, miệng, ý nên tạo ác nghiệp nhiều vô số kể. Nếu những ác nghiệp ấy mà có hình tướng thì tận cùng hư không trong vũ trụ cũng không thể nào chứa hết.”
Hòa Thượng Tịnh Không dạy: “Hãy phát lòng sám hối, vì sám hối là cam lồ, sám hối có thể rửa sạch ô uế quá khứ của tâm linh để trong quá trình đó sẽ đạt được tịnh hóa và tái sanh không ngừng nghỉ.
Một người không sám hối, tính linh sẽ không thể tiến triển và tiến hóa, vì không sám hối nên tính linh tiếp tục bị ô nhiễm, trái tim tiếp tục vọng tưởng chấp trước. Không sám hối thì không nhìn nhận và tiêu trừ sai lầm quá khứ, vọng tưởng sai lầm mới sẽ tiếp tục tạo ra. Khi một người không tái phạm lỗi lầm lần thứ hai, chúng ta đã sám hối quá khứ.
Chúng ta không những phải sám hối tội nghiệp đã biết, càng phải sám hối cho những tội nghiệp không biết, luôn luôn sám hối.
Cổ đức nói: “Tội từ tâm khởi dùng tâm sám, nếu tâm diệt thời tội cũng không. Tâm vọng tội diệt cả hai đều không, đó chính là chân thật sám hối”. Một người biết sám hối là người được phước, lại càng được cứu. Sám hối chính là ánh hào quang của tâm linh, là vốn liếng lương thực trên con đường vãng sanh Tây Phương.”
Vì vậy người có tâm sám hối, thề không tái phạm nữa, đó là chân sám hối!
Niệm Phật là pháp môn sám hối tốt nhất, vì một tiếng niệm Phật tương ưng sẽ diệt được tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử.
9- Cầu sanh Tịnh Độ:
Đại sư Ngẫu Ích nói: “Chư Phật vì thương xót chúng sanh mê mờ nên theo căn cơ mà giáo hóa, tuy nẻo về không hai nhưng phương tiện có nhiều môn. Song trong tất cả các phương tiện, nếu tìm pháp môn rất vắn tắt, rất viên đốn thì chẳng gì bằng niệm Phật để cầu sanh Tịnh Độ”.
Ðại sư Tỉnh Am nói: “Nói phước nhiều, không bằng trì danh hiệu Phật; nói thiện nhiều, không bằng phát quảng đại tâm. Trì Thánh hiệu, phước hơn bố thí trăm năm; phát đại tâm, phước hơn tu hành muôn kiếp.”
Cõi Tịnh độ của Phật A Di Ðà là cõi không có các khổ, chỉ có các sự vui, siêu thắng vượt trỗi hơn các quốc độ Phật khác. Nếu không cầu sinh Tịnh độ, thì trong biển khổ Ta bà sẽ phải chịu thống khổ muôn đời kiếp, nên nếu đã thật tâm niệm Phật thì hãy nên phát nguyện cầu sanh Tịnh độ.
10- Khiến cho chánh pháp của Phật cửu trụ thế gian:
Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn dặn rằng: “Pháp vô thượng của chư Phật Như Lai, thập lực vô úy, vô ngại, vô trước, pháp thậm thâm sâu, pháp Ba La Mật của hàng Bồ Tát, chẳng thể dễ gặp. [nên chúng ta phải] Chuyên cần tu hành, tùy thuận giáo pháp của Ta.
Phải hiếu với Phật, thường nhớ ân sư. Khiến cho pháp này bất diệt, lưu truyền dài lâu. Kiên cố giữ gìn, không được hủy hoại vong thất. Không được khởi vọng, tăng giảm kinh pháp.
Thường niệm chẳng dứt, chóng đắc đạo quả. Pháp của Ta như thế, nói như thế. Nên hành theo hạnh Như Lai đã hành. Vun bồi phước thiện, cầu sanh về cõi Tịnh Độ.”
Vì chánh pháp của Phật là pháp vô thượng, nên kinh điển cần phải triển chuyển không ngừng để pháp này bất diệt. Muốn vậy tu sĩ xuất gia cũng như Phật tử tại gia cần phải trang nghiêm tự thân để viên mãn tâm Bồ Đề, tức phải trang nghiêm hai hạnh phước trí, hành theo những hạnh Như Lai đã hành. Từ đó phát Tâm Đại Bi trang nghiêm tất cả các công hạnh, làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh.
Năm xưa trước khi Đức Thế Tôn nhập diệt, ngài A Nan có thỉnh giáo Phật rằng, khi Phật còn trụ thế chúng con tôn Phật làm thầy, vậy sau khi Phật nhập diệt, chúng con biết lấy ai làm thầy đây? – Phật trả lời: “Lấy Giới làm thầy, lấy Khổ làm thầy”.
– Lấy Giới làm thầy: “Giới” luật là thọ mạng của Phật pháp, giữ được giới pháp mới khiến cho Chánh pháp được trụ thế dài lâu. Cho nên tu sĩ xuất gia cũng như Phật tử tại gia, phải biết giữ giới pháp. Giữ được ‘giới’ pháp và có tinh thần giữ giới pháp, thì tâm mới được ‘định’ vì tâm có chủ thể, không bị duyên trần bên ngoài dao động, và khi tâm định liền khai mở trí ‘huệ’. Do đó Giới Định Huệ cũng là tổng cương lãnh mà Phật luôn phổ cập để giáo hóa tất cả chúng sanh.
– Lấy Khổ làm thầy: Không thể chịu khổ, thì chẳng thể trì giới được. Vì không thể chịu khổ thì không thể thiểu dục chi túc, phiền não dục vọng không thể buông xuống thì tâm chẳng thể khinh an.
Phật cả đời thị hiện đều lấy sự khổ hạnh làm giới; dầu cho quốc vương, đại thần, trưởng giả muốn cúng dường nhiều phẩm vật, Ngài vẫn trì giữ ba y một bát, đêm ngủ không quá 3 lần dưới một cội gốc cây. Trong kinh Đại Bát Nhân Giác, Phật nói: “Muốn nhiều là khổ. Sinh tử cực nhọc là vì ham muốn. Nếu ít ham muốn, cũng không bôn ba, thì thân và tâm tự tại tất cả.” Cầu không được đã là khổ, cầu được rồi thì ham muốn sẽ tăng, nhân sinh tử cũng gia tăng theo, khi vô thường đến nỗi khổ càng bị thúc bách hơn. Người càng thiểu dục tri túc, thì định huệ càng phát triển. Ðịnh huệ càng phát triển thì ái dục mong cầu càng ít, tâm Bồ Đề sẽ phát khởi. Như vậy, nương vào sự khổ hạnh chúng ta mới có thể tự hành hóa tha, để đạt đến chỗ thành tựu cứu cánh, vãng sanh Tịnh Độ.
Kinh Vô Lượng Thọ, Phật cũng dạy: chúng ta phải nên tự tịnh tâm chánh thân, tai mắt mũi miệng đều phải đoan chánh, thân tâm tịnh khiết cùng thiện tương ưng. Đừng theo thị dục, không phạm điều ác. Ngôn sắc hòa diệu, thân hạnh nên chuyên, hành vi cử chỉ an định từ tốn. Tâm tâm phát nguyện cầu thành Phật, trì danh niệm Phật nguyện sanh Cực Lạc, thành đạo quả xong thì trở lại Ta bà cứu độ chúng sanh.
Phật pháp mà suy nhược thì ma pháp thịnh hành, nên gọi là “ma cường pháp nhược.” Nên muốn cho chánh pháp của Phật cửu trụ nơi thế gian để ‘thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ,’ thì Phật tử chúng ta phải hành trì Thập Thiện Nghiệp, hàng xuất gia phải chấp hành Sa Di Luật Nghi.
Trong Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, đức Phật nói, “đối với hết thảy pháp, phát sanh thắng nhẫn, không tâm chấp trước”.
Tức tự mình phải khiêm hư, phải biết khen ngợi người khác, phải tôn trọng pháp môn chẳng tương đồng, đối xử hòa mục, thì Phật pháp sẽ hưng vượng! Cổ đức nói, nếu muốn cho Phật pháp hưng thịnh thì chỉ có Tăng khen ngợi Tăng, là vậy. Đôi bên phải khen ngợi lẫn nhau, đối xử khiêm hư với nhau, Phật pháp sẽ hưng vượng. Đừng cảm thấy mình đáng nên kiêu ngạo, coi thường pháp môn của người khác – chẳng hề biết tối hậu là tự mình hóa độ mình.
Đồng thời cũng cần đào tạo thế hệ trẻ học Phật, tu hạnh Phật, y giáo phụng hành để chứng ngộ giải hành tương ứng, phát tâm thọ trì đọc tụng kinh điển, vì người diễn nói kinh Phật, để làm cho giáo pháp của Phật luôn hưng thịnh, và thường trụ nơi thế gian như các vị Tổ Sư đại đức thời xưa đã làm. Được vậy thì Phật pháp mới hy vọng phục hưng như các thời Tượng pháp và Chánh pháp.
Kết luận:
Chúng ta hãy thật vì mười ân đức cần báo đền trên, và hãy thật vì sanh tử mà nỗ lực tu hành cầu cho được sự thành tựu vãng sanh. Bằng cách nào đây? Ngay bây giờ hãy chân thành “Phát Bồ Đề tâm, trì danh niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”.
Biên soạn: Diệu Âm Trí Thành (Canada)