Đức Phật nói kinh Địa Tạng là cốt cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tự tâm, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng
Rất nhiều người có thiện duyên gặp được Kinh này, hoặc phát tâm trì tụng, hoặc trì niệm thánh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng đều được tiêu tai chướng nghiệp, phước tăng, trí huệ và một số khả năng thần thông được khai mở…Xin trích dẫn những câu chuyện có thật, trong sách “Địa Tạng Bồ Tát Linh Cảm Lục”, về sự cảm ứng nhiệm mầu của việc trì tụng Kinh Địa Tạng và trì niệm Thánh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát cho người hữu duyên, nguyện hết thảy cùng lìa khổ được vui, cùng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ!
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Lễ bái danh hiệu dễ sinh con
Vương Bích Bàn cư sĩ có trưởng nữ gả cho nhà họ Trương. Năm trước theo chồng đi Hà Nam, làm việc ở mỏ than khi đang có mang. Cư sĩ dạy con lấy một tờ giấy màu vàng, trên viết “Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát” đặt trên bàn thờ. Hàng ngày thắp hương lễ bái sẽ được Bồ Tát gia bị.
Con gái nghe theo lời Cha, quả nhiên khi sinh đẻ thật dễ dàng. Dù ở nơi biên địa, không có bác sĩ đỡ đẻ, nhưng không chút đau đớn gì. Hai năm sau lại có mang, cô cũng làm theo như vậy. Trước sau sanh được một trai một gái, đều khỏe mạnh, diện mạo khôi ngô, trí tuệ thông minh và hiền hòa. Mọi người chúng tôi đều thấy sự việc này.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Khỏi bệnh tăng phước
Mùa hạ 18 năm về trước, con tôi vì bệnh nặng nên đến Lư Sơn để an dưỡng. Lúc đó Lương Bích Viên cư sĩ cũng ở cùng. Thấy cháu nằm trên giường 4 tháng chẳng thể dậy, nên kể chuyện về sự linh ứng của Kinh Địa Tạng cho cháu nghe và khuyên cháu đọc Kinh Địa Tạng để cầu khỏi bệnh. Cháu nghe lời làm theo, nửa tháng sau bệnh thuyên giảm rồi không thuốc mà tự khỏi.
Sau đó con dâu có mang, năm sau sinh một con trai. Hai vợ chồng in nhiều cuốn Địa Tạng Bồ Tát Linh Cảm Lục phát cho mọi người để báo ơn Phật.
Công đức của việc trì tụng kinh Địa Tạng
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Giúp mẹ khỏi bệnh
Mẹ tôi tên Trương Thị, 50 tuổi, tính tình hiền hậu. Bà thuộc lòng Chú vãng sanh và Kinh Quán Âm, trường chay đã mấy năm. Cách đây ít năm đột nhiên mẹ không đi được, hai tay vô lực, lưng còng xuống đi lại ở trong nhà phải vịn ghế. Sau hai mẹ con quy y Tam Bảo, thờ Quán Âm và Địa Tạng, sớm chiều kính lễ tụng niệm. Mẹ tuy bệnh tật nhưng cũng thời khóa hàng ngày không bỏ.
Một năm sau tôi phát tâm tụng Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện để cầu cho mẹ khỏi bệnh. Vì Kinh Địa Tạng quá dài, lại vất vả về sinh nhai nên khó tụng niệm được toàn kinh. Tôi chỉ đọc Phẩm thứ mười ba, thuộc lòng đề kinh của từng phẩm một, chủ yếu là trì niệm Thánh hiệu.
Được vài tháng thì một hôm mẹ đang ngồi lăn ra bất tỉnh. Tôi hốt hoảng chắp tay chí tâm xưng niệm Thánh hiệu. Kỳ diệu thay, sau 10 câu thì mẹ tỉnh, nôn ra 2 bát nước màu đen. Sau đó mời bác sĩ khám thì họ bảo bệnh khó mà thọ được.
Hàng ngày tôi quỳ trước tượng Bồ Tát Địa Tạng, gia tăng lễ bái, cầu Bồ Tát gia bị. Một tháng sau mẹ dần dần chống gậy đi lại được. Đến nay bà đã 64, đi lại không cần gậy, hàng ngày lễ Phật niệm Phật tinh tấn. Có bệnh hơn mười năm không nhờ thuốc thang mà tự khỏi là điều lạ h trên thế gian. Tất cả đều là sự linh ứng nơi Địa Tạng Bồ Tát mà có được. Ngài thệ nguyện sâu xa, làm lợi ích cho chúng sanh không thể kể xiết. Nếu ta thành tâm phát nguyện cầu ngài gia bị, chắc chắn sẽ được cảm ứng!
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Khỏi mù lòa
Thành Phục Sơ cư sĩ ở Thái An Cam Túc theo đạo Lão từ năm mười sáu tuổi, rất tích cực báng phá Phật pháp. Đến năm Dân Quốc thứ 16(1927) mắt bên phải bị mù. Năm 20 tuổi, mắt bên trái cũng vậy. Về sau duyên may gặp và quy y với Ấn Quang Đại Sư. Y một lòng sám hối, tu tịnh, bắt chước lập hạnh của Liễu Phàm, học pháp Tịnh Ý cải tâm.
Một thời gian sau, tuy được tâm địa sáng suốt, nhưng đôi mắt vẫn còn mù lòa. Bèn phát tâm trích máu nhờ người vẽ tượng Phật. Ngày 17 mùa đông năm Ất Hợi (Dân Quốc 24), sáng dậy lễ khóa như bình thường. Khi tụng đến chữ đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát. Chữ Bồ vừa đọc ra, chữ Tát còn chưa đọc thì thấy trước mặt có một luồng hào quang chói lòa. Trong chớp mắt hai mắt sáng lại, nhìn thấy rõ mọi vật.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Lìa khổ được vui
Cư sĩ Nhạc Sư Úc ở Hà Nam, Trung Châu. Vợ mất sớm, có một con gái đã ở riêng, trong nhà chỉ còn Mẹ già. Năm Dân Quốc thứ 20( 1931) Mẹ bị xe kéo đụng chân trái bị thương, chữa mãi không khỏi. Mọi sinh hoạt ở trên giường, từ tiểu tiện, đại tiện cho đến ăn uống đều một tay cư sĩ làm. Tình cảnh kéo dài mấy năm, vất vả vô cùng, lại không làm ăn gì được, vốn liếng cũng gần cạn.
Ngày 23 tháng 1 năm 1934 Sư Khang và bạn là Trương Khế Chinh đến thăm. Thấy mẹ cư sĩ vẫn còn nằm liệt trên giường bệnh, cư sĩ tiều tụy, đầu tóc bạc phơ. Sư Khang bèn tặng cư sĩ năm đồng và cuốn Kinh Địa Tạng Bồ Tát. Tiền thì cư sĩ nhất định không chịu nhận, chỉ nhận cuốn Kinh thôi.
Từ đó cư sĩ hàng ngày chí tâm đọc Kinh Địa Tạng và xưng danh hiệu, cầu Bồ Tát gia bị cho mẹ khỏi bệnh. 5 giờ sáng ngày 29, bà chợt bảo: “Ta thấy trong người nhẹ nhõm và cảm thấy đói”. Cư sĩ vội vã vào bếp nấu mì, mẹ ăn uống rất vui vẻ, xong lại đòi ăn táo. Cư sĩ vui quá nói rằng: “Bệnh Mẹ khỏi rồi”. Mẹ nói “Không phải thế đâu, e rằng Mẹ con ta sắp vĩnh biệt đấy”. Bà nói chưa dứt câu, táo còn chưa ăn hết thì mất.
Mẹ chưa kịp liệm thì thấy Châu Đồng Sinh đến, bảo: “Đêm qua tôi nằm mơ thấy bà đến cho biết sáng nay bà đi. Trong lòng nghi hoặc nên đến đây thì quả là vậy”.
Đêm 31, linh cữu của Mẹ được an táng. Cư sĩ đau lòng khóc lóc thảm thiết. Bỗng nghe có tiếng người nói rằng: “Thôi đừng khóc thương nữa, Mẹ ngươi đã được Địa Tạng Bồ Tát tiếp dẫn rồi”. Cư sĩ mở mắt nhìn quanh, cửa đóng then cài nhưng chẳng thấy ai. Nhớ lại việc Sư Khang tặng Kinh, bèn hướng về Mẹ niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát cầu gia hộ cho Mẹ.
Hai thai nhi được cứu sống nhờ trì tụng kinh Địa Tạng và niềm tin Phật pháp nhiệm màu
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Được vãng sanh
Chị dâu Trương Thị tên là Thọ Thân. Sinh ra trong gia đình lương thiện, thông minh từ nhỏ. Chị ở nhà nổi tiếng là hiếu thảo. Khi đến tuổi cập kê về Giang Hạ làm dâu của Trưởng Tôn Du Đường Công. Lấy nhau được 49 ngày thì chồng chết, chị thề thủ tiết thờ chồng.
Mẹ chồng bị bệnh nặng, thuốc thang đều vô hiệu, chị cắt thịt để làm thuốc cho mẹ. Sự hiếu thảo kinh động cả quỷ thần nên mẹ chồng được tăng thọ thêm 3 năm. Họ hàng nội ngoại đều khen ngợi đức độ của chị. Có người trong hoàn cảnh đói khổ hay bệnh tật đến nhờ cũng được Trương Thị tận tâm giúp đỡ, chưa hề thoái thác. Chị sống rất là đạm bạc, đơn giản, hay giúp đõ người khác.
Tháng 5 năm Dân Quốc thứ 30 (1941) Đại Đức Hoằng Nhất Pháp Sư hoằng dương Chánh pháp. Chị dâu rủ tôi cùng đi gặp Pháp Sư và quy y Tam Bảo. Tôi vì góa bụa, nên sớm chiều bầu bạn với chị hơn mười năm.
Một hôm chị phát hiện ung thư vú, bệnh mỗi ngày càng thêm nặng. Dù đau ốm vẫn trường trai, một lòng niệm Phật cầu sinh Tây Phương. Khi chị hấp hối, đứa cháu nội chín tuổi là Tôn Thừa Kinh, bỗng nhiên thét lớn, mặt mũi tái mét. Mọi người vỗ về hỏi tại sao? Kinh đáp: “Sau lưng Bà có một người tướng mạo như Phật, cao lớn, đầu đội mũ có nhiều góc. Mình mặc áo có nhiều vải vá, tay cầm cây trượng dẫn dắt Bà nội đi”.
Do trong nhà có treo bức họa ảnh của Địa Tạng Vương Bồ Tát, mọi người mới ngỡ ra là Thịnh đức cảm được Địa Tạng Vương Bồ Tát đến tiếp dẫn bà qua Tây Phương. Qua năm ngày sau hỏa táng ở Vũ Sơn, lấy ra tro hài cốt trắng trẻo sạch sẽ, đựng vào trong hủ, hiện gửi ở núi Thanh Nguyên, hang Di Đà, để chờ chọn ngày xây tháp kỷ niệm.