Tổng hợp

Phát tâm bồ đề, ấy là chánh niệm

Đạo Phật thường ví tâm của con người giống như là con khỉ, luôn nhảy nhót không thôi. Liệu có cách nào để khiến tâm trí của bạn trở nên tích cực và đúng đắn hơn?

Bàn về vấn đề này, Phật giáo giới thiệu một khái niệm quan trọng, đó chính là Bồ Đề Tâm.

Tâm hướng về giác ngộ

Theo Phật giáo Đại thừa, Bồ Đề Tâm – còn được gọi là Giác Tâm – tức là tâm hướng về giác ngộ, tâm an trú trong giác ngộ, tâm của sự giác ngộ. Tâm Bồ Đề là tâm giác ngộ, tâm thấy được bản mặt thật của chư pháp, tâm tin nơi nhân quả và Phật tánh nơi chúng sinh cũng như luôn dụng công tu hành hướng về quả vị Phật.

Phật giáo Tây Tạng cũng đồng ý với khái niệm Bồ Đề Tâm, nhưng chia ra làm hai dạng: Tương đối và tuyệt đối. Ở mức tương đối, Bồ Đề Tâm có thể xuất phát từ lòng từ bi, muốn cứu độ chúng sinh, hoặc hành giả đạt được Bồ Đề Tâm thông qua Thiền định, biến ước mơ đắc đạo thành sự thật. Còn ở mức tuyệt đối, đó chính là sự chứng ngộ được tính Không của mọi hiện tượng.

Bồ Đề Tâm liên hệ tới hai chiều hướng: Thứ nhất là để cầu Phật Đạo. Thứ nhì là để giáo hóa chúng sinh. Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na nói: “Lấy Bồ Đề Tâm làm nhân, đại bi làm căn bản, phương tiện làm cứu cánh”. Ví như người đi xa, trước tiên phải nhận định mục tiêu sẽ đến, phải ý thức chủ đích cuộc hành trình bởi lý do nào và sau đó, dùng phương tiện hoặc xe, thuyền, hay máy bay để đến đó.

Người tu cũng thế, trước tiên phải lấy quả vô thượng Bồ Đề làm mục tiêu cứu cánh, lấy lòng đại bi lợi mình lợi chúng sinh làm chủ đích thực hành. Sau đó, tùy sở thích căn cơ mà lựa chọn các pháp môn hoặc Thiền, hoặc Tịnh, hoặc Mật làm phương tiện tu tập. Phương tiện với nghĩa rộng hơn, còn là trí huệ quyền biến tùy cơ nghi, áp dụng tất cả hạnh thuận nghịch trong khi thực hành Bồ Tát đạo. Cho nên Bồ Đề Tâm là mục tiêu cần phải nhận định của hành giả, trước khi khởi công hạnh huân tu.
Các hành giả đạt đến Bồ Đề Tâm nhờ thiền định

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu quên mất Bồ Đề Tâm mà tu các pháp lành, đó là ma nghiệp”. Lời này xét ra rất đúng. Ví như người cất bước khởi hành mà chẳng biết mình sẽ đến đâu và đi với mục đích gì, thì cuộc hành trình chỉ là quanh quẩn, mỏi mệt và vô ích mà thôi. Người tu cũng thế, nếu dụng công khổ nhọc mà quên sót mục tiêu cầu thành Phật để lợi mình lợi chúng sinh, thì bao nhiêu hạnh lành chỉ đem đến kết quả hưởng phước thêm một chút, nhưng chung cuộc vẫn bị chìm mê trong nẻo luân hồi, chịu muôn vàn nỗi khổ, nghiệp ma vẫn còn. Như vậy phát tâm Bồ Đề lợi mình lợi người là bước đi cấp thiết của người tu.

Phát tâm Bồ Đề

Muốn phát Bồ Đề Tâm cần phải quán sát để phát tâm một cách thiết thật và hành động đúng theo tâm nguyện ấy trong đời tu của mình. Có những người xuất gia, tại gia mỗi ngày sau khi tụng kinh niệm Phật đều quỳ đọc bài hồi hướng: “Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não…”. Nhưng rồi trong hành động thì trái lại, nay tham lam, mai hờn giận, rồi si mê biếng trễ, nói xấu hay chê bai chỉ trích người, tranh cãi gây gổ buồn ghét nhau. Như thế, tam chướng làm sao tiêu trừ được? Chúng ta phần nhiều chỉ tu theo hình thức, chứ ít chú trọng đến chỗ khai tâm, thành thử lửa tam độc vẫn cháy hừng hực.

Vậy làm cách nào để phát triển Bồ Đề Tâm? Ta có thể sử dụng Lục Tâm để tự quán sát chính mình.

Thứ nhất là Giác Ngộ Tâm

Chúng ta thường nghĩ sắc thân này là ta, tâm thức có hiểu biết, có buồn giận thương vui là ta. Nhưng thật ra, sắc thân này là giả dối, mai này, khi chết đi nó sẽ tan về với đất bụi, nên thân tứ đại không phải là ta. Tâm thức cũng thế, nó chỉ là thể tổng hợp về cái biết của sáu trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Ở đây, cần nhận rõ, không phải hiện tại cái thân này không có thật, nhưng vì Thánh giả không chấp trước, nên thể ấy thành không. Nhân đã không thì pháp cũng không, vì sự cảnh luôn luôn thay đổi sinh diệt, không có tự thể. Khi đã giác ngộ “Nhân” và “Pháp” đều không, thì giữ lòng thanh tịnh trong sáng không chấp trước mà niệm Phật. Dùng lòng giác ngộ như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề Tâm.

Giữ lòng thanh tịnh trong sáng không chấp trước mà niệm Phật

Thứ hai là Bình Đẳng Tâm

Đối với chúng sinh phải có tâm bình đẳng và tôn trọng, bởi vì đó là chư Phật vị lai, đồng một Phật tính. Khi dùng lòng bình đẳng tôn kính tu niệm, sẽ dứt được nghiệp chướng phân biệt khinh mạn, nảy sinh các đức lành. Dùng lòng bình đẳng như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề Tâm.

Thứ ba là Từ Bi Tâm

Tìm phương tiện độ mình cứu người, để cùng nhau được an vui thoát khổ.

Thứ tư là Hoan Hỷ Tâm

Đã có xót thương tất phải thể hiện lòng ấy qua tâm hoan hỷ. Lòng tùy hỷ trừ được tật nhỏ nhen. Lòng hỷ xả hóa giải được hận thù.

Thứ năm là Sám Nguyện Tâm

Trong kiếp luân hồi, mọi loài hằng đổi thay làm quyến thuộc lẫn nhau. Thế mà ta vì mê mờ lầm lạc, từ kiếp vô thỉ đến nay, do tâm chấp ngã muốn lợi mình nên làm tổn hại chúng sinh, tạo ra vô lượng vô biên ác nghiệp. Ngày nay giác ngộ, ta cần phải thành tâm sám hối, nguyện độ khắp chúng sinh để chuộc lại lỗi xưa và đền đáp năm ân nặng (ân Tam Bảo, ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân thiện hữu tri thức và ân chúng sinh). Có tâm sám nguyện như vậy, tội chướng mới tiêu trừ, công đức ngày thêm lớn và mới đi đến chỗ phước huệ lưỡng toàn. Dùng lòng sám nguyện như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề Tâm.

Thứ sáu là Bất Thối Tâm

Dù đã sám hối phát nguyện tu hành, nhưng nghiệp hoặc ma chướng không dễ gì dứt trừ, sự lập công bồi đức thể hiện sáu độ muôn hạnh không dễ gì thành tựu. Cho nên muốn được đạo tâm không thối chuyển, phải lập thệ nguyện kiên cố, quyết không phạm điều ác, quyết không thối chí.

Dùng lòng bất thối chuyển như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề Tâm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *