Tổng hợp

Trưởng dưỡng Bồ đề tâm qua pháp tu Bản tôn Phật Quan Âm

“Dù trong một khoảnh khắc, dù trong một giây phút, nếu có người phát Bồ đề tâm với mong nguyện tu tập giác ngộ để cứu độ cho hết thảy chúng sinh thì công đức của người phát Bồ đề tâm ấy rộng khắp hư không cũng không thể chứa hết” (Đức Phật).

Lòng từ bi là sự quan tâm bình đẳng đến những người khác cho dù họ có là người xa lạ hay thậm chí đang làm tổn hại bạn. Trưởng dưỡng lòng từ bi từ tận đáy lòng là thiện hạnh rất quan trọng của loài người bởi lòng từ bi có công năng cứu rỗi thế giới. Nếu không có lòng từ bi tỏa khắp, thế giới sẽ trở nên tồi tệ gấp hàng triệu lần so với bây giờ, sẽ đắm chìm trong chiến tranh chết chóc, nạn đói, bệnh tật, thiên tai và các loại thảm họa dẫn dắt bởi nghiệp xấu cộng dồn từ khắp các chúng sinh. Tuy vậy, để phát triển lòng từ bi thì sự cầu nguyện không đủ, sự hiểu biết thông minh hay kiến thức uyên bác về triết học cũng không đủ mà chúng ta cần thực hành thiền định, và đặc biệt, điều quan trọng nhất là cần có sự hướng đạo từ một bậc Căn bản thượng sư giác ngộ để đón nhận quán đỉnh gia trì đặc biệt của Bản Tôn Phật Quan Âm.

Trong pháp thực hành trưởng dưỡng Bồ đề tâm, chúng ta thường phát nguyện «Con xin hồi hướng những thiện hạnh của mình vì lợi ích của tất cả chúng sinh mẹ». Trong thực tế cuộc sống, chúng ta rất cần Bồ đề tâm, lòng từ bi với mong nguyện làm cho mọi chúng sinh hạnh phúc. Con người là chúng sinh cần phải trưởng dưỡng Bồ đề tâm mạnh mẽ nhất. Chúng ta không thể hạnh phúc khi những người xung quanh mình bất hạnh. Nếu toàn đất nước Việt Nam không hạnh phúc thì làm sao mà chúng ta có thể cảm thấy hạnh phúc được. Tương tự như vậy, nếu gia đình bạn bất hạnh, làm sao bạn có thể thấy hạnh phúc? Đó là lý do vì sao ngay cả khi bạn đang sống cuộc sống của mình, thì hạnh phúc của bạn cũng phụ thuộc rất nhiều vào những chúng sinh hữu tình khác. Chúng ta sống trong một thế giới với các mối quan hệ phụ thuộc, nơi mà chúng ta cần phải nương dựa vào nhau, nơi mà hạnh phúc của mỗi người trong các mối quan hệ cho dù là bạn hữu hay vợ chồng, cha mẹ, con cái đều đến từ người khác. Vì vậy, chúng ta thực hành Bồ đề tâm là để giúp đỡ người khác và cũng là giúp đỡ chính mình.

Đức Phật Quan Âm là hiện thân từ bi của tất cả chư Phật. Pháp thực hành Bản tôn Quan Âm có mục đích chính là phát triển lòng từ bi trong tâm mỗi người và tất cả chúng sinh. Tình thương yêu và trí tuệ hiểu biết của Đức Quán Âm đã kết hợp hài hòa trọn vẹn, phát triển viên mãn. Bởi vậy Ngài đã thể hiện muôn ngàn hình tướng: Đức Quan Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt, Đức Quan Âm Tứ Thủ, Đức Quan Âm Hai Tay hay là hiện thân của các Đức Tara. Tất cả hiện thân của các Ngài để tùy theo sự mong cầu của chúng sinh. Bắt nguồn từ trí tuệ và tình thương yêu, các Ngài hiện thân vô số để có thể cứu độ, cứu giúp, nâng đỡ cho tất cả chúng sinh, đem hạnh phúc đến cho tất cả. Đó là ý nghĩa chân thật của Đức Phật Quan Âm.

Phương pháp thực hành về Đức Phật Quán Âm chính là phương pháp để bảo vệ, hộ trì và viên mãn mọi ước nguyện của chúng ta. Chúng ta thực hành pháp tu tập của Đức Phật Quán Âm để phát triển Bồ đề tâm, quán chiếu để nhận ra tất cả chúng sinh trong sáu đạo luân hồi đang trôi lăn trong đau khổ không phải là ai xa lạ mà chính là cha mẹ của chúng ta, người thân của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp. Chúng ta sẽ thấy được trách nhiệm của mình đối với những gì cha mẹ, người thân của chúng ta mong muốn. Họ mong cầu hạnh phúc, sợ hãi khổ đau. Bởi vậy chúng ta nhận ra được cha mẹ của chúng ta, người thân của chúng ta, chúng ta sẽ thực hành Bồ đề tâm, hết lòng đem thiện hạnh để có thể chia sẻ hạnh phúc đến cho tất cả chúng sinh.

Khi Bồ đề tâm chân thật đã thực sự phát triển trong tâm thì năng lực của Bồ đề tâm có thể bảo vệ cho chúng ta thoát khỏi mọi khó khăn, thoát khỏi mọi nguy hiểm và không có một sức mạnh nào có thể làm tổn hại chúng ta được nữa. Ví dụ như thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Khi Ngài còn tại thế, Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) là anh họ của Đức Phật thường tật đố ghen tị với Ngài và tìm mọi cách để hại Ngài. Có một lần, Đề Bà Đạt Đa xui thái tử A Xà Thế chuốc cho một con voi uống rượu say rồi thả voi ra để làm hại Đức Phật. Khi con voi xông tới, tất cả chúng Tăng đều sợ hãi dạt sang hai bên, duy chỉ có Đức Phật với lòng từ bi, với tình thương yêu chân thật, Đức Phật hướng về con voi say, và đột nhiên con voi đang hung dữ như nhận được năng lực và từ trường tình yêu thương của Đức Phật Thích Ca gửi đến, nó đã phủ phục và quy y với Ngài. Câu chuyện để chứng minh rằng, với năng lực mạnh mẽ của Bồ đề tâm, với sức mạnh của tình thương yêu vô điều kiện có thể bảo hộ thoát khỏi tất cả những tai nạn. Cũng như sức mạnh năng lực của Bồ đề tâm vẫn có thể chuyển hóa được tâm giận dữ, si mê của con voi say hoang dại.

Trong Kinh điển Đại Thừa, Đức Phật Thích Ca đã dạy rằng: “Dù trong một khoảnh khắc, dù trong một giây phút, nếu có người phát Bồ đề tâm với mong nguyện tu tập giác ngộ để cứu độ cho hết thảy chúng sinh thì công đức của người phát Bồ đề tâm ấy rộng khắp hư không cũng không thể chứa hết”. Như vậy, năng lực và sức mạnh của Bồ đề tâm có thể giúp cho chúng ta tích lũy vô lượng công đức.

Thời Đức Phật tại thế, có một bà cụ già đến lễ Phật và sau khi thọ nhận giáo pháp của Ngài, bà bỗng khởi lên niềm kính tín tột cùng. Bởi bà rất nghèo, bà chỉ có đủ tiền để mua một ngọn đèn cúng dường Đức Phật. Khi cúng dường, bà phát nguyện rằng: «Xin hồi hướng công đức cúng dường đèn lên chư Phật và chư Bồ Tát không phải cho hạnh phúc của bản thân tôi. Trong tương lai, tôi xin nguyện dứt trừ vô minh vì lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình. Nhờ dứt trừ vô minh của tất cả chúng sinh, tôi nguyện có thể mang lại hạnh phúc tối thượng cho họ. Tôi xin nguyện chịu khổ đau thay cho tất cả chúng sinh mẹ». Với nguyện lực mạnh mẽ và thanh tịnh, ngọn đèn của bà cụ cháy liên tục trong suốt bảy ngày, không hề bị tắt. Một vị A-la-hán là đệ tử của Đức Phật thầm nghĩ: «Ngọn đèn đã cháy quá lâu rồi. Giờ ta phải chuẩn bị cho thời giảng pháp sau và không cần đến đèn nữa». Nhưng dù vị A-la-hán dùng đủ mọi cách cũng không thể làm ngọn đèn tắt. Lúc đó, Đức Phật mới dạy rằng : «Nếu con không cúng dường ngọn đèn đó, con sẽ không thể dập tắt được nó. Ngọn đèn của bà cụ được cúng dường với Bồ đề tâm thanh tịnh, trong sáng và vô nhiễm. Nhờ công đức cúng dường của một ngọn đèn với tâm từ bi, trong tương lai bà cụ đó sẽ là Đức Phật Ánh Sáng».

Trong Kim Cương Thừa, phương pháp tu tập để phát triển Bồ đề tâm, phương pháp tu gần gũi và căn bản, chính là pháp tu về Đức Phật Quán Thế Âm. Bằng cách chúng ta tu tập quán tưởng Đức Phật Quán Thế Âm, sự hiện thân của Ngài chính là hiện thân của sự hợp nhất giữa trí tuệ và từ bi, tình thương yêu, lòng bi mẫn, sự hợp nhất hoàn toàn. Bởi vậy, nhờ tâm chúng ta quán tưởng Ngài sẽ được thăng hoa tới mức độ thanh tịnh và miệng chúng ta trì chân ngôn của Ngài dần dần Bồ đề tâm trong chúng ta sẽ được phát triển viên mãn. Thông qua phương pháp tu tập phát triển Bồ đề tâm, phương pháp tu tập phát triển về Đức Phật Quan Âm, trì tụng chân ngôn và quán tưởng hình ảnh của Ngài sẽ giúp cho chúng ta phát triển được tình thương yêu, sự hiểu biết và những hành động thiện hạnh để có thể lợi ích hết thảy mọi loài.

(Nguồn: www.drukpavietnam.org)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *