Tổng hợp

Tu Tứ Vô Lượng Tâm sau phát Tâm Bồ Đề

TU TỨ VÔ LƯỢNG TÂM SAU PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

Soạn giả Pram Nguyen
Ngày 25/04/2020

— o0o —

Không phải nói phát Bồ Đề Tâm thì phát được! (Xem: SAO GỌI LÀ BỒ ĐỀ TÂM ?)

Người chưa lìa ngã và ngã-sở thì quyết không thể phát Tâm Bồ-Đề!

Bồ Tát lìa Ngã, nhưng không nhập A-la-hán quả là lẽ nầy. Chư A-la-hán vì cái thấy cạn hẹp, sợ sanh tử, nên khi phá ngã liền an trụ trong Diệt Tận Định, gọi là trầm Không trệ tịch. Chẳng làm lợi ích cho chúng sanh.

Kinh viết,

Bực Sơ địa Bồ Tát lúc tu Đại thừa nơi hạng nhứt xiển đề tâm không phân biệt chẳng thấy lỗi của họ, nên chẳng sanh lòng sân. Do nghĩa nầy mà đặng gọi là đại từ.

Nầy Thiện nam tử ! Vì trừ những sự không lợi ích cho các chúng sanh, đây gọi là đại từ.

Muốn cho chúng sanh được vô lượng lợi ích an vui, đây gọi là đại bi.

Đối với các chúng sanh sanh lòng vui mừng đây gọi là đại hỷ.

Không thấy có chúng sanh được ủng hộ, đây gọi là đại xả.

Nếu chẳng thấy có ngã, pháp tướng, thân mình, thấy tất cả pháp đều bình đẳng không sai khác, đây gọi là đại xả.

Tự rời bỏ sự vui của mình mà đem ban cho người khác, đây gọi là đại xả,

Nầy Thiện nam tử ! Chỉ có bốn tâm vô lượng có thể làm cho Bồ Tát được đầy đủ sáu pháp Ba La Mật, những công hạnh khác chẳng quyết định được như vậy.

Nầy Thiện nam tử !

1) Bồ Tát trước đặng bốn tâm vô lượng thế gian,
2) vậy sau mới phát tâm vô thượng Bồ Đề,
3) kế đó mới đặng tâm vô lượng xuất thế.
4) Nhơn tâm vô lượng thế gian mà được tâm vô lượng xuất thế do vì nghĩa nầy nên gọi là đại vô lượng”.

Nguyễn Lê Minh Đức Thật chỉ có trên cầu Phật Pháp dưới độ chúng sanh mới được tứ vô lượng tâm

Nguyen Nguyen WOW quả là TÂM ĐỊA TẠNG và TRÍ HƯ KHÔNG ạ!

Trần Chính Trức Từ khi được chú khai thị con càng thấy rõ tu Mật Tông là vô cùng khó, ai cũng có thể nói phát Bồ Đề Tâm nhưng hành được nó thì đâu đơn giản khi chưa diệt trừ được 5 Triền Cái và 10 Kiết Sử. Thật có phước và may mắn khi được chú chỉ dẫn cho đường đi, những cái nhỏ chưa làm nổi sao mong làm những thứ cao siêu. Hàng ngày mỗi bài viết của chú bố thí cho chúng con, làm cho con đường tu như phá tan được sương mù ngăn lối. Có dám đi hay không giờ phụ thuộc vào người tu.

Pram Nguyen “Có dám đi hay không giờ phụ thuộc vào người tu.” đúng vậy. Không ai dám giựt cờ chém tướng giặc sanh tử!

Trần Chính Trức Pram Nguyen Vâng ạ

Trần Chính Trức Con thấy có đạo hữu trên mạng viết như thế này ạ
Xin phép quý vị cho tôi được bầy tỏ về ý nghĩa thô thiển về vấn đề Phát Bồ Đề Tâm như sau :

Phát Bồ-Đề-Tâm ở Nguyên-thủy khác với Phát Bồ-Đề-Tâm ở bậc Bồ-Tát một chút.

Ở quả vị A-La-Hán, khi các Ngài phát Bồ-Đề-Tâm thì chỉ cần thấy thế-gian đau khổ, tự mình muốn giải thoát là được kể như là đã “Phát” Bồ-Đề-Tâm rồi. Lý do là các Ngài không cần nói độ ít hay nhiều người gì cả. “Độ” mình được thì thì cũng là “Phát Bồ-Đề-Tâm” rồi. Chữ Bồ-Đề-Tâm có nghĩa là “cái tâm Giác Ngộ”. Phát cái Tâm Giác-Ngộ chứ không phải là “nói” Phát cái Tâm Bồ-Đề như cái nghĩa là phải đi “cứu độ” người ta.

Ở Đại-Thừa, có người nói, “Phát Bồ-Đề-Tâm” tức là “Phát Bồ-Tát-Tâm”. Chữ thì có khác một chút nhưng ý nghĩa thì như nhau hết.

Thường thường phàm-phu cho rằng, “Phát” là suy nghĩ về cái gì đó thì ở đây, ý nghĩa về “Phát Bồ-Đề-Tâm” không phải như vậy. “Phát” đây là cái “Tâm” mình khởi được cái ý đó và đồng thời hướng về “cái đó” không còn “thối chuyển” nữa thì mới gọi là “Phát Bồ-Đề-Tâm”.

Ai cũng có thể “Phát Bồ-Đề-Tâm” được nhưng, vấn đề “Phát Bồ-Đề-Tâm” trong các Kinh-điển Đại-thừa khác với ý nghĩa “Phát Bồ-Đề-Tâm” mà người bình thường hiểu. Phát Bồ-Đề-Tâm không phải là cái miệng nói ra. Chẳng hạn khi đi Chùa, nghe mấy Sư nói : Hôm nay quý Phật-tử hãy đọc theo tôi, Phát Bồ-Đề-Tâm, nào là “Chúng-sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng, thệ nguyện học, Phật-đạo vô-thượng, thệ nguyện thành” v…v… Xướng lên như vậy chưa phải là “Phát Bồ-Đề-Tâm”.

Phát Bồ-Đề-Tâm là tự mình nguyện, tự mình nhận thấy cái “sự thật” rồi từ đó, cái Tâm mình cứ theo đó mà đi chứ không cần ai chỉ dạy cho biết, chỉ dạy cho “phải nói hay làm” này nọ. Tự mình tự nhận biết, rồi tự mình nguyện, mình làm thì cái đó mới là “Phát Bồ-Đề-Tâm”, mà “phát Bồ-Đề-Tâm thực sự như trong Kinh Hoa-Nghiêm nói, thì là cái người đó đã là Bồ-Tát rồi chứ không phải còn là người”phàm” nữa.

Cho nên khi nói một người đã “Phát Bồ-Đề-Tâm” là người đó, tự họ đã nhận rõ ra được, thế-gian là đau khổ, không còn luyến ái thế-gian thế-gian này nữa và thấy chúng sanh còn đang phải chịu đau khổ nên “nguyện” phát cái tâm tự cứu mình, cứu người. Mình nhận rõ ra như vậy và sống được như vậy thì tự nhiên cái đó là “Bồ-Đề-Tâm” chứ không phải “Phát” Bồ-Đề-Tâm là làm cái gì khác cả.. Bồ-Đề-Tâm là nơi cái Tâm mình chứ không phải là ở nơi ngoài. Không phải là “Phát Bồ-Đề-Tâm” là nói cho người ta nghe là mình “Phát” Bồ-Đề Tâm, cũng không phải là “thọ giới” Bồ-Tát là “Phát” Bồ-Đề-Tâm nữa.

Điều kiện để “Phát Bồ-Đề-Tâm” là mình “ngộ” được thế-gian là “vô-thường”, “ngộ” được mình có cái “Tánh” như Phật, “ngộ” được mình có cái “Pháp-Thân” mới gọi là “Phát Bồ-Đề-Tâm” chân thật. Bồ-Đề-Tâm có nhiều bậc. Có bậc gọi là “Giả danh Bồ-Đề-Tâm”, “Tương Tợ Bồ-Đề-Tâm” và “Chân Thật Bồ-Đề-Tâm”.

Giả Danh Bồ-đề-Tâm, tức là chỉ có cái “danh” không thôi, chẳng hạn như phàm-phu mình, mỗi ngày cứ nói cái “miệng” là, tôi “phát bồ-đề-tâm”, tôi “phát bồ-đề-tâm”… Những cái đó chỉ là “giả danh” bồ đề tâm chứ không phải là thứ thiệt. Bởi vì miệng nói nhưng cái “Tâm” mình chưa phải là như vậy.

Rồi tới “Tương-tợ Bồ-Đề-Tâm” là cái người “đang tu hành”, đang thực-hành cái “Hạnh Bồ-Đề-Tâm” đó thì gọi là “Tương-Tợ”.

Còn “Chân Thật Bồ-Đề-Tâm” là “Tâm Bồ-Đề” của các vị Bồ-Tát, từ bậc “Sơ-Địa” trở lên tới Đức Phật mới là “Chân Thật”. Cái “Tâm Bồ-Đề” đó là cái “Tâm-Nguyện” độ-sanh và tự độ đó mới là cái “Tâm Bồ-Đề Chân Thật “, chân thật từ hành động phát ra. Tâm tâm nơi “nguyện”, nơi “Thân” cũng y như vậy hết. Mà luôn luôn như vậy chứ không phải lúc thế này, lúc thế nọ. Phàm phu mình chưa được như vậy nên chưa phải là Bồ-Đề-Tâm chân thật.

Phật-tử chân chính không nên lạm dụng danh-từ Phát Bồ-Đề-Tâm, mà các vị Sư cũng không nên ru ngủ Phật-tử bằng cách tán dương các Phật-tử “phát” Bồ-Đề-Tâm là Tâm Bồ-Tát v…v… Bồ-Đề là “Giác Ngộ”, Phát Tâm Giác Ngộ. Mà “giác Ngộ” thì làm sao mở miệng ra nói được? Mình thì theo “vọng-tưởng”, chạy theo “vọng-tưởng” mà mở miệng ra nói muốn “phát” cái “Giác” thì “phát” cái “Giác” ra làm sao và “phát” cái “Giác” ở chỗ nào ?

Phải hiểu “Phát Bồ-Đề-Tâm” là là cái “Tâm” cầu “Giác-Ngộ”. Cầu Giác-Ngộ thì làm cái gì? Phát Bồ-Đề-Tâm tức là mình bắt đầu vứt bỏ những vọng-tưởng, không theo vọng-tưởng chứ không phải là “cầu” cái “Giác”. Cầu cái “Giác” thì ai ban cho mình? Đâu có ai “Ban” cái “Giác” cho mình được?. Chhẳng hạn như bây giờ mình mở miệng, mình phát nguyện thành Phật,làm sao để “thành”, mình đâu có biết làm sao ?

Tóm lại, Bồ-Đề-Tâm là công phu tu-hành để chuyển Thức thứ 7 là Mạt-Na-Thức và Thức thứ 8 là A-Lại-Da-Thức thành “Bình-Đẳng Thánh-Trí” và “Đại-Viên Cảnh-Trí”, là cái “Trí-Huệ” sáng suốt, hết chấp “Ngã” và “Pháp” chấp, thấy được cái tánh “bình đẳng” của Vạn Vật, là Trí-Huệ sáng suốt “Viên Mãn”, tròn đầy như tấm gương rộng lớn chiếu soi khắp “Càn-Khôn Vũ-Trụ”, vật gì cũng in bóng nhưng lại chẳng giữ lại một hình bóng nào cả (tức Tâm Vọng -tưởng)

Gọi là một chút “loạn ngôn”, có điều gì thất thố, mong các vị xá tội cho.

Pram Nguyen Đây là do quá trình học con thâu tóm, hay do tự trí sanh ra hoặc do người khác viết rồi con từ từ huân tập?

Trần Chính Trức Pram Nguyen Con đề rõ ở phía trên đó ạ là do một đạo hữu khác viết con đọc được thì con đưa lên hỏi chú thôi ạ.

Pram Nguyen Trần Chính Trức người nầy viết có đúng và sai. Giải thích gượng ép để qui A-La-Hán biết về Bồ Đề Tâm. Thật ra, A-La-Hán chẳng biết gì về Tâm Bồ Đề. Bodhi tức Giác. Thế thì A-La-Hán đắc Đạo sao không nói Giác Ngộ? Chú không phân tích nhiều e có sự chống trái không hay. Nói chung phân tích như trên cũng có thể giúp người tế nhận phần nào về phát Bồ Đề Tâm. HT Thiền Tâm cũng có giải thích nhiều về Bồ Đề Tâm..

Trần Chính Trức Pram Nguyen Vâng ạ. con cảm ơn chú. Con đọc để tham khảo và phải hỏi qua chú để biết đâu đúng đâu sai ạ

Trần Chính Trức Con cũng nhân chủ đề này xin chú giúp : Con thấy các Ngài có tướng phẫn nộ có tướng từ bi để đối trị với những cái xấu ác. Bi và Dũng đôi khi với người phàm phu như con chưa thể đủ tầm phân định. Khi gặp 1 kẻ xấu ác ta cần dùng Tứ Vô Lượng Tâm với họ? nếu họ càng lấn tới mình từ bi cam chịu hay phải dùng tới Dũng và có lời dậy: Không nhìn lỗi người mà nhìn vào lỗi ta. Với cách hiểu phàm phu là mình bỏ qua cho họ nhưng nếu lỗi của họ gây ra những cái thiệt hại cho mọi người không lẽ ta làm ngơ?. Đây là cái người tu sơ cơ còn không biết phân định như thế nào cho đúng Pháp. Con xin chú chỉ dậy ạ

Pram Nguyen Khi gặp 1 kẻ xấu ác tốt nhứt là đừng giao thiệp, đừng chào hỏi, đừng nói chuyện. Nếu không biết là 1 kẻ xấu ác thì (1) dùng danh-lợi mà thử nó! Nó hám danh mê lợi thì đích thị là xấu; (2) còn đam mê quyền bính là ác. Nói đến tình thì năm ăn năm thua!

Trần Chính Trức Pram Nguyen vâng ạ

Lê Hoàn Ngọc Tú Lời chú dạy rõ ràng sáng như ban ngày. Người đọc hiểu thấy rõ thì là người trí có mắt sáng, người đọc hiểu chưa sâu thì như người mắt bị quáng gà, người đọc không hiểu và chưa có lòng tin giống như những người mù, sáng mà ko thấy sáng . Con nhận mình là kẻ bị quáng gà, cố gắng sám hối để chữa cho mắt sáng. Con xin phép chia sẻ bài chú 🙏

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *